Điều quan trọng nhất để chống tiêu cực trong dạy thêm, học thêm
(Dân trí) -Vừa qua, đọc báo điện tử <i>Dân trí</i>, tôi thấy vấn đề dạy thêm, học thêm đang được mổ xẻ khá nhiều theo hướng phê phán các tiêu cực. Tôi cũng có vài ý kiến, nhằm làm rõ hơn vấn đề này và nhấn mạnh một cách đơn giản để khắc phục các tiêu cực đó.
Dưới đây là ý kiến của một giáo viên THPT về việc dạy thêm, học thêm:
Năm học mới 2012 - 2013 vừa bắt đầu, nhiều vấn đề không mới nhưng vẫn đang là tâm điểm trao đổi của dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm. Là một giáo viên (GV) trong ngành giáo dục, tôi cũng xin đóng góp vài ý kiến cá nhân nhằm làm rõ hơn vấn đề này và nhấn mạnh một cách đơn giản để khắc phục các tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Trước hết, chúng ta cần có cái nhìn khách quan về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Theo quan điểm của tôi, học thêm không phải là vấn đề xấu, đó là một nhu cầu. Chẳng hạn như bạn thức dậy lúc 4 giờ sáng để học thêm một nội dung nào đó, bạn cần bổ sung kiến thức một phần hay rộng ra là học thêm một kĩ năng, học thêm một nghề… Có cầu ắt có cung, vì thế dạy thêm, học thêm là khách quan. Qua tìm hiểu, tôi thấy ở các nước đều có cả, chỉ khác nhau về hình thức và cách làm mà thôi. Cấm đoán cứng nhắc hay nhìn nhận về nó một cách cực đoan đều không đúng.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay có nhiều tiêu cực, gây nhức nhối trong xã hội. Nhiều tổ chức, cá nhân lách quy định, hoạt động dạy, học thêm không hiệu quả, thiếu trách nhiệm. Nhiều thầy cô dùng hình thức này hay hình thức khác để ép học sinh (HS) học thêm, đối xử không công bằng với HS, cắt xén chương trình chính khóa, tiêu cực trong kiểm tra, thi cử và đánh giá… Hậu quả của cái mặt trái trên kia là rất tệ hại, nó làm hỏng cách học sáng tạo của HS, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền của, làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục. HS và phụ huynh là đối tượng trực tiếp và đầu tiên chịu thiệt thòi.
Bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình về dạy thêm - học thêm, có thể gửi mail tới địa chỉ: dantri@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn. |
Bộ GD-ĐT đã có nhiều quy định về dạy thêm, học thêm và gần đây nhất là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT song việc triển khai chưa đồng bộ, chưa thực chất nên hầu như không có chuyển biến gì. Thông tư có nhiều quy định song vẫn mang nặng tính hình thức, chưa có ràng buộc cụ thể. Theo cá nhân tôi, để tránh tiêu cực, cần làm nhiều việc, song việc đầu tiên và quan trọng nhất là: Cấm GV dạy thêm HS mà mình đang dạy chính khóa.
Ở đây, GV được hiểu là tất cả các GV dạy trong trường công lập hay ngoài công lập, dạy thêm được hiểu là dạy thêm ngoài nhà trường. Làm được việc này có thể khắc phục được hầu hết các mặt trái ở trên.
Vậy làm việc đó có khó không? Thực hiện như thế nào?
Xin thưa, quy định này thực hiện rất dễ, đơn giản, hiệu quả mà chẳng tốn kém gì.
Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT nhấn mạnh quan điểm này và gửi văn bản đến các trường yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc. Ở các trường, hiệu trưởng trực tiếp triển khai và chịu trách nhiệm. Các GV cần có cam kết bằng văn bản với trường và công khai cho HS, phụ huynh được biết. Nhà trường có thể kiểm tra định kì hoặc đột xuất thông qua hỏi ý kiến HS, phụ huynh trực tiếp, qua phiếu điều tra, thông qua Internet, qua đường dây nóng… Việc xác minh thông tin tôi nghĩ rất đơn giản và có kết quả ngay.
Khi GV làm sai quy định nêu trên, hiệu trưởng cần họp kiểm điểm, kỉ luật tùy mức độ và công khai thông tin, công khai xin lỗi phụ huynh, HS.
Trong trường hợp việc xử lí của hiệu trưởng chưa thoả đáng, phụ huynh, HS có thể đề nghị cấp cao hơn giải quyết.
Thưa các đồng chí hiệu trưởng, nếu các đồng chí vào cuộc một cách kiên quyết theo tinh thần như trên, tôi tin rằng đa số các tiêu cực trong dạy thêm, học thêm sẽ được xóa bỏ.
Trần Mạnh Tùng
Giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội