DHS Việt tại Montpellier ráo riết luyện văn nghệ đón Tết

(Dân trí) - Không khí đón Noel và năm mới ở Pháp rất rộn ràng. Người dân bản xứ coi đây là dịp của đoàn tụ gia đình. Những đứa bạn của tôi tới từ Mỹ, Anh, Mexico,… cũng lũ lượt kéo nhau về nước đón Giáng sinh và năm mới. Nhìn không khí ấy, tôi lại thấy bồi hồi, có chút gì giống cái Tết cổ truyền của quê hương mình quá.

Cũng sắp đến Tết Nguyên Đán của dân tộc mình rồi. Cảm giác nhớ nhà trong những dịp lễ tết là tâm lý chung. Với những sinh viện đang học tập ở nước ngoài như chúng tôi, thì cảm giác thèm sự sum họp là một thứ rất thật.

Tôi ở Pháp cũng đã 3 cái giao thừa. Tôi còn nhớ rất rõ cái Tết đầu tiên của tôi trên đất Pháp. Vào thời khắc giao thừa ở Việt Nam, tôi vội vã gọi điện về cho gia đình, cũng kịp chúc bố mẹ, ông bà vài câu. Rồi không hiểu sao khi ngắt điện thoại thì nước mắt cứ thế trào ra.

Lúc ấy, tôi chỉ muốn được về ngay bên bố mẹ, được ăn bữa cơm Tất Niên cùng gia đình và tôi sẽ lại hòa vào dòng người đi xem pháo hoa đêm giao thừa. Tôi sẽ thỏa thích hít hà cái lạnh tê buốt của Hà Nội và mặc kệ cho những giọt phùn vương vấn khắp nơi… Có lẽ lúc ấy, sự cô đơn và nỗi nhớ nhà đã tạm chiến thắng cô gái nhỏ trong tôi. Cái Tết đầu tiên của tôi trên đất khách, thật may, cảm giác ấy cũng qua đi nhanh khi một chị khóa trên rủ tôi đi ăn Tết với hội sinh viên Việt Nam tại đây.

Tôi sống tại Montpellier- thành phố nhỏ phía Tây Nam nước Pháp. Montpellier xinh đẹp được coi là thành phố của sinh viên vì có nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu lớn. Tại đây có hơn 200 sinh viên Việt Nam đang theo học. Hội sinh viên Việt Nam tại Montpellier (AEVM) theo thông lệ hàng năm luôn tổ chức một đêm Gala văn nghệ và ẩm thực chào mừng Tết Nguyên Đán để phục vụ cho toàn thể sinh viên Việt Nam, kiều bào và bạn bè các nước.

Lần đầu tới, tôi thực sự choáng ngợp bởi sự chuyên nghiệp và quy mô của buổi tối ấy. Một bữa tiệc với khoảng 400 khách mời, chương trình văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với các tiết mục múa hát dân gian và hiện đại kéo dài 3 tiếng đồng hồ, chương trình ẩm thực vô cùng phong phú mang hương vị Việt Nam. Tại đây, tôi đã tìm thấy sự ấm cúng, tình thân và một chút hương vị Tết quê hương, làm tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Cũng vì thế mà sau đó, năm nào tôi cũng tham gia chuẩn bị Gala Tết cùng với hội sinh viên AEVM.

Đội văn nghệ AEVM năm 2016
Đội văn nghệ AEVM năm 2016

Như mọi năm, việc chuẩn bị cho đêm Gala Tết đã được diễn ra từ tháng 10, từ khâu mượn khán phòng, đến xin giấy phép tổ chức sự kiện, lên khung chương trình, lựa chọn tiết mục,... Vất vả và gian nan nhất là luyện tập các tiết mục văn nghệ. Năm nay, AEVM quyết định đặt tên đêm Gala Tết là “ Việt Nam –tình yêu của tôi”, sẽ diễn ra vào tối ngày 06/02/2016 ( tức ngày 28 Tết). Các tiết mục trong chương trình sẽ tập trung ca ngợi vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam, nêu bật nét đặc trưng của ngày Tết Việt.

Ngay từ cuối tháng 10, đội văn nghệ đã tiến hành thảo luận, lựa chọn và sau đó là luyện tập từng tiết mục. Vì là những diễn viên nghiệp dư, lại bận lịch học nên ban đầu chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn nhưng sau đó thì mọi thứ dần ổn định. Chúng tôi, mỗi người học một ngành, một trường khác nhau, ở phân tán nhiều khu vực trong thành phố, cố gắng thu xếp lịch học và làm thêm để có được vài tiếng đồng hồ cùng nhau luyện tập.

Ngày đầu tay cầm nón còn chưa mềm, tay cầm quạt còn chưa dẻo, tư thế múa chưa đẹp,… nhưng cùng nhau cố gắng, cùng nhau sang sửa để có được những bài múa hay, những tiết mục tốt cũng là cách chúng tôi tạo ra niềm vui chung. Niềm vui của những sinh viên xa nhà. Và chúng tôi sẽ mang niềm vui ấy nhân lên khi các bạn xem chúng tôi múa, thấy phần nào đó cái hồn quê hương, thấy vơi đi nỗi nhớ nhà.

Tiết mục múa Lân lần đầu xuất hiện trên sân khấu của AEVM
Tiết mục múa Lân lần đầu xuất hiện trên sân khấu của AEVM

Bạn Thu Thủy- Sinh viên đại học Paul Valery chia sẻ: “Những ngày đầu, bọn em chưa quen biết nhau nhiều, tập luyện còn khá ngại ngùng, Sau đó, trong suốt quá trình tập luyện, bọn em có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Giờ đội văn nghệ thân thiết lắm. Nói chung tập văn nghệ rất vui”.

M.Châu

(Từ Montpellier, Pháp)