Vĩnh Long:

Đêm thơ nhạc tưởng nhớ người thầy viết thư xin sách cho học trò

(Dân trí) - Dẫn chương trình, hát, múa, chơi đàn, thổi sáo... kết nối với các cuốn sách, tác phẩm văn học, học sinh Trường THPT Nguyễn Thông (Vĩnh Long) gây bất ngờ cho người xem với các màn diễn đầy chiều sâu.

Đêm thơ nhạc "Dấu chân hoa hồng" của thầy trò thuộc CLB Văn học, Trường THPT Nguyễn Thông diễn ra vào cuối tuần qua tổ chức tại trường gây bất ngờ cho người xem. Học sinh và giáo viên cùng trình diễn các khả năng như dẫn chương trình, hát, múa, chơi đàn, thổi sáo, ngâm thơ...

Học sinh múa bài Khát vọng cùng với sách tri ân và tưởng nhớ thầy giáo Huỳnh Văn Thế (Clip: Trần Thiện Tùng)


Học trò trường làng THPT Nguyễn Thông, Vĩnh Long múa bài Khát vọng với sách để tri ân, tưởng nhớ thầy giáo Huỳnh Văn Thế.

Học trò trường làng THPT Nguyễn Thông, Vĩnh Long múa bài Khát vọng với sách để tri ân, tưởng nhớ thầy giáo Huỳnh Văn Thế.

Đặc biệt, khác hẳn các chương trình văn nghệ khác thì các tiết mục biểu diễn tại chương trình đều kết nối với các cuốn sách, các tác phẩm văn thơ hoặc một câu chuyên trong cuộc sống. Tất cả được dẫn dắt, liên kết, thể hiện qua các tác phẩm văn học như Truyện Kiều, Bánh trôi nước, Người tình của Duras, cuốn sách Những câu chuyện về đàn bà, Đánh thức ban mai và nhiều tác phẩm câu chuyện về người phụ nữ, về mẹ...

Nội dung, cách dẫn dắt, trình diễn, không gian lắng động như đưa người xem vào một đêm nhạc chất lượng, chuyên nghiệp, có chiều sâu chứ không như hình dung về đêm nhạc của học trò. Chương trình giữ chân người xem hơn 2 giờ đồng hồ, không một ai ra về trước.

Cô Trần Huỳnh Nhị, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thông chia sẻ, đây là sinh hoạt hàng tháng của CLB Văn học của trường giúp học sinh thêm yêu sách cũng như phát huy các khả năng bản thân.

Em Vương Thanh Trúc, lớp 12A10 trình diễn hát, múa tác phẩm Bánh trôi nước (Clip: Hoài Nam)

Ngoài ra, chương trình này còn để tri ân, tưởng nhớ thầy Huỳnh Văn Thế - cựu học sinh của trường THPT Nguyễn Thông. Thầy dạy ở huyện vùng sâu vùng xa Mang Thít nhưng vẫn thường xuyên quay về trường cũ cùng tham gia, tổ chức nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh tại đây. Thầy cũng là người thành lập Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê ngay tại nhà, xây dựng Tết sách hàng năm cho học sinh ở Mang Thít...

Mới đây, thầy Huỳnh Văn Thế qua đời vì bệnh hiểm nghèo, học trò ở khắp nơi, nhiều tổ chức liên quan đến đọc sách cùng hứa sẽ tiếp tục hiện khát vọng truyền bá văn hóa đọc của thầy.

Để tổ chức đêm nhạc thơ, cô Nhị đã ra thông báo để học sinh đăng ký tham gia, sau đó sơ tuyển và bắt đầu luyện tập. Các bài giới thiệu sách cũng được duyệt, chọn người dẫn phù hợp...

"Tiêu chí mà tôi đặt ra với yêu các em để được chọn tham gia không phải là trang phục hoàng tráng, tiết mục đồ sộ mà quan trọng hàng đầu là thái độ tình cảm khi biểu diễn. Chương trình kết nối với sách, để làm được điều này thì các em sẽ phải đọc các tác phẩm để hiểu, để diễn", cô Nhị bộc bạch.

Đêm thơ nhạc tưởng nhớ người thầy viết thư xin sách cho học trò - 2


Các tiết mục cực chất, có chiều sâu của học trò

Các tiết mục cực chất, có chiều sâu của học trò

Hoài Nam