Quảng Nam:

ĐH Phan Châu Trinh công bố “mô hình Đại học phi lợi nhuận”

(Dân trí) - Ngày 11/7, Đại học Phan Châu Trinh (TP Hội An, Quảng Nam) tổ chức họp báo công bố mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam và lộ trình thực hiện.

Tham dự buổi họp báo có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ủy viên Hội đồng Quản trị của trường.

ĐH Phan Châu Trinh công bố “Mô hình Đại học phi lợi nhuận”
ĐH Phan Châu Trinh vừa họp báo "mô hình đại học phi lợi nhuận" và lộ trình thực hiện tại nhà trường.

Theo đó, mô hình đại học phi lợi nhuận được giới thiệu tại buổi họp báo là mô hình hướng đến sự thành công của người học và lợi ích của cộng đồng. Nguồn vốn hoạt động do các nhà tài trợ, hiến tặng, hoặc có người đóng góp được bảo toàn vốn bằng lãi suất bù trượt giá. Nguồn vốn và lợi nhuận nếu có trong trường hợp sử dụng nguồn vốn kinh doanh có lãi sẽ được đưa vào phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phục vụ cộng đồng thay vì chia lợi nhuận cho các “cổ đông” như các mô hình đại học tư thục có lợi nhuận thường thấy. Ngay buổi họp báo, nhà trường cũng đã công bố một nguồn tài trợ 1 triệu USD (khoảng hơn 21 tỷ đồng) cho việc triển khai mô hình mới này của trường. Yêu cầu của nhà tài trợ với nhà trường quan trọng nhất là đảm bảo uy tín chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng nhà trường chia sẻ: “Về lâu dài đây là mô hình đại học tư thục đúng đắn hơn cả. Mô hình này cũng phù hợp với tôn chỉ mục đích về giáo dục mà nhà trường theo đuổi từ đầu. Trường đang nghiên cứu cụ thể hóa mô hình này, sao cho phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện ở Việt Nam và điều kiện đặc thù của nhà trường. Đây sẽ là một chặng đường dài, vượt qua nhiều khó khăn, có thể phải qua nhiều bước quá độ cần thiết. Song chúng tôi quyết tâm bền bỉ xây dựng ĐH Phan Châu Trinh theo mô hình này”.

Phát biểu tại buổi họp báo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định mô hình giáo dục phi lợi nhuận như mô hình ĐH Phan Châu Trinh đang hướng tới khá mới mẻ trong nước, nhưng trên thế giới đây là một mô hình tiến bộ khá phổ biến. Hướng tới mô hình đại học phi lợi nhuận, việc làm sao để có lợi nhuận không thành vấn đề nữa, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng giáo dục sẽ là vấn đề tập trung nhất. Mục tiêu của nhà trường là làm sao để đào tạo ra nguồn nhân lực tự chủ, tự tin, sáng tạo.
 
“Cái mới khi thực hiện chắc chắn là khó tránh khỏi khó khăn, song là cái mới tích cực, tiến bộ thì cần được ủng hộ để góp phần vào sự nghiệp giáo dục” - bà Bình nhấn mạnh

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại buổi họp báo.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại buổi họp báo.

Thể hiện quan điểm chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ mô hình giáo dục của ĐH Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An nói: “Hội An sẽ giao cho nhà trường 15 hecta đất để xây dựng cơ sở trường học. Nhưng với điều kiện là chỉ phục vụ cho mục đích giáo dục, để xảy ra tình trạng lợi dụng mục tiêu giáo dục để kinh doanh thì thành phố sẽ thu hồi ngay.

Dõi theo sự hình thành và phát triển của nhà trường từ khi việc thành lập trường mới chỉ là một ý tưởng từ cách đây 7 năm, lý tưởng nhà trường đề ra trong sách lược mà mục tiêu giáo dục tôi thấy khá lãng mạn, nên khó mà tránh khỏi khó khăn, trở ngại khi đưa vào hoạt động thực tế. Có lúc nhà trường tưởng như khó trụ vững và tiếp tục tồn tại. Thế nhưng trong lúc khó khăn vẫn có những mạnh thường quân mà tôi cho là những “hiệp sĩ” sát cánh với mục tiêu giáo dục đề cao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cả về tri thức và đạo đức như lý tưởng của những người sáng lập. ”.

Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh việc nhà trường cần phải xây dựng một lộ trình với những bước đi được tính toán kỹ càng và quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo, làm sao để tuyển sinh được và tiến tới tuyển sinh đầu vào ngày càng chất lượng từ chính sức hút chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Khánh Hiền