Đề toán tốt nghiệp ở Đắk Lắk lỗi nghiêm trọng, Bộ GD&ĐT bảo "chờ rà soát"

Mỹ Hà Hoàng Hồng

(Dân trí) - Theo phản ánh của phụ huynh, mã đề thi 119 môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đắk Đắk bị lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả thi.

Trả lời trong buổi họp báo chiều nay về mã đề thi 119 bị hàng chục lỗi ở Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ban chỉ đạo đã nắm được thông tin và đã giao cho ban chỉ đạo thi tỉnh rà soát cụ thể, hướng xử lý theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Nếu câu in lỗi khiến thí sinh không đọc được đề, không làm được thì sẽ báo cáo hướng xử lý cụ thể.

Theo phản ánh của phụ huynh trước đó, mã đề thi 119 môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đắk Đắk bị lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả thi.

Cụ thể, một trang của đề thi toán mã 119 bị lỗi hàng chục vị trí. Trong đó, đề vừa lỗi văn phong tiếng Việt, vừa lỗi về mặt ký hiệu toán học.

Một số câu lỗi cả câu hỏi, cả đáp án, sai công thức, sai bản chất, thiếu dữ liệu. Điều này sẽ ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh sử dụng môn toán để xét tuyển đại học.

Đề toán tốt nghiệp ở Đắk Lắk lỗi nghiêm trọng, Bộ GDĐT bảo chờ rà soát - 1

Đề thi toán mã 119 có nhiều lỗi sai cả về văn phong và công thức (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trước đó, chiều 27/6, hơn 1 triệu học sinh cả nước hoàn thành bài thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. 

Nhận xét về đề thi môn toán, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng tổ Toán - Tin, Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội nhận định đề thi năm nay mặc dù ổn định về mặt cấu trúc so với năm trước, nhưng mức độ khó tăng lên, đặc biệt là các câu từ 39 đến 50.

Theo cô Hồng, 5 câu thuộc chương trình lớp 11 đều ở mức độ nhận biết (cấp số cộng, tổ hợp) và thông hiểu (xác suất, góc, khoảng cách). Còn lại 33 câu khác ở mức độ này đều thuộc chương trình lớp 12, hoàn toàn mang tính xét tốt nghiệp THPT, không đánh đố học sinh.

Câu ứng dụng tích phân để tính quãng đường đi được của ô tô mặc dù là một câu quen thuộc đối với học sinh, nhưng nữ giáo viên đánh giá là một câu hỏi hay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mạnh dạn đưa được bài toán thực tế vào đề.

Các câu từ 39 đến 50 đều ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, nhiều câu khá lạ với học sinh, yêu cầu các em phải sử dụng linh hoạt kiến thức ở nhiều mảng chuyên đề để xử lý.

"Dự đoán mức phổ điểm môn toán năm nay là 7,4 điểm và sẽ khó đạt điểm 9-10 hơn năm ngoái", giáo viên Nguyễn Thị Hồng dự báo. 

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên toán tại Hà Nội nhận định đề toán phân hóa khá mạnh, dự báo phổ điểm ở mức 7 điểm, thấp hơn năm ngoái.