Điều đáng suy nghĩ khi so sánh kết quả xếp hạng các đại học ở Đông Nam Á
(Dân trí) - Trong Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học về phát triển bền vững năm 2022 của THE (THE Impact Rankings 2022) có 07 đại học của Việt Nam vào danh sách.
Ngày 28/04/2022, Tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings.
Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có thứ hạng 601-800 thế giới, cùng với các cơ sở giáo dục khác của Việt Nam như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Phenikaa và 3 cơ sở giáo dục mới tham gia xếp hạng trong năm nay gồm: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH FPT và Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Đây là bảng xếp hạng dựa vào 17 Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals: SDGs) của Liên Hợp Quốc để đánh giá mức độ đáp ứng của các đại học trên thế giới và xếp hạng theo mức độ đáp ứng. 17 tiêu chí (SDGs) gồm:
Tiêu chí 1: Xóa nghèo (No poverty).
Tiêu chí 2: Xóa đói (Zero hunger).
Tiêu chí 3: Sức khỏe tốt và sự an lạc (Good health and well-being).
Tiêu chí 4: Chất lượng giáo dục (Quality education).
Tiêu chí 5: Bình đẳng giới (Gender equality).
Tiêu chí 6: Nước sạch và các điều kiện về vệ sinh (Clean water and sanitation).
Tiêu chí 7: Năng lượng sạch và giá cả hợp lý (Affordable and clean energy).
Tiêu chí 8: Tăng trưởng kinh tế và việc làm phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức (Decent work and economic growth).
Tiêu chí 9: Đổi mới công nghiệp và phát triển hạ tầng (Industry innovation and infrastructure).
Tiêu chí 10: Giảm thiểu sự bất bình đẳng (Reduced inequalities).
Tiêu chí 11: Thành phố và cộng đồng bền vững (sustainable cities and communities).
Tiêu chí 12: Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm; (responsible consumption and production).
Tiêu chuẩn 13: Hành vi bảo vệ khí hậu (climate action).
Tiêu chuẩn 14: Bảo vệ môi trường nước (life below water).
Tiêu chuẩn 15: Bảo vệ tài nguyên và môi trường đất (life on land).
Tiêu chuẩn 16: Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh (Peace, justice and strong institutions).
Tiêu chuẩn 17: Hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững (Partnerships for the goals).
Nhìn 17 tiêu chí có thể thấy rằng THE Impact chỉ tập trung vào việc đánh giá: (a) vai trò của từng đại học/trường đại học đối với việc thực hiện và hiệu quả thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững này; và (b) đóng góp của cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo và nghiên cứu nhằm hướng đến một xã hội phát triển hài hòa, con người có cuộc sống an lạc và việc làm phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên một cách bền vững.
THE Impact coi Tiêu chí 17 có tính bắt buộc (đại học nào cũng phải đáp ứng, nếu không đáp ứng được sẽ bị loại); Nhưng cho phép đại học được lựa chọn 3/16 tiêu chí còn lại mà cơ sở giáo dục đại học hoạt động mạnh nhất để tạo thành 4 tiêu chí tham gia xếp hạng. Trong đó Tiêu chí 17 có trọng số 22% và 3 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có trọng số 26%.
Rõ ràng Bảng này không đặt nặng các hoạt động cơ bản (để đánh giá và xếp hạng đại học) như: (a) thành tựu trong năm của giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc tế hóa; (b) đóng góp của đại học cho sự phát triển tổng thể con người (trực tiếp liên quan đến đại học) và xã hội nói chung; (c) ảnh hưởng của những phát kiến và/hoặc sáng tạo của đại học đối với cộng đồng thế giới và quốc gia; (d) thành tựu của giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên.
Vì thế, đây là một bảng nhánh của THE, khá đặc thù. Nhưng điều hiển nhiên là những đại học nào đã có đẳng cấp trong bảng xếp hạng toàn cầu của THE thì hầu như đều có mặt ở bảng này.
Nếu như năm 2021 có 1117 cơ sở giáo dục đại học trên thế giới được đưa vào bảng xếp hạng, thì năm 2022 con số đó là 1406.
Có thêm 3 trường đại học Việt Nam trong bảng này là điều rất đáng mừng. Nhưng các đại học được xếp hạng trong bảng này mà không có thứ hạng cao trong Bảng toàn cầu của THE thì có nghĩa rằng họ còn phải phấn đấu dài, bởi Bảng toàn cầu mới là bảng xếp hạng chính của THE.
So sánh kết quả xếp hạng 2021 và 2022 các đại học ở Đông Nam Á, thì có hai điểm thú vị:
Thứ nhất, là số lượng của các trường đại học Việt Nam được đưa vào bảng xếp hạng này có tăng thêm nhưng so với các nước khu vực, thì tốc độ tăng chỉ vào mức trung bình (Bảng 1). THE Impact không phải là bảng xếp hạng đại học theo học thuật; nhưng việc cơ sở giáo dục đại học của một quốc gia có mặt trong bảng này nhiều hay ít là sự thể hiện rõ ràng lời cam kết của quốc gia về những hành động cụ thể vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bảng 1: Số lượng cơ sở giáo dục đại học các nước Đông Nam Á được THE Impact xếp hạng năm 2021 và 2022:
Thứ hai là sự tụt hạng khá khủng (đến 200 bậc chỉ trong vòng 1 năm) của Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ vị trí TOP 401-600 xuống TOP 601-800.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đăng ký và được tổ chức này đánh giá/xếp hạng theo các tiêu chí 8, 11, 16 và 17. Mặc dù điểm của các tiêu chí này và điểm trung bình có tăng nhẹ (Hình 1 và Hình 2); song nếu so với các cơ sở giáo dục đại học khác cùng bảng xếp hạng này của năm ngoái thì sự gia tăng này không đủ để trường đại học này trụ hạng mà thậm chí giảm đến 200 bậc.
Nếu như năm 2021, để lọt vào TOP 401-600 chỉ cần số điểm trung bình trong khoảng 56,6-66,2 thì năm 2022, số điểm đó phải là 65,0-71,9 vì do số lượng các đại học tham gia nhiều hơn và tình hình điểm của họ cũng tốt hơn.
Có thể nhìn thấy rõ hơn điều này bằng cách so sánh với Đại học Airlangga của Indonesia. Năm 2021, đại học này cũng trong TOP 401-600 thì năm 2022, Airlangga đã vọt lên vị trí 201-300 với điểm trung bình 76.9- 82.0 (tăng từ 15.8-20 điểm).
Do đó, nếu không có hành động khắc phục hiệu quả thì sự tụt hậu này sẽ còn tiếp tục trong bảng xếp hạng năm sau và Trường đại học Tôn Đức Thắng có thể bị đẩy ra khỏi bảng xếp hạng này trong một tương lai khá gần.
Tại sao một đại học tăng trưởng không ngừng trong suốt 13 năm để có mặt ở vị trí đầu của hệ thống đại học quốc gia hầu như trong tất cả các bảng xếp hạng đại học của thế giới như Trường đại học Tôn Đức Thắng mà năm nay lại tụt hạng thê thảm như vậy?
Ai cũng hiểu rằng trường này phát triển nhanh và tốt thời gian qua là do cơ chế đúng đắn của nhà nước và năng lực của người đứng đầu. Khi 2 điều kiện này không còn như cũ, thì không khó khăn gì để lý giải sự tụt hạng này.
Ai là những người sẽ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đối với trường học, người học, phụ huynh và xã hội sau sự tụt hạng này?