Doanh nghiệp “tranh cướp” học sinh trường nghề!
Tại hội thảo Công cụ phục vụ dự báo kỹ năng nghề và phát triển quản lý hệ thống đào tạo kỹ năng nghề mới được Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTBXH) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, đại diện một trường nghề khẳng định có tình trạng doanh nghiệp “tranh cướp” học sinh của nhà trường. Để chuyện “tranh cướp” thường xuyên hơn, các trường nghề còn rất nhiều việc phải làm.
Trường nghề chất lượng cao hứa hẹn sẽ có thêm nhiều lứa sinh viên “đắt như tôm tươi”.
“Đắt như tôm tươi”Tại hội thảo, đại diện Trường Cao đẳng Nghề Hải Phòng cho biết, dù việc tuyển sinh của nhà trường những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn do học sinh kém “mặn mà” học cao đẳng nhưng đầu ra lại làm rất tốt. Sau mỗi khóa, chỉ 3 tháng sau khi tốt nghiệp gần như 100% sinh viên đi làm ổn định. Thậm chí, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn còn chủ động kết nối để đón đầu sinh viên vì rất tin tưởng vào chất lượng đào tạo của nhà trường.
Khó khăn lớn trong tuyển sinh hiện nay là nhiều em tốt nghiệp phổ thông không muốn theo học cao đẳng, trung cấp. Ngoài lý do “tâm lý bằng cấp”, học sinh còn chia sẻ lương bậc đại học cao hơn trung cấp và cao đẳng. Chia sẻ về điều này, ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, chuyện lương thấp lương cao theo bằng cấp chỉ tồn tại trong các cơ quan nhà nước. Thời điểm này, các doanh nghiệp đa số trả lương theo năng lực và cống hiến chứ không có chuyện theo bằng cấp.
“Trong một công ty, có người ở bộ phận hành chính tốt nghiệp đại học lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng; trong khi tôi biết có nhiều thợ hàn, thợ điện lạnh nếu không trả mức lương 8 triệu họ sẽ không đi làm. Như vậy, chuyện trả lương theo bằng cấp là quan niệm cũ và không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay”, ông Lân khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ ILO, chương trình MSM SKOLKOVO (Liên bang Nga) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chiến lược đào tạo G20 và cách tiếp cận công cụ của ILO nhằm dự báo nhu cầu kỹ năng; phương pháp kỹ năng làm việc thúc đẩy thương mại và đa dạng kinh tế,… Từ các mô hình này, Việt Nam có thể lựa chọn chương trình phù hợp và triển khai song song với đề án xây dựng các trường nghề chất lượng cao.
Trường nghề chất lượng cao - hướng đi trọng điểm
Theo quan điểm của chuyên gia của Tổng cục Dạy nghề, việc phát triển trường nghề chất lượng cao sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi 45 trường và cơ hội bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Ngoài ra, để mục tiêu này đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng theo hướng mở, có vào có ra và không dàn đều về lộ trình thực hiện.
Về nỗ lực số hóa, mô phỏng hóa hoạt động quản lý và chương trình đào tạo sẽ được tiến hành theo lộ trình cụ thể: Số hóa và mô phỏng hóa chương trình (đồng bộ giữa số hóa chương trình (kiến thức) và mô phỏng hóa chương trình (kỹ năng), mô phỏng cấu tạo hoạt động, nguyên lý và vật lý, tạo lỗi giả lập và kiểm tra, đánh giá qua mạng). Quản trị trường bằng hệ thống phần mềm gồm quản lý chất lượng đào tạo; quản lý toàn bộ trường học (cán bộ, giáo viên, học sinh, tài chính,…).
Sau khi chọn được các nhà trường có năng lực tốt cơ quan chức năng sẽ có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư theo tiêu chí trường chất lượng cao. Theo đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển trường nghề chất lượng cao. Tích cực hội nhập quốc tế về dạy nghề.
Theo Báo Lao Động