Đi dép lê sang Brazil “chinh chiến” ở đấu trường Toán học Quốc tế

(Dân trí) - Đó là một trong số những câu chuyện thú vị chưa kể đằng sau những tấm huy chương vàng của các chàng trai Việt tại Olympic Toán Quốc tế (IMO) 2017 vừa kết thúc tại Brazil.

Lê Quang Dũng - Đi dép lê ở xứ người suốt những ngày thi đấu

Giản dị, chân chất, mộc mạc… Hình ảnh chàng trai xứ Thanh Lê Quang Dũng (học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) đi dép lê ra nước ngoài thi đấu Olympic Toán học Quốc tế khiến nhiều thầy cô bạn bè không thể quên. Nam sinh quê ở huyện Hoằng Hóa vẫn giữ nguyên phong cách “chân quê” như những ngày ở nhà.

Lê Quang Dũng hạnh phúc bên mẹ sau chiến thắng ở Olympic Toán quốc tế.
Lê Quang Dũng hạnh phúc bên mẹ sau chiến thắng ở Olympic Toán quốc tế.

Trở về với tấm HCV trong niềm hân hoan đón chào của mẹ, thầy cô, bạn bè, Dũng tâm sự: “Ra nước ngoài thi đấu, em cũng gặp đôi chút khó khăn vì vốn không quen cuộc sống, phong cách sống nơi khác”.

Lê Quang Dũng chia sẻ cảm xúc sau khi từ Brazil trở về nước

Bà Nguyễn Thị Nam (56 tuổi), mẹ của Dũng, kể: "Trước khi đi thi, con chỉ dặn chuẩn bị 10 bộ quần áo để mặc thay dần rồi mang về cho mẹ giặt một thể, tôi làm theo", bà nói. Cuối cùng, người con trai ấy đã trở về cùng giải thưởng lớn cho người mẹ tuyệt vời một tay nuôi dạy con nên người từ bao khó khăn vất vả.

Cậu học trò xứ Thanh có hoàn cảnh đặc biệt. Từ nhỏ, Dũng lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, một viên chức ngành Bảo vệ thực vật. Ngoài tiền lương ít ỏi, bà Nam làm thêm ruộng để có thêm gạo ăn, dành dụm tiền nuôi con ăn học. Bà Nam cũng chính là người truyền tình yêu Toán học cho con trai. Từ lớp 1 đến lớp 3, bà tự dạy học cho Dũng, mỗi tối đều dạy Toán nâng cao. Lên lớp 10, Dũng thi đỗ vào trường chuyên Lam Sơn, dù nhà xa hơn 10 km và lịch học rất bận, nhất là lúc ôn luyện đội tuyển, nhưng tối nào Dũng cũng về nhà với mẹ, chứ không ở trọ trên thành phố.

Dũng và đôi dép lê quen thuộc khi đến trường.
Dũng và đôi dép lê quen thuộc khi đến trường.

Theo kế hoạch, tháng 9 tới Dũng sẽ nhập học khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và cũng là lúc bà Nam nghỉ hưu. Người mẹ dự định gửi nhà cửa cho bên ngoại trông coi rồi ra Hà Nội kiếm việc làm thêm nuôi Dũng ăn học.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay: “Vì hoàn cảnh gia đình Dũng chỉ có hai mẹ con nên nhà trường rất quan tâm. Nhắc đến Dũng là chúng tôi nhớ ngay về em học sinh rất chân chất, mộc mạc. Cái chân chất mộc mạc đó bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình. Trong cuộc sống đời thường em cũng rất giản dị, kể cả khi sang Brazil thi đấu Olympic Quốc tế Toán học lúc nào em cũng đi dép lê, chỉ trừ lúc lên nhận thưởng hoặc chụp hình em mới xỏ giày thôi. Thường, khi chụp ảnh ở trường, Dũng bao giờ cũng đội mũ cối, mặc áo đồng phục của nhà trường”.

Hình ảnh giản dị của Dũng cũng là hình ảnh của không ít học sinh trên mọi miền quê Việt Nam. Hoàn cảnh dù có khó khăn đến đâu nhưng các em vẫn vượt lên tất cả và mang về vinh quang cho đất nước, quê hương.

Phan Nhật Duy - Tấm HCV cảm xúc nhất của IMO 2017!

Trong số 4/6 thí sinh đoạt HCV của đoàn Việt Nam, các thầy giáo dẫn đoàn cho rằng, tấm huy chương vàng của em Phan Nhật Duy là tấm HCV nhiều cảm xúc nhất.

Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ, Duy thậm chí đã nhịn không ăn cơm vì không làm được bài ở ngày thi đấu đầu tiên. Thế nhưng, ở ngày thứ 2 em đã có cú “lội ngược dòng” xoay chuyển tình thế và có cú bứt phá ngoạn mục để giành HCV Olympic Toán học quốc tế 2017.


Ông Sái Công Hồng kể câu chuyện bứt phá giành HCV của Nhật Duy (bên phải, ngoài cùng).

Ông Sái Công Hồng kể câu chuyện bứt phá giành HCV của Nhật Duy (bên phải, ngoài cùng).

“Khi em Duy thi xong ngày thứ nhất thì nhịn không ăn cơm vì kết quả không được như mong muốn. Duy lập nên thành tích ở ngày thứ 2, Huy cũng lập nên thành tích ở ngày thứ 2. BTC công bố điểm bao giờ cũng giấu một bài. Khi ngồi phân tích điểm, chúng tôi sẽ dự đoán khả năng đoạt HCV. Khi tôi báo em đạt HCV thì Duy ôm chầm tôi và khóc. Theo tôi, đây là HCV cảm xúc nhất!”, ông Sái Công Hồng chia sẻ.

Tấm huy chương vàng cảm xúc nhất của IMO 2017

Ông Lê Phi Hùng (Hiệu phó trường THPT chuyên Hà Tĩnh) - người trực tiếp dạy Toán cho Nhật Duy đánh giá: Duy là cậu học trò thông minh, tố chất tốt. Nhà cách trường 80 km, Duy phải xa bố mẹ ở nội trú trong trường, tuy nhiên em luôn tự giác học tập. Từ một học sinh có học lực chưa nổi bật năm lớp 10, Duy từng bước vươn lên đứng vị trí đầu bảng. “Duy thường có những cách giải Toán rất đặc biệt, khác với đáp án mà các thầy cô như chúng tôi phải lưu lại để dạy cho thế hệ sau. Dạy Duy nhưng chúng tôi lại học được nhiều từ em", ông Hùng cho biết.

Nguyễn Cảnh Hoàng - Phá lời nguyền “ông vua về nhì”

Trong 12 năm theo học, Nguyễn Cảnh Hoàng từng tham gia rất nhiều cuộc thi Toán và lần nào cũng giành giải nhì. Bạn bè thường gọi Hoàng với nickname vui "ông vua về nhì". Chính vì thế, HCV tại cuộc thi Olymic Toán Quốc tế lần này có ý nghĩa đặc biệt với chàng trai xứ Nghệ.

Nguyễn Cảnh Hoàng phá lời nguyền “về nhì” với HCV Olympic Toán quốc tế 2017.
Nguyễn Cảnh Hoàng phá lời nguyền “về nhì” với HCV Olympic Toán quốc tế 2017.

Hoàng kể, khi biết được kết quả đã vội gọi điện về thông báo. Nghe tin Hoàng đoạt HCV cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017 tại Brazil, cha mẹ và thầy cô như vỡ òa trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Chiếc HCV này đã chính thức hóa giải cho "lời nguyền vua về nhì" của chàng trai Nghệ An.

Nguyễn Cảnh Hoàng phá lời nguyền “ông vua về nhì”

Đằng sau những tấm HCV Olympic Toán quốc tế quả thực là những câu chuyện buồn vui, trải nghiệm đáng nhớ và hơn cả, là những giọt mồ hôi và sự nỗ lực không ngừng của các chàng trai trẻ với khát vọng khẳng định trí tuệ Việt Nam trên đấu trường thế giới.

Đi dép lê sang Brazil “chinh chiến” ở đấu trường Toán học Quốc tế - 5

Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế 2017 đã khép lại với thành tích cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học Quốc tế: Cả 6/6 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, gồm: 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Với kết quả này, đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Chúng ta tự hào và chúc mừng cả 6 chàng trai đã làm nên kết quả tuyệt vời này!

Lệ Thu

Clip: Phạm Ngoan