Đi làm hay tiếp tục học cao học?
Câu hỏi lớn của sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ được giải đáp tại chuỗi chương trình nói chuyện “Kỹ năng cho nghề nghiệp tươi sáng” do Hội đồng Anh tổ chức trong tháng 9, 10 và 11 tại 14 trường đại học hàng đầu tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Sinh viên sắp ra trường náo nức tìm việc làm. Nguồn: Dân trí.
Mỗi chương trình sẽ hướng tới một trong bảy lĩnh vực được quan tâm nhất hiện nay: Tài chính - Ngân hàng; Kỹ thuật; PR - Truyền thông; Kinh doanh - Marketing; Nghệ thuật – Thiết kế; Công nghệ thông tin và Quản trị du lịch. Chuỗi chương trình dành cho sinh viên năm 3 và năm 4.
Sinh viên đang học và quan tâm tới cơ hội việc làm trong bảy lĩnh vực nêu trên sẽ trực tiếp thảo luận với các chuyên gia và đại diện các công ty kinh doanh. Qua đó, sinh viên sẽ tiếp thu những kĩ năng thực cần cho môi trường làm việc thực tế trong bảy lĩnh vực này.
Đây sẽ là kiến thức bổ trợ, khơi nguồn cảm hứng cho sinh viên trước khi tốt nghiệp, để xác định kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp cần phát triển và lập kế hoạch cụ thể cho tương lai.
Với mục tiêu đưa tới cái nhìn chân thực nhất cho sinh viên, diễn giả được lựa chọn tham dự chuỗi chương trình là những cá nhân thành công nổi trội trong bảy lĩnh vực: ông Tôn Thất Anh Vũ - Giám đốc nhân sự Ngân hàng HSBC Việt Nam; chuyên gia truyền thông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty T&A Ogilvy; Tiến sỹ Dương Quang Trung – Giảng viên ngành Điện, Điện Tử và Khoa Học Máy Tính từ trường đại học Queen's University Belfast (Anh); nhà thiết kế Tạ Minh Trãi - người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa loại xuất sắc tại một trường thiết kế danh tiếng tại Pháp, từng giữ vị trí Giám Đốc Sáng Tạo của thương hiệu Toyota, Techcombank, Venus Communication, cùng nhiều đại diện lãnh đạo các tập đoàn, công ty và tổ chức.
Các diễn giả sẽ mang tới câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình và chia sẻ những thách thức và kinh nghiệm họ đã trải qua trong sự nghiệp. Không chỉ ở vị thế bậc “tiền bối”, đây chính là lãnh đạo từ các đơn vị tuyển dụng hàng đầu. Do đó, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn yêu cầu đối với lao động trẻ trong bảy “phân khúc” lớn của thị trường lao động.
Bên cạnh lựa chọn lập nghiệp, sinh viên sẽ tìm hiểu về hướng đi học cao học và nghiên cứu chuyên sâu ở nước ngoài. Việc có nên học cao học sau tốt nghiệp, du học nước ngoài sẽ hỗ trợ ra sao cho sự nghiệp và thời điểm phù hợp để đi học sẽ được các chuyên gia, đồng thời là cựu du học sinh thảo luận và phân tích.
Mở màn với chủ đề Kỹ thuật, hai chương trình nói chuyện diễn ra ngày 15/9 tại Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh. Diễn giả tham dự bao gồm Giáo sư Stephen John Bull và Giáo sư Sudipta Roy, Khoa Công nghệ Hóa học và Vật liệu Tiên tiến, Đại học Newcastle; Tiến sỹ Dương Quang Trung - Giảng viên Khoa Công nghệ Điện tử, Điện và Khoa học Máy tính, Đại học Queen’s University Belfast.
Sau khi vừa tham dự diễn thuyết và tư vấn cho sinh viên, học sinh Hà Nội tại buổi nói chuyện ngày 10/9, đây là dịp các giáo sư từ bốn trường đại học hàng đầu Vương quốc Anh gặp gỡ và tư vấn về con đường nghiên cứu khoa học và cơ hội học bổng cho sinh viên ngành kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Tiến sỹ Dương Quang Trung, người từng can đảm lựa chọn con đường nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và thành công trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu tại Châu Âu sẽ có những chia sẻ giá trị về lựa chọn nghề nghiệp, về thế mạnh và điểm yếu mà sinh viên kỹ thuật Việt Nam cần mạnh dạn khắc phục.
Chuỗi hội thảo sẽ diễn ra tại trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viên Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), Đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Văn Lang và Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
Theo Báo Hà Nội mới