“Di cư ngược” tri thức về Việt Nam

Giáo dục Việt Nam đang đứng trước xu thế hội nhập, thế nhưng, hiện chúng ta đang có tình trạng “di cư ngược” tri thức về Việt Nam.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Khuyến học Việt Nam - đã có cái nhìn thẳng thắn về những khoảng cách và sự “vênh” nhau giữa giáo dục phổ thông và đại học… 

 

“Tôi e hơi…  nửa vời”

 

- Thưa ông, chúng ta đã ra “biển lớn” cần đáp ứng yêu cầu quốc tế, nhưng hiện có tình trạng “di cư nguợc” tri thức về Việt Nam. Theo ông, vào WTO, giáo dục phải như thế nào khi hoạt động này được coi như một dịch vụ?
 

- Vào WTO, theo hiệp ước GATS, giáo dục như một dịch vụ. Ngay từ đầu, Việt Nam khẳng định đối với tiểu học, không có yếu tố nước ngoài trong cơ sở giáo dục. Ngay cả bậc trung học cũng thế, chỉ đến dạy nghề với đại học (ĐH) thì mới mở ra. 

 
Tuy nhiên, ngay cả mầm non, tiểu học nước ngoài vẫn đầu tư ở Hà Nội và TP.HCM. Có lẽ lãnh đạo các tỉnh đều thấy không có vấn đề gì nên cho phép được mở ra. Xét ra thì tất cả các cơ sở có yếu tố nước ngoài đều tốt và được tín nhiệm.
 
Còn ở bậc dạy nghề và ĐH, nước ngoài cũng đã đầu tư. Điều này là tốt vì đa dạng hóa tri thức của mình. Đấy là biểu hiện của hội nhập. Muốn bình đẳng hơn thì trong WTO có quy định trao đổi, lưu chuyển chuyên gia thì việc này ở ta không nhiều. Các GS của ta đi giảng nước ngoài đếm trên đầu ngón tay. Số sinh viên nước ngoài vào học ở Việt Nam cũng ít ỏi.

Về trao đổi sinh viên cũng như cán bộ giảng dạy chúng ta làm chưa mạnh. Đấy là do năng lực của chúng ta. Ví dụ, gần đây tôi có chấm vài luận án TS của người Lào, người Hàn Quốc ở Việt Nam nhưng ít lắm. Nên muốn các trường của chúng ta hội nhập với quốc tế, những trường có đẳng cấp thì ngoài việc trường có những công trình nghiên cứu được công bố trên thế giới thì còn có những sinh viên, học viên sau ĐH nước ngoài học ở trường của mình.

 
So với những trường ĐH có chất lượng, nhất là những trường hàng đầu của thế giới, hoặc Hàn Quốc, Thái Lan chúng ta cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hội nhập ở giáo dục ta phải phấn đấu nhiều hơn.
 
Nguyên tắc của hội nhập là hai bên đều bình đẳng, không phải hòa tan. Mình phải hợp lưu với thế giới. Vậy chúng ta phải làm thế nào để nền giáo dục có chất lượng hơn. Muốn thế phải làm từ bậc thấp đến bậc cao. Nếu không có chất lượng từ bậc thấp thì không thể có từ bậc cao.
 
- Phải có chương trình (CT) mới làm sách giáo khoa (SGK). Thế nhưng, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại CT chúng ta không rõ mà làm ngay SGK thì không biết sẽ như thế nào?
 
- Muốn hệ thống phổ thông chất lượng cao thì phải có đổi mới căn bản và triệt để. Tôi đang sợ hiện nay mình làm nửa vời, không bài bản lắm. Vì hiện nay chúng ta bập vào giải quyết vấn đề thi cử, CT, SGK, CT chưa giải quyết đã nói đến SGK. 
 
Để giải quyết được CT thì một trong những vấn đề đặt ra phải xem lại mục tiêu giáo dục, ta định đào tạo con người nào, từ đó CT nào, xây dựng nhà trường theo kiểu gì, có CT mới làm được SGK. 
 
Do đó, phải đổi mới triệt để từ dưới lên trên, nghiên cứu về kỹ thuật, phương pháp, công nghệ. Tại sao tôi hay nói nhiều về mục tiêu vì mỗi quốc gia, phải xem đang đứng ở đâu và cần những con người như thế nào. Chẳng hạn như Singapore là một đất nước nhỏ, dân số ít, quốc gia này luôn chăm lo đến con người để quyết định vấn đề giáo dục. 
 
Singapore không có tài nguyên, không có điều kiện tự nhiên cần thiết mà chủ yếu sống bằng cạnh tranh trong thương trường, mở rộng thị trường, họ đưa ra khẩu hiệu: những nhà trường tư duy và một quốc gia học tập để nắm bắt tình hình toàn cầu, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Đồng thời họ cũng là đất nước mong muốn ít tiêu cực nhất. Hai yếu tố con người tư duy và con người trong sách sẽ khiến họ có vị thế nhất định. Tôi nói vấn đề này để nói đầu tiên phải có mục tiêu trước. Một trong những cái mà Singapore hướng tới là năng lực tự học, năng lực cạnh tranh… Với mục tiêu đó, họ sẽ không sợ học sinh bỏ đất nước đi.
 
Hàn Quốc cũng rất ít tài nguyên. Người Hàn Quốc đi vào thị trường thế giới bằng may mặc, giày dép rồi xuất khẩu ô tô, ti vi, tủ lạnh… tiếp đến là đóng tàu chở container. Họ biến đảo thành những xưởng đóng tàu. Chính vì vậy, mục tiêu của họ nhà trường không chỉ truyền thụ mà còn xây dựng năng lực con người.
 
Ở Việt Nam, phải xem nhà trường là gì. Hiện chúng ta đang yếu phương pháp  đào tạo, học sinh đang yếu năng lực sáng tạo, thiếu tư duy phản biện, học sinh nói theo sách, thiếu các kỹ năng sống, nên phải làm từ phổ thông đến ĐH. Theo tôi, ta chuẩn bị từ phổ thông để vào ĐH, còn quyết định có hội nhập được không phải là ĐH chứ không phải phổ thông. ĐH phải là những “pháo đài”, phải dựa vào những “pháo đài” này để hội nhập.
 
Phổ thông một đằng, đại học một nẻo
 
- Có một thực tế, dường như chúng ta vẫn đang loay hoay trong “lỗ hổng” số lượng và chất lượng ở bậc ĐH, thưa ông?
 
- Để phát triển nguồn nhân lực thì không nên mở quá nhiều trường ĐH, các trường ĐH cũng nên giảm chỉ tiêu chứ không thể đào tạo ồ ạt để lấy số lượng bù chi. Chỉ tiêu Nhà nước nên căn cứ vào nhu cầu các ngành để đào tạo, ví dụ ngành luật cần bao nhiêu, công nghệ thông tin cần bao nhiêu? Nhà trường phải có trách nhiệm sinh viên ra trường là phải có việc làm.
 
Chúng ta chạy theo xây dựng nhiều “pháo đài” mà quên trang bị cho các “pháo đài” các “cỗ súng” quan trọng để bảo vệ, phát triển. Chúng ta có tới 400 trường ĐH là những “pháo đài” nhưng lực lượng mỏng. Các trường ĐH tư lại chưa mạnh dù các trường nở rộ.

 

(Ảnh minh hoạ từ Internet)
(Ảnh minh hoạ từ Internet)

 

Cho nên phải làm thế nào để trường ĐH phải là nơi đào tạo cán bộ chuyên gia, những người có đủ năng lực đưa đất nước hội nhập. Điều kiện cơ bản nhất để hội nhập là không có khoảng cách chênh lệch tri thức. Hiện chúng ta quá thấp so với thế giới. Phải có những trường ĐH chất lượng thật cao, ít nhất bằng các trường ĐH hàng đầu của châu Á. 

 
Vì nếu không, chúng ta không đào tạo được nguồn nhân lực cao, thứ hai là để có trao đổi người. Chúng ta phải sản xuất ra tri thức để bán, để trao đổi. Nếu không có, ai coi chúng ta ngang hàng để hội nhập. Thứ ba, các trường ĐH phải nhận ra mình có sứ mệnh quan trọng: là định hướng phát triển cho trường phổ thông, còn hiện nay, phổ thông một đằng, ĐH một nẻo. Nên không mở quá nhiều ĐH, phải củng cố lại và đầu tư cho một số  trường cơ bản như Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế quốc dân. Còn mở ra nhiều phải đi theo hướng ĐH cộng đồng. 
 
- Để nâng cao chất lượng, ngoài không mở rộng, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, theo ông có hướng nào khác không?
 
- Có hai cách, Nhà nước chỉ căn cứ vào số ngành mà nhà nước cần. Còn nếu mở rộng chỉ tiêu ra thì thị trường có hay không? Còn người đi học phải chịu trách nhiệm. Người học cũng không thể trách Nhà nước và các trường phải có trách nhiệm. 
 
Theo tôi, phải cảnh báo với thanh niên là chỉ tiêu chỉ có chừng đó, còn muốn học đó là trách nhiệm của họ. Nhà nước phải có trách nhiệm trong chuyện đưa ra dự báo chính xác này. 
 
- Quan điểm của ông ra sao khi các trường ĐH chất lượng, truyền thống hiện vẫn dồn vào hai đầu đất nước, nên khó phát triển được các trường địa phương?
 
- Thực ra không có địa phương nào ĐH có thương hiệu được như Hà Nội và TP.HCM. Các trường ĐH địa phương đông nhưng èo uột. Bởi Hà Nội và TP.HCM là hai nơi tập trung các chuyên gia lớn. Mỗi trường ĐH phải có viện nghiên cứu hẳn hoi. Không có đâu cần thiết nghiên cứu bằng trường ĐH, trường không nghiên cứu thì không bao giờ có chất lượng cao. Khi không đầu tư được nghiên cứu thì nhà trường không bắt tay được với doanh nghiệp. 
 
Thực tế, các trường ĐH Hà Nội có nghiên cứu nhưng nghiên cứu không cơ bản. Ở lĩnh vực khoa học nhân văn, chưa có đề tài nào có thể làm thay đổi chính sách.

 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 

Những đổi mới còn phụ thuộc vào cơ quan chỉ đạo, phải xắn tay áo lên để làm, nếu không mới làm xong sẽ lạc hậu. Ví dụ bây giờ chúng ta chỉ lo về thi, nhưng thực tế đã làm đâu, nên chắc gì kỳ thi sắp tới đã tốt. SGK cũng thế. Viết SGK phải rất đồng bộ, toán, lý, hóa... không một tổ chức nhỏ nào có thể viết một bộ SGK được. Mỗi người nếu thầu một cuốn thì sẽ lệch nhau hết. Phải có phương pháp tiếp cận chung, rồi chia nhau từng giờ. Ví dụ Vật lý học một tuần 2 tiết, nếu thiếu thì lấy ở môn nào? Phải tính. Nên viết SGK nhỏ là không viết được. Viết sách tham khảo thì dễ nhưng SGK thì khó. Có thể nhiều bộ sách nhưng phải thống nhất phương pháp tiếp cận, có chỉ đạo CT chung. Người chỉ đạo viết sách phải rất cẩn thận chứ không thể mỗi người một sách cộng lại không thể thành bộ được. Ví dụ sách lớp 10 một ông viết, lớp 11 ông khác lại viết. Nên tôi không hiểu sắp tới sẽ thế nào. Ngay cả thi, tuyển thế nào là chuyện của các trường ĐH, sao phải thi? Thi cử vào ĐH lại căn cứ vào thi phổ thông để lấy vào ĐH. Mà mỗi năm nhu cầu mỗi khác. Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp thì đỗ 98% thì việc gì phải thi nữa?

 

Theo Uyên Na

Pháp luật Việt Nam