Đỗ Nhật Nam: Muốn chứng tỏ Việt Nam với năm châu
(Dân trí) - Trở về từ Mỹ tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam với tư cách đại biểu, cậu bé “thần đồng” 14 tuổi Đỗ Nhật Nam chia sẻ nhiều trải nghiệm và ước muốn trong tương lai.
Yêu nước là phải học tập
Đỗ Nhật Nam là một trong 364 đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2015 lần thứ 2.
Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001) là con trai của PGS.TS Đỗ Xuân Thảo (ĐH Sư phạm Hà Nội) và chị Phan Hồ Điệp (ĐH Sư phạm Hà Nội). Năm 7 tuổi, Đỗ Nhật Nam được công nhận là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam.
Năm 11 tuổi, cậu bé lập kỷ lục "người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam". 13 tuổi, Nhật Nam được mệnh danh là "thần đồng" tiếng Anh, dịch giả nhỏ tuổi nhất... và được rất nhiều người biết tới.
Được mệnh danh là “thần đồng” không chỉ nhờ khả năng tiếng Anh, Đỗ Nhật Nam còn khiến nhiều người nể phục bởi bảng thành tích học tập đáng nể.
Hiện tại Nam đang là du học sinh tại trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ) và giữ chức Tổng giám đốc tờ báo Creative Melange - tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á.
Trở về Việt Nam tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, “thần đồng” Nhật Nam có nhiều ý kiến tham luận, chia sẻ tâm tư của một du học sinh.
Ngay từ đầu phần chia sẻ của mình tại Bộ Giáo dục và đào tạo, Nhật Nam khẳng định: “Lòng yêu quê hương, Tổ quốc, và tình yêu đó phải thể hiện qua việc học tập”.
Muốn chứng tỏ Việt Nam với năm châu
Là một học sinh được ghi nhận rất nhiều những thành tích, khi trở về nước, Nhật Nam kể câu chuyện của chính mình với sự khiêm tốn, lễ phép:
“Cháu rất mong muốn được đi du học nước ngoài nên đã rất nỗ lực để đạt được mục tiêu mình đặt ra. Ngoài ra, cháu cũng muốn chuẩn bị hành trang tiếng Anh cho mình để thực hiện ước mơ. Cháu đã đi học thêm tiếng Anh và tự học để nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Trong quá trình đi du học cháu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, Tổ quốc. Song, điều giúp cháu tiếp tục phấn đấu chính là tình yêu với Tổ quốc. Cháu muốn chứng tỏ với bạn bè năm châu rằng Việt Nam là đất nước không hề thua kém những đất nước khác. Vì vậy, cháu đã cố gắng rất nhiều.
Cháu trở thành học sinh xuất sắc nhất toàn bang, đạt được nhiều bằng khen, ghi nhận của các thầy cô, bạn bè. Khi trở về Việt Nam, cháu đã dạy tiếng Anh miễn phí cho hơn 900 bạn học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Cháu muốn nói rằng Việt Nam không chỉ là đất nước không thua kém nước khác mà Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử hào hùng với những anh hùng đã hi sinh cho sự hòa bình của dân tộc. Nền hòa bình đó như bóng mát của một cây cổ thụ có thể uống một chén trà, một câu chuyện vui. Dưới bóng mát của hòa bình ấy, giới trẻ có thể hội nhập với thế giới vượt qua những cái yếu kém.
Ở Việt Nam cháu nhận thấy giới trẻ đã nhận được sự ủng hộ lớn của lãnh đạo, có khả năng được phát triển bản thân, Việt Nam như một thế giới mở, kết nối không biên giới với thời gian vô hạn, không gian vô tận, bạn trẻ có thể bay lượn trở thành những công dân toàn cầu và là môi trường tuyệt vời để hội nhập thế giới, phát triển bản thân.
Cháu luôn yêu đất nước này và mọi người. Cháu luôn luôn có một Việt Nam bùng cháy trong tim, tự tôi luyện bản thân để xứng đáng với con cháu rồng tiên”.
Kết bài tham luận, Nhật Nam kêu gọi mỗi người hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc học tập, mang đến sự tự hào cho đất nước ta.
Khám phá nền giáo dục nước Mỹ
Nhân dịp này, Đỗ Nhật Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Mỹ với các bạn bè, các đại biểu học sinh.
Theo Nam, môn Sinh học ở Mỹ, học sinh phải tự đưa ra kết luận sau khi tự tay làm thí nghiệm. Học sinh hiểu được ở trong môi trường nghiên cứu thật thì mình phải làm như thế nào. Học sinh phải làm sơ đồ, biểu đồ, dù thí nghiệm làm đi làm lại nhiều lần nhưng đó là những thí nghiệm do mình làm ra, học sinh hiểu bài rất nhanh từ nghiên cứu thực tiễn.
Với môn Hóa học, thầy cô thường đưa ra những câu hỏi ngoài bài giảng, học sinh có thể tự mày mò tìm tòi, giúp học sinh sáng tạo khoa học, hứng thú với tìm tòi khoa học.
Giáo viên Mỹ cũng thường khuyến khích học sinh đọc sách cũng rất thú vị, gợi ra những hứng thú tìm đọc cho học sinh, đọc về cuốn sách theo chủ đề, có thể không liên quan đến bài học nhưng khuyến khích học sinh đọc.
Trong thời gian ở Mỹ, Nam đã nghiệm ra rằng học sinh Việt Nam giỏi ngữ pháp hơn người bản địa nhưng kỹ năng nói và nghe còn chưa vững, vì vậy chương trình giáo dục ngoại ngữ nên tập trung vào kỹ năng nghe nói nhiều hơn.
Về cách học, ở nước ngoài đã có môn nền móng học tập, không chỉ học như một môn học bình thường mà còn dạy cách học như thế nào để không bị trầm cảm, không stress khi ôn thi… Đó là những tình huống sôi nổi và tạo môi trường tốt để các bạn hiểu làm thế nào để học hiệu quả nhất.
Mai Châm