Đề xuất học sinh trở lại trường sau Tết: Phụ huynh, giáo viên nói gì?
(Dân trí) - Đứng trước thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7-12 của Hà Nội trở lại trường sau Tết, nhiều phụ huynh, giáo viên lại bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn...
Vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7-12 trở lại trường sau Tết khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi, mong chờ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cha mẹ lại bày tỏ sự băn khoăn khi số ca nhiễm Covid-19 tại Thủ đô không có dấu hiệu dừng lại.
Trẻ ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học?
Con trai đang học lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy, phụ huynh Ngô Minh Nguyệt cho biết, chị mong con đến trường học trực tiếp từng ngày. Do đó, trước đề xuất cho học sinh trở lại trường sau Tết của Sở GD-ĐT Hà Nội, phụ huynh này bày tỏ sự tán thành và phấn khởi.
"Tôi nghĩ đã đến lúc Hà Nội cần cho trẻ đi học trở lại. Các con từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ, vì vậy việc cho trẻ tới trường là phù hợp, giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường mới, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học sau một thời gian dài cô trò chỉ nhìn nhau… online".
Cũng theo phụ huynh này, sau gần một năm học trực tuyến, sức học của cậu con trai giảm sút một cách trầm trọng. Chưa kể, việc học online - thi online cũng khiến nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh.
"Theo bảng điểm cô giáo gửi, tôi thấy xuất hiện trường hợp nhiều bạn dù lực học thuộc diện trung bình, nhưng khi làm bài cuối kỳ thì lại nhận được "cơn mưa" điểm 9". Vì vậy, chị Nguyệt cho rằng, việc trẻ trở lại trường sau Tết sẽ là cơ hội để các con được giáo viên "vá" lỗ hổng kiến thức, đồng thời giúp hạn chế phần nào những tiêu cực tồn đọng trong quá trình học online.
Chị Nguyệt cho biết, hiện tại trường của con trai chưa thực hiện khảo sát ý kiến học sinh về việc cho trẻ đi học trở lại sau dịp Tết Nguyên đán. "Tuy nhiên, nếu khảo sát được thực hiện, tôi sẽ không ngần ngại tích vào ô "Đồng ý" - chị khẳng định.
Công việc bận rộn, hai vợ chồng thường đi làm qua trưa, do đó, nếu những ngày cô con gái lớp 8 phải ở nhà học trực tuyến mà không có sự giám sát của bố mẹ, phụ huynh Vũ Thế Mạnh (Hà Đông, Hà Nội) thường tới công ty với tâm trạng bất an, lo lắng về những tai nạn có thể xảy ra trong quá trình học.
Với anh Nam, đề xuất học sinh Hà Nội trở lại trường sau Tết giúp người làm cha như anh nhẹ nhõm phần nào.
"Trẻ đi học trực tiếp sẽ được gặp gỡ, giao lưu với thầy cô, bạn bè. Người lớn đã trở về với cuộc sống bình thường mới, đi làm, đi chơi, tụ tập… thì trẻ con cũng vậy, cũng phải thích ứng và sống an toàn với dịch bệnh.
Tôi từng nghĩ rằng các con học online và ở nhà thì sẽ an toàn hơn. Nhưng suy nghĩ này chỉ phù hợp với thời gian trước, khi thành phố thực hiện giãn cách, người người nhà nhà đều ở yên một chỗ.
Còn hiện tại, cả xã hội đang trong giai đoạn bình thường mới. Ngay cả khi không tới trường, trẻ vẫn được bố mẹ cho đi nhà sách, công viên… Chưa kể, việc phụ huynh đi làm, rồi tham gia những buổi ăn uống cũng có thể mang bệnh về nhà. Trong khi đó, việc đưa trẻ đến trường học trực tiếp sẽ giúp con tránh được những tai nạn đáng tiếc như cháy, nổ xảy ra trong lúc học online. Vì vậy, giữ trẻ ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học".
Cùng với đó, anh Nam bày tỏ, sau 8 tháng học trực tuyến triền miên, con gái anh có dấu hiệu thừa cân, đồng thời phát sinh nhiều thói xấu như thức khuya, dậy muộn, đặc biệt là "nghiện" máy tính. Điều này càng khiến anh "mong ngày mong đêm" ngày con được trở lại trường.
"Nếu con được đi học sau Tết, chắc chắn tôi sẽ nhắc nhở con thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn…
Có lẽ là ngay từ bây giờ, tôi cũng cần rèn cho con nề nếp sinh hoạt ổn định để tránh bị "sốc" khi trở lại trường; đồng thời không quên chuẩn bị cho con thể trạng tốt nhất bằng cách tăng cường vitamin, khoáng chất".
Giảng dạy tại trường THPT Thường Tín (Hà Nội), thầy Quang V. nêu quan điểm, hiện nay, trẻ em đã được tiêm vaccine ở một tỉ lệ nhất định. Hơn nữa, cả nước đã thích ứng, tiến tới sống chung với dịch bệnh, vì thế cũng cần cho học sinh trở lại trường để các con được đi học, được đáp ứng nhu cầu giao tiếp, vui chơi.
"Cả ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, các em sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, tâm lý, đồng thời thiếu hụt về mặt kiến thức do học online, giáo viên không có nhiều thời gian và cơ hội để giảng giải từng li từng tí cho trẻ".
Do đó, thầy V. mong mỏi những nhà quản lý giáo dục sẽ triển khai khảo sát, đánh giá trên nhiều phương diện để đưa ra thời điểm phù hợp nhất cho trẻ đến trường. Thầy cũng cho biết, nếu sau Tết học sinh được đi học trở lại, đội ngũ giáo viên và nhà trường sẽ chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đồng thời chấp hành nghiêm túc các quy định phòng dịch theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Chung quan điểm, nhà giáo Lê Thanh Tâm (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cho rằng, nếu sau Tết, tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì nên cho học sinh tới trường. Bởi thực tế, mặc dù đã diễn ra trong thời gian dài nhưng việc học trực tuyến vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Bên cạnh việc hạn chế về mặt kiến thức, yếu tố cơ sở vật chất cũng khiến nhiều phụ huynh, học sinh "đau đầu"; đặc biệt với những gia đình điều kiện kinh tế không được khá giả, trẻ phải học online bằng điện thoại cũ hay tạm bợ "dùng nhờ" đường truyền internet…
"Điều tôi mong mỏi nhất là trẻ sớm được trở lại trường, giáo viên chúng tôi được trực tiếp đứng trên bục giảng. Và tôi "tham lam" hy vọng thêm một điều, rằng thời điểm "sớm nhất" ấy chính là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán".
Liệu có quá mạo hiểm?
Tuy nhiên, đứng trước thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7-12 của Hà Nội trở lại trường sau Tết, nhiều phụ huynh, giáo viên lại bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận.
Mặc dù con trai đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, song phụ huynh Bích Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đắn đo, lưỡng lự khi điền bảng khảo sát cha mẹ học sinh về việc cho trẻ đi học tại trường sau Tết. Nghĩ ngợi một hồi, phụ huynh này đành đánh dấu vào câu trả lời "Tôi còn phân vân".
"Con được đi học trực tiếp, tôi mong lắm. Nhưng những ngày qua, số ca nhiễm tại Hà Nội liên tục tăng cao, điều này khiến tôi thực sự lo lắng và tự hỏi "Phải chăng, việc cho trẻ đi học lúc này là quá mạo hiểm?" - chị Ngọc nói.
Giống với chị Ngọc, phụ huynh Lê Thị Thúy cho rằng "Học hành là chuyện cả đời, không thể nóng vội ngày một ngày hai, còn sức khỏe mới là trên hết".
Người mẹ này phân tích, sau một thời gian dài học trực tuyến, các con cũng đã làm quen được với hình thức học tập này. Do đó, học online thêm một thời gian nữa cũng không cản trở với quá trình lĩnh hội kiến thức của con.
"Bây giờ các con đi học trở lại, nếu chẳng may nhiễm bệnh thì vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, gián đoạn cả việc học vốn dĩ đang khá ổn định. Đây là điều khiến tôi luôn lo lắng" - chị Thúy trải lòng.
Trao đổi với Dân trí, cô Trần Thị Vân (giáo viên tại một trường liên cấp ở Cầu Giấy) chia sẻ, thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7-12 trở lại trường sau Tết khiến cô vô cùng băn khoăn.
Nguyên nhân là bởi, Tết là dịp đoàn tụ, vì vậy mọi người thường có xu hướng đi lại, giao tiếp, nhậu nhẹt nhiều; chưa kể, sau Tết là thời điểm lượng lớn người dân từ các địa phương trở lại Hà Nội làm việc. "Do đó, việc số ca nhiễm mới tăng lên sau dịp Tết là điều khó tránh khỏi. Nếu cho học sinh trở lại trường sau Tết, điều này sẽ tồn tại rất nhiều rủi ro" - cô Vân bày tỏ.
Cũng theo nhà giáo này, hiện tại, học sinh tại các trường mới bước vào học kỳ II được 1-2 tuần, kiến thức được bắt đầu ở một mảng mới và là khởi đầu nên phần kiến thức này vẫn chưa gây khó dễ cho các em.
Theo đó, quan điểm giáo viên này đưa ra, sau Tết, học sinh có thể tiếp tục với việc học trực tuyến. Khoảng 2-3 tuần sau đó, nếu tình hình dịch bệnh tại Hà Nội được kiểm soát thì các em có thể quay trở lại trường và triển khai ôn tập phần kiến thức trọng tâm.
Văn phòng Chính phủ vừa có kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương thống nhất, có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.
Thông báo nêu rõ, Bộ GD-ĐT phối hợp, hướng dẫn địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều tiêm vaccine cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi;
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 cho trẻ em, học sinh từ 5 - 11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.