Bạn đọc gửi:
Điểm số của con từ đâu ra?!
(Dân trí) - "Điểm số của con từ đâu ra vậy mẹ?!" - Đó là câu hỏi thắc mắc ngây thơ của bé con lớp 6 sau khi biết điểm học kỳ 2.
Mẹ cháu bảo chị không ngạc nhiên với những con điểm "trên trời rơi xuống" trong bảng điểm mà bất ngờ khi nghe con gái hỏi.
Cháu vừa lên lớp 6, cực kỳ chăm học và quan tâm sát sao từng con điểm của các bài kiểm tra. Mỗi bài kiểm tra phát ra hay những lần kiểm tra miệng đều được cháu ghi lại để theo dõi. Vậy mà khi nhận bảng điểm cuối kỳ, nhìn những điểm con của một số môn học, cháu phân vân giở bảng nháp đã ghi ra so sánh và bất ngờ với nhiều con điểm không hề có.
Mẹ cháu vốn là giáo viên cấp hai khéo léo giải thích với con về việc giáo viên có thể cho điểm dựa vào hoạt động nhóm trên lớp của con, hoặc là có bài kiểm tra nào đó con đã làm giờ cô giáo cập nhật điểm. Chị bảo nhìn ánh mắt nghi ngờ của con, chị lại lo con trẻ mất niềm tin vào điểm số, vào thầy cô.
Chị và tôi cũng như bao người trong ngành đều quá tường tận cảnh cuống cuồng chạy theo điểm số cuối kỳ, cuối năm. Có những cột điểm còn trống vì nhiều lý do nay phải cập nhật đủ, có những con điểm thấp lè tè nay phải hoàn thiện.
Trước tình thế ấy, người thầy nghiêm túc sẽ liên tục cho học sinh làm bài kiểm tra bổ sung, chấm bài, vào điểm. Còn người thầy xuề xòa sẽ dễ dãi "cấy điểm", "gieo sạ" điểm số.
Nhiều người vẫn mặc nhiên xem nhẹ việc cho khống điểm ấy mà quên mất rằng hệ lụy của hành động ấy không hề nhỏ. Đặc biệt là niềm tin của người học ít nhiều bị lung lay, méo mó.
Trò không làm bài vẫn có cột điểm chễm chệ trong sổ ư? Trò làm bài không tốt cuối kỳ vẫn có những con điểm cao chót vót để đạt chỉ tiêu ư? Tiếc thay, đó lại là sự thật trần trụi vẫn đang diễn ra khiến lòng người trăn trở vô cùng về chất lượng giáo dục hiện nay.
Những người có trách nhiệm với giáo dục nước nhà có bao giờ tưởng tượng được cảnh học sinh vô tư chơi, điểm số đã có thầy cô lo, hoặc là mặc nhiên đánh bạn và quậy tung, hạnh kiểm đã có thầy cô lo này không?
Len lỏi trong niềm cảm thông với tình trạng "trên đe dưới búa" khi người thầy không đạt chỉ tiêu đó là nỗi lo vô bờ bến về sự học của nước nhà và tương lai của con trẻ. Cứ kéo dài căn bệnh thành tích này, giáo dục sẽ đi vào đâu? Bọn trẻ không thể cứ mải nhận được "tình thương" vô bờ bến của thầy cô như thế!
Trung thực là đức tính cần có ở mỗi con người. Vậy nhưng ngay chính trong môi trường giáo dục, thầy cô đã không trung thực với điểm số học sinh, chất lượng giáo dục ư? Học sinh cũng manh nha chấp nhận sự giả dối trong từng con điểm, thành tích ư? Điều ấy thật sự nguy hại!
Nguyễn Thanh
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục của độc giả xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!