Đề xuất hỗ trợ kinh phí nghiên cứu sinh ngành học cần thiết nhưng khó tuyển
(Dân trí) - "Điều đầu tiên chúng tôi muốn đề xuất là ưu tiên hỗ trợ kinh phí nghiên cứu sinh cho một số ngành khó tuyển nhưng rất cần thiết và xã hội cần".
Trên đây là chia sẻ của GS Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ chiều 7/3, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của 3 đơn vị đào tạo và trao đổi thảo luận của thành viên đoàn giám sát, các đại biểu thống nhất: Viện Hàn lâm luôn coi trọng công tác đào tạo nhất là đào tạo tiến sĩ.
Trong quá trình triển khai, các cơ sở đào tạo của Viện Hàn lâm gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên trẻ, giỏi.
Đặc biệt khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nảy sinh một số bất cập, đó là sự chồng chéo giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật, thông tư, nghị định khác liên quan.
Chia sẻ với PV Dân trí, GS Vũ Đình Lãm cho rằng, ông rất hài lòng với buổi làm việc.
Đồng thời, điều quan trọng và đầu tiên mà ông muốn đề xuất với đoàn công tác là cần thiết phải hỗ trợ kinh phí nghiên cứu sinh cho một số ngành khó tuyển, kén người học.
"Những nghiên cứu sinh liên quan đến một số ngành kén người chọn như: Vật lý địa cầu; địa vật lý; vật lý hạt nhân.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gồm 3 đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Toán học. Trong đó, Trường Đại Học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đào tạo 6 chương trình đào tạo tiến sĩ với thời gian đào tạo từ 3-4 năm. Theo nhà trường, nửa thời gian đào tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam và nửa còn lại học tại Pháp. Nhà trường có chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh.
Những ngành này liên quan đến cảnh báo động đất, sóng thần. Có thể những ngành này tuyển được rất ít nghiên cứu sinh nhưng lại rất cần thiết và là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước.
Qua theo dõi của tôi trong một số năm qua, các ngành này số lượng thí sinh đăng ký không nhiều", GS Lãm nói.
Cũng liên quan đến công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay, lãnh đạo Viện Hàn lâm cho biết, các đơn vị đào tạo trình độ tiến sĩ của đơn vị này hầu hết là lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, một số mã ngành đào tạo tương đối hẹp về chuyên môn, nên số lượng nghiên cứu sinh đăng ký dự tuyển còn ít.
Số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới những năm gần đây giảm sút, một phần do sự thay đổi trong quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017 và 2021.
Từ thực tế đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nghiên cứu về khoa học tự nhiên và công nghệ để thu hút người học.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành khoa học, công nghệ.
Đây là một cơ sở giáo dục đại học lớn, vì vậy, hiệu quả đào tạo của Viện đóng góp nguồn lực quan trọng cho thành tựu phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.