ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến công thức quy đổi điểm tương đương

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến sử dụng công thức quy đổi điểm đơn giản, đảm bảo tính tương đương giữa các phương thức xét tuyển.

Hệ số quy đổi tương đương thay đổi theo từng khoảng điểm

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, công thức quy đổi điểm tương đương của trường được thiết lập trên cơ sở quy đổi điểm xét kết quả thi đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng về điểm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thang điểm dự kiến là thang 30.

Công thức quy đổi dự kiến như sau: y = ax + b

Trong đó, y là điểm xét quy đổi của phương thức xét tuyển tài năng, đánh giá tư duy; x là điểm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; a, b là các hệ số quy đổi.

Tuy nhiên, hai hệ số ab không chỉ có 1 giá trị duy nhất mà sẽ có nhiều giá trị khác nhau tương ứng với những khoảng điểm khác nhau.

ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến công thức quy đổi điểm tương đương - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Nam Anh).

Để hình dung rõ hơn về cách tính giá trị của hai hệ số a, b, thí sinh có thể tham khảo bảng quy đổi điểm IELTS mà các trường thường dùng.

Ví dụ, Đại học Bách Khoa Hà Nội quy đổi IELTS 5.0 sang 8,5 điểm, IELTS 5.5 là 9 điểm; IELTS 6.0 là 9,5 điểm; IELTS 6.5 là 10 điểm. Mỗi mức điểm IELTS khác nhau sẽ được xác định tương ứng 1 giá trị điểm khác nhau.

Tương tự như vậy, với mỗi khoảng điểm xét đánh giá tư duy và điểm xét tốt nghiệp THPT khác nhau, hệ số ab cũng thay đổi tương ứng.

Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến chia 4 khoảng điểm xét, với mức điểm xét tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên. Giá trị hệ số a, b được xác định cho từng khoảng điểm xét này. Từ đó, thí sinh có thể tự tra cứu bảng hệ số để tính ra điểm của mình.

Ông Điền cho biết thêm, nhà trường sẽ xác định giá trị hệ số a, b sau khi có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, tức sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi.

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, phổ điểm thi đánh giá tư duy và kết quả học tập của sinh viên được tuyển theo từng phương thức từ năm 2022 trở lại đây (điểm GPA) là 3 căn cứ quan trọng để trường xác định bảng giá trị của hai hệ số a, b.

Theo ông Điền, các trường đại học khác có thể áp dụng công thức quy đổi điểm tương đương của Đại học Bách Khoa Hà Nội với cách chia khoảng điểm và xác định giá trị hệ số a, b theo tiêu chí riêng phù hợp với nhà trường. 

Giá trị hệ số a, b và số khoảng điểm được các trường công bố dưới dạng bảng số để thí sinh tiện tra cứu.

Tuy nhiên, ông Điền cũng lưu ý các trường cần xác định các hệ số quy đổi theo hướng "công bằng nhất cho thí sinh", tránh việc ưu tiên hệ số quy đổi cao cho các phương thức khác mà làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT yêu cầu công thức quy đổi điểm tương đương như thế nào?

Trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc quy đổi phải đơn giản, thuận tiện áp dụng, đồng thời sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi.

Căn cứ để quy đổi là dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các phương thức, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm các kỳ thi đánh giá năng lực. 

Trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa kết quả học tập của sinh viên và phổ điểm, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm trong dải điểm từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào tới điểm tối đa của thang điểm xét, từ đó xây dựng tối thiểu 3 hàm tương quan tuyến tính cho mỗi vùng điểm.

ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến công thức quy đổi điểm tương đương - 2

Công thức quy đổi điểm tương đương bằng hàm tương quan tuyến tính của Bộ GD&ĐT (Ảnh chụp màn hình).

Cách xác định vùng điểm và xây dựng hàm tương quan tuyến tính này tương đương với cách chia khoảng điểm và xác định giá trị hệ số a, b của mỗi khoảng điểm theo công thức quy đổi của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong bảng mô phỏng cách xác định vùng điểm, Bộ GD&ĐT cũng chia 4 khoảng điểm với hai đầu điểm xét là xét kết quả đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT:

ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến công thức quy đổi điểm tương đương - 3

Một ví dụ về cách xác định vùng điểm của Bộ GD&ĐT (Ảnh chụp màn hình).

Tuyển sinh đại học 2025 có ba thay đổi quan trọng. Một là bỏ xét tuyển sớm, hai là bỏ chia chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển, ba là quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức.

Về phía thí sinh, thay đổi này dường như có lợi hơn khi ko cần đăng ký phương thức xét tuyển mà chỉ cần đăng ký ngành học và trường. Hệ thống phần mềm sẽ xét tất cả các dữ liệu điểm mà thí sinh có trên cơ sở ưu tiên xét đầu điểm tốt nhất của thí sinh.