Điểm chuẩn đại học trường top và khối A1, D1 sẽ bị xáo trộn nhiều
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia, nhà tuyển sinh nhận định, điểm chuẩn khó dự đoán nhất năm 2021 là các tổ hợp có sử dụng môn tiếng Anh (A01 và D01) ở phân khúc 24-26 điểm và có thể sẽ tăng cục bộ ở một số ngành hot.
Phổ điểm bị lệch
Theo phổ điểm thi của Bộ GD-ĐT, phần lớn các môn đều có hình phổ tương tự hình chữ J và lệch phải (trừ 1 số môn chưa sát). Điều này cho thấy đề thi đã phù hợp mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp (tức là dùng để kiểm tra, đánh giá thí sinh theo chuẩn kiến thức Trung học phổ thông)
Sự phù hợp ấy thể hiện qua chỉ số Điểm có số thí sinh đạt nhiều nhất ở phần lớn các môn trải đều từ 7-9, chỉ có 3 môn có chỉ số này thấp hơn đó là môn Sinh học (5,25); Lịch sử và Tiếng Anh đều ở mức 4,0. Cao nhất là môn Giáo dục công dân với 9,25.
Phổ điểm các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Giáo dục công dân được cho là có dáng hình tương đối chuẩn (tương tự chữ J và nghiêng sang phải) với đỉnh của phổ dao động ở mức 7-8 điểm sau đó thoải dần.
Các môn còn lại, có dáng hình phổ chưa phù hợp (như môn Sinh học), đặc biệt là chưa đẹp như môn Tiếng Anh, Lịch sử. Đây cũng là hai môn có điểm trung bình, trung vị thấp nhất và có số thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất với 40,27% ở môn Tiếng Anh và 52,03% ở môn Lịch sử.
Môn Giáo dục công dân là môn có điểm trung bình, điểm trung vị cao nhất và có tỉ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình thấp nhất (1%). Đây có thể coi là môn có kết quả thi tốt nhất. Tương tự như kết quả thi các năm trước, hai môn Lịch sử và Tiếng Anh có điểm thi thấp nhất trong tất cả các môn.
Về số lượng điểm 10, Giáo dục công dân là môn có số điểm 10 ở mức cao chót vót (18.680) chiếm 1,9% tổng số thí sinh dự thi đợt 1. Sau đó là môn Tiếng Anh với 4345 điểm. Các môn thi có số điểm 10 tăng so với năm 2019 - 2020 là Ngữ văn; Tiếng Anh; Vật lí; Sinh học và Giáo dục công dân. Trong đó, môn Tiếng Anh có tỉ lệ tăng số điểm 10 gần 20 lần so với năm 2020.
Môn Toán có số điểm 10 giảm đáng kể so với năm 2019 - 2020. Tỉ lệ số thí sinh đạt điểm 10 và các điểm gần 10 cao ở môn Tiếng Anh sẽ có thể ảnh hưởng đến điểm chuẩn xét tuyển ở các ngành khối D và A1 ở năm học 2020-2021. Ở khối B, môn Sinh học là môn có số điểm 10 cao nhất với 582 điểm.
Có thể quan sát số liệu thống kê điểm thi năm 2020 và năm 2021 qua bảng dưới đây do HOCMAI thực hiện:
Điểm chuẩn các khối có thể tăng
Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn chung, phổ điểm xét tuyển các khối năm nay không có khác biệt nhiều giữa năm 2021 và 2020. Điểm chuẩn khó dự đoán nhất năm 2021 là các tổ hợp có sử dụng môn tiếng Anh (A01 và D01) ở phân khúc 24-26 điểm.
Điểm chuẩn các khối có thể tăng tối đa 1,5 điểm do các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh năm 2021 phong phú hơn năm 2020; và số lượng thí sinh năm 2021 (gần 764.000 thí sinh/544.578 chỉ tiêu) xét tuyển đại học cũng nhiều hơn năm 2020 (643.122 thí sinh/500.000 chỉ tiêu). Phân khúc điểm trên 27,5 sẽ ít ảnh hưởng và tăng không đáng kể.
Ông Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Trung tâm HOCMAI nhận định, nhìn vào phổ điểm này cho thấy, khối B gần như đi ngang so với năm ngoái, top các trường Y và các ngành khối B có điểm năm ngoái từ 24 trở lên năm nay hầu như sẽ không có thay đổi nhiều.
Các ngành khối B năm trước lấy 21-23 điểm có thể sẽ tăng nhẹ khoảng 0,5 - 1 điểm.
Đối với khối A ở các ngành năm trước lấy khoảng 26 điểm trở lên thì năm nay có thể sẽ giảm nhẹ 0,5 điểm.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, các ngành năm trước lấy điểm chuẩn 22-24 điểm sẽ tăng khá mạnh, thậm chí cá biệt có thể tăng từ 2- 3 điểm.
Với khối A1 và D, vùng điểm chuẩn mà năm trước lấy 26 điểm trở lên thì năm nay phải tăng từ 1 - 1,5 điểm. Còn vùng 22 - 24 điểm năm trước có thể tăng tới 3 - 4 điểm.
Theo ông Ngọc, chi tiết từng trường, từng ngành sẽ có những khác biệt nên sự điều chỉnh có thể khác với dự báo trên. Bên cạnh đó, nhiều ngành xét tuyển cùng lúc nhiều tổ hợp cũng có thể làm cho mặt bằng điểm chuẩn bị thay đổi và khác biệt so với phân tích phổ của từng khối.
Điểm chuẩn trường hot sẽ thế nào?
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, điểm xét tuyển đại học năm nay so với năm trước không biến động nhiều.
Với ĐH Kinh tế quốc dân, sẽ giữ ổn định điểm chuẩn như năm trước. Tuy nhiên, có thể tăng cục bộ ở một số mã ngành hot như Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế...
Ông Triệu khuyên các thí sinh nên chọn nhiều nguyện vọng dự phòng để tránh rủi ro nếu có trượt nguyện vọng 1 do điểm chuẩn quá cao.
Theo ông Triệu, ngày 30/7 trường mới công bố điểm chuẩn diện xét tuyển kết hợp.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, so với năm trước, năm nay các trường đại học đã tuyển theo nhiều phương thức riêng với tỷ lệ cao hơn nên với phổ điểm của năm nay khả năng điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ đối với các trường ở top trên.
Với trường ĐH Ngoại thương, thực tế chênh lệch điểm xét tuyển giữa các ngành của trường là không nhiều. Tỷ lệ đăng ký xét tuyển trên chỉ tiêu về cơ bản phân bổ đồng đều. Do đó, mức điểm có thể sẽ điều chỉnh đều ở các ngành.
Chia sẻ với các thí sinh, theo bà Hương, năm nay thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng. Nhiều thí sinh đã xét tuyển theo phương thức riêng nên sẽ được rút ra khỏi hệ thống trước khi xét tuyển theo kết quả THPT. Do đó, các thí sinh nên giữ cho mình một tâm thế tốt, bình tĩnh lựa chọn ngành nghề mình yêu thích và môi trường học tập phù hợp nhưng cũng đừng quên đăng ký một vài nguyện vọng an toàn cho mình ở những vị trí ưu tiên lựa chọn tiếp theo.
Về việc phổ điểm tiếng Anh năm nay có ảnh hưởng gì đến điểm thi của ĐH Ngoại thương? Bà Hương cho rằng, trên thực tiễn, qua nhiều năm nay, phần lớn các thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương đều có năng lực ngoại ngữ tốt với điểm thi tiếng Anh ở mức cao. Do đó, về cơ bản phổ điểm tiếng Anh năm nay sẽ không làm ảnh hưởng đến xét tuyển của trường.
Đối với các thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2, theo bà Hương, trong các phương thức xét tuyển của trường, nhà trường đã đưa ra phương thức xét tuyển sử dụng kết quả đánh giá năng lực của 2 trường Đại học quốc gia. Trường cũng đã mở rộng thời gian cho phương thức xét tuyển này để dành cơ hội cho các bạn thuộc diện không thể tham gia kỳ thi THPT.
Riêng đối với phương thức sử dụng kết quả thi THPT, hiện trường đang chờ hướng dẫn của Bộ. Như thông tin trước đó thì có thể việc xét tuyển sẽ gộp chung cả hai đợt thi. Trong trường hợp tách riêng, nhà trường sẽ căn cứ trên tỷ lệ thí sinh thi đợt 2 để tính toán chỉ tiêu dành lại cho đối tượng này.