Đề thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ không mới, không khó nhưng có sự gây "nhiễu"
(Dân trí) - Từ cấu trúc đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2021, mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên nhận định, đề thi tốt nghiệp năm nay sẽ không mới, không quá khó, nhiều kiến thức đã giảm tải.
Dưới đây là phân tích của các chuyên gia, giáo viên trung tâm Học Mãi về đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2021 để thí sinh tham khảo và nắm được cơ bản về hình thức, nội dung đề thi tốt nghiệp và tập trung ôn tập cho tốt.
Môn Ngữ Văn: Xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết
TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cho biết, đề minh họa môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021, nhìn chung không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020.
Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Cũng như đề tham khảo và đề chính thức kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020, hai câu hỏi 1 và 2 cho phần Đọc hiểu của đề minh họa môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021 đều dừng lại ở mức độ câu hỏi nhận biết với những tín hiệu khá rõ ràng.
Nhìn chung, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kì thi THPT Quốc gia trước đây, phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kĩ năng hứa hẹn khả quan cho quĩ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.
Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn không đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của việc hiểu trước đó, và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT.
Nhìn chung, nếu đề minh họa đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi.
Môn Toán: Ổn định cấu trúc, thuận lợi cho học sinh ôn tập
Giáo viên tổ Toán của Học Mãi nhận định, nhìn chung đề thi tham khảo 2021 có tính ổn định về cấu trúc, thuận lợi cho học sinh ôn tập, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp, tuy nhiên vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những học sinh muốn lấy điểm tuyệt đối.
Năm nay là năm thứ 2 điều chỉnh kì thi THPT quốc gia thành kì thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính của kì thi là để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sự tương đồng về cấu trúc và nội dung của đề thi tham khảo 2021 so với đề thi các năm trước là một điều kiện thuận lợi để ôn tập cho các thí sinh năm nay.
Kiến thức và cấu trúc đề vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi THPTQG và Tốt nghiệp THPT những năm gần đây với tỉ lệ 10% câu hỏi lớp 11 và 90% câu hỏi lớp 12. Đặc biệt, các câu hỏi thuộc lớp 11 không có câu ở mức độ Vận dụng, Vận dụng cao, đúng với tinh thần tinh giản do tình hình dịch bệnh năm 2020 ảnh hưởng đến vấn đề của học sinh khối 11.
Sự tương đồng về cấu trúc và nội dung của đề tham khảo so với đề thi các năm trước là một điều kiện thuận lợi để ôn tập cho các thí sinh năm nay. Đặc biệt, các câu (từ câu số 1 đến câu số 38) ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 76% các câu hỏi trong đề thi. Đây là những câu hỏi ở mức độ cơ bản. Học sinh chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức đã được học là có thể làm được.
Các câu thuộc mức độ vận dụng hầu như đều thuộc các dạng bài quen thuộc đã có phương pháp giải, thậm chí đều là các dạng quen thuộc mà các trường THPT cho học sinh thi thử nhiều lần như: min-max hàm hợp, thể tích khối chóp, tìm số phức thỏa mãn điều kiện cho trước.
Trong số các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng, có một số câu hỏi hay, có cho dữ kiện có sự khác biệt như: câu 40 (câu hỏi xác định số giá trị nguyên của y thỏa mãn điều kiện BPT mũ ); câu 41 (câu hỏi về tích phân có sự kết hợp giữa hàm phân nhánh và hàm ẩn), câu 44 (câu hỏi về khối tròn xoay kết hợp với các kiến thức lớp 10),…
Với các câu Vận dụng cao: có độ khó và tính phân loại cao, đòi hỏi học sinh cần vận dụng nhiều kiến thức trong chuyên đề, các kiến thức liên chuyên đề,… Ví dụ như câu 46, học sinh không chỉ cần nắm được phương pháp tìm cực trị của hàm trị tuyệt đối mà còn cần các kiến thức, kĩ năng đọc bảng biến thiên, tìm cực trị của hàm hợp,… Hay như câu 50 là câu hỏi min-max kết hợp giữa khối tròn xoay, hình Oxyz.
Bài thi Khoa học Tự nhiên: Cấu trúc đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12
Mỗi môn thi thành phần Vật lí, Hóa học và Sinh học vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút/môn và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.
Trong đó, cấu trúc đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm khoảng 90% số câu hỏi), đề thi không xuất hiện các nội dung thuộc nội dung điều chỉnh dạy học theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH.
Đặc biệt, với môn Vật lí, nội dung phần học kỳ II của chương trình Vật lí lớp 11 - phần thuộc nội dung tinh giản của công văn 1113/BGDĐT-GDTrH tháng 3/2020 không xuất hiện trong đề tham khảo 2021.
75% số câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ Vận dụng và Vận dụng cao.
Đề đảm bảo phạm vi kiến thức theo các công văn điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, phổ điểm sẽ rơi vào mức 6, 7 điểm. Đề cũng đã có sự phân hóa nhất định ở các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao để đảm bảo các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh đầu vào.
Nhận định cụ về những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao của từng môn như sau:
Môn Vật lí:
Phần kiến thức dưới 7 điểm (30/40 câu): Phần này bao gồm 4 câu thuộc chương trình Vật lí lớp 11 và 26 câu hỏi phủ đều 7 chuyên đề của chương trình Vật lí 12. Nội dung các câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 chủ yếu thuộc chương trình học kì I, và đầu học kì II, không có câu hỏi liên quan đến các nội dung kiến thức đã được tinh giản trong công văn tinh giản 1113/BGDĐT-GDTrH phần học kì II năm học 2019-2020.
Đặc biệt có 1 câu hỏi thuộc chuyên đề Dòng điện trong các môi trường, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2018 (chương trình lớp 11 được đưa vào đề thi) có câu hỏi trong thuộc chuyên đề này.
Phần kiến thức trên 7 điểm (10/40 câu): Phần này không có câu hỏi thuộc chương trình Vật lí lớp 11, không có câu hỏi thuộc nội dung chuyên đề Vật lí hạt nhân của chương trình Vật lí 12.
Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lí 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Sóng ánh sáng.
Số lượng câu khó thuộc các chuyên đề cụ thể như sau: 1 câu khó về đồ thị lực đàn hồi và lực kéo về trong dao động của con lắc lò xo (Dao động cơ), 1 câu về khoảng cách khi có sóng dừng (Sóng cơ và sóng âm), 1 câu hỏi khó về công suất trong mạch điện xoay chiều R,L,C có chứa hộp đen (điện xoay chiều), 1 câu hỏi khó về xác định số vân sáng trong giao thoa hai ánh sáng đơn sắc (sóng ánh sáng).
Môn Hóa học: Phần kiến thức dưới 7 điểm (30/40 câu): 4 câu thuộc chương trình Hóa học lớp 11 đều nằm ở cấp độ Nhận biết - Thông hiểu, 26 câu còn lại phủ đều các chuyên đề của Hóa học lớp 12.
Phần kiến thức trên 7 điểm (10/40 câu): Các câu hỏi Vận dụng - Vận dụng cao chỉ thuộc chương trình Hóa học lớp 12, độ khóa tương đương đề tốt nghiệp THPT 2020.
Đặc biệt, các câu hỏi thuộc phần kiến thức này không còn chứa dạng bài về Al3+ với ion OH- tạo Al(OH)3 kết tủa rồi kết tủa tan trong OH- dư, hoặc các dạng bài tập tính toán liên quan đến phản ứng hóa học giữa ion AlO2- với ion H+ tạo Al(OH)3 kết tủa rồi kết tủa tan trong H+dư, điều này phù hợp theo đúng tinh thần của công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về điều chỉnh nội dung dạy học ngày 27/08/2020.
Đề chỉ có 4 câu hỏi ở mức độ Vận dụng cao thuộc các chương Tổng hợp hóa vô cơ, este lipit, kim loại kiềm-kiềm thổ-nhôm. Các câu hỏi này giúp đề thi phân hóa tốt hơn, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đại học.
Môn Sinh học: Phần kiến thức dưới 7 điểm (30/40 câu) thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, trong đó 4 câu thuộc chương trình Sinh học 11 đều nằm ở cấp độ này. Các câu còn lại phủ đều các chuyên đề của Sinh học lớp 12 (trừ chuyên đề Di truyền người).
Phần kiến thức trên 7 điểm (chiếm 10/40 câu) thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Các câu thuộc phần các mức độ này chỉ thuộc chương trình Sinh học lớp 12, gồm các chương: cơ chế di truyền và biến dị, di truyền quần thể, sinh thái, tiến hóa, quy luật di truyền và di truyền người.
Với câu khó và cực khó: 4 câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao chiếm 10% đề thi. Các câu hỏi này thuộc các chương: quy luật di truyền và di truyền người, trong đó Quy luật di truyền chiếm 3 câu, Di truyền người chiếm 1 câu. Câu hỏi về Di truyền người không phải là câu chọn số đáp án đúng như đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2020. 3 câu hỏi về Quy luật di truyền có độ khó xấp xỉ đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2020.
Bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội: Gia tăng độ "nhiễu" ở 1 số câu hỏi.
Đề thi bám theo tinh thần của công văn điều chỉnh nội dung dạy học 3280/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT. Cấp độ câu hỏi tương đương với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, tuy nhiên mức độ khó có phần gia tăng do việc tăng độ nhiễu trong các đáp án ở một số câu hỏi. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (riêng môn Địa lí, không thấy xuất hiện câu hỏi thuộc lớp 11).
Về độ khó của các bài thi thành phần: Mức độ câu hỏi nhận biết thông hiểu chiếm khoảng 70-75% tổng số câu, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, các câu hỏi chủ yếu nằm trong nội dung sách giáo khoa, nội dung rõ ràng không lắt léo. 25-30% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Cụ thể, nhận định từng môn như sau:
Môn Lịch sử: Trong đề, 75% câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết, thông hiểu tập trung vào phần lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000. Các câu hỏi đều là những kiến thức cơ bản và có sự tương đồng với đề Tốt nghiệp THPT 2020 về cấu trúc.
Đặc biệt, câu 20 hỏi về kiến thức bài 25 (là nội dung thuộc chương trình giảm tải theo công văn 5842/BGDĐT-VP nhưng theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH vẫn dạy, nên nếu học sinh không chú ý hoặc chủ quan có thể bỏ qua nội dung này). 25% câu hỏi thuộc phần kiến thức trên 7 điểm trải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi lịch sử thế giới thuộc phần này.
Dạng bài so sánh chiếm tỉ lệ lớn (4/10 câu), ngoài ra dạng bài liên chuyên đề cũng xuất hiện nhiều như liên hệ kiến thức lịch sử thế giới - lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng, tiêu biểu.
Về các câu hỏi khó: Câu 33, 36, 38 đây là những câu hỏi vừa đòi hỏi sự so sánh giữa các giai đoạn vừa phải tổng kết, đánh giá đặc trưng của giai đoạn đó. Học sinh nếu không nắm chắc kiến thức, không có khả năng khái quát và phân tích thì không thể hoàn thành được.
Môn Địa lí: Đề thi có 70% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung lớp 11. Trong đó, có 15 câu hỏi sử dụng Atlat (tăng 1 câu so với đề Tốt nghiệp THPT 2020).
Đặc biệt, có dạng câu hỏi Atlat mới như câu 59, 60 học sinh phải khai thác, đối chiếu hai lược đồ trong cùng một trang để tìm ra đáp án đúng. 30% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng - vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí các vùng kinh tế và thực hành kĩ năng địa lí.
Giống như đề Tốt nghiệp THPT 2020, các câu hỏi tập trung kiểm tra đặc trưng của từng ngành kinh tế, vùng kinh tế. Riêng câu hỏi về kĩ năng với bảng số liệu, học sinh cần hiểu khái niệm xuất siêu, nhập siêu để trả lời.
Về các câu hỏi khó: Câu 77, 78, 79 là những câu hỏi khó, nội dung đi sâu vào một vấn đề nhỏ, các phương án có độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn.
Giáo dục công dân: Đề thi có mức độ tương đương đề tốt nghiệp THPT 2020
Mỗi môn thi thành phần Giáo dục công dân vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Trong đó, có 90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, phân bổ ở tất cả các chuyên đề, 10% câu hỏi thuộc chuyên đề Công dân với kinh tế của chương trình lớp 11.
Phần kiến thức dưới 7 điểm: 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức SGK có thể đạt điểm 7, điểm 8. Những chuyên đề xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ.
Đặc biệt có sự xuất hiện của các câu hỏi thuộc hai chuyên đề Pháp luật và đời sống; Quyền bình đẳng giữa các dân tộc tôn giáo, đây là hai chuyên đề từ năm 2018 đến nay chưa xuất hiện lại. Phần lớp 11 giữ ổn định tỉ lệ 10% và ở mức độ nhận biết.
Phần kiến thức trên 7 điểm: 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao trải đều ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, dạng bài không có điểm mới so với đề thi tốt nghiệp THPT 2020, không có câu hỏi mang tính thời sự.
Các câu hỏi cực khó tập trung ở các chuyên đề như: Thực hiện pháp luật, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ. Câu 117, 118, 119, 120 là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Học sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Đề thi có mức độ tương đương đề tốt nghiệp THPT 2020, điểm đặc biệt là có các câu hỏi thuộc hai chuyên đề Pháp luật và đời sống và Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo, đây là 2 chuyên đề từ năm 2018 đến nay chưa từng xuất hiện trong đề thi. Như vậy, phạm vi kiến thức rộng hơn, học sinh cần ôn tập kĩ, và nắm vững kiến thức cơ bản, tránh tình trạng học tủ.
Đề thi tiếng Anh: Các câu hỏi vẫn phủ hết các chuyên đề quen thuộc
Đề thi gồm 50 câu hỏi được hoàn thành trong thời gian làm bài 60 phút. Phần lớn câu hỏi thuộc lớp 12 và một phần nhỏ thuộc chương trình lớp 11. Đề bám sát yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp. Những học sinh chăm chỉ ôn tập sẽ không khó để hoàn thành bài thi.
Các câu hỏi vẫn phủ hết các chuyên đề quen thuộc như: Phần ngữ pháp với các dạng bài quen thuộc với học sinh như: câu hỏi đuôi, câu bị động, câu so sánh, thì động từ, mệnh đề nhượng bộ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian. Duy nhất có 1 câu số 13 thuộc dạng rút gọn mệnh đề dùng phân từ hoàn thành nằm trong chương trình lớp 11 và câu số 9 là một câu kiểm tra kiến thức mở rộng , không nằm trong chương trình trong SGK về trật tự của tính từ.
Về độ khó của đề thi: Phần lớn câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và không xuất hiện câu hỏi cực khó, chỉ một số ít câu hỏi (câu 36, 41, 42, 37) có độ khó nhỉnh hơn để phân loại thí sinh.
Những câu hỏi thuộc cấp độ Nhận biết; Thông hiểu là các câu hỏi quen thuộc với học sinh 12 như: các câu hỏi liên quan đến từ vựng (câu số 15, 16, 17, 20, 21, 22 xuất hiện trong sách giáo khoa). Có 3 câu kiểm tra về thành ngữ như câu số 18,19,23 nằm ngoài sách giáo khoa, nhưng là những thành ngữ xuất hiện nhiều trong đời sống nên cũng không gây khó khăn cho học sinh.
Các dạng bài như câu giao tiếp rất gần gũi với đời sống, các cấu trúc hỏi quen thuộc như hỏi khoảng cách, câu hỏi đáp trả đưa ra quan điểm. Dạng bài tìm câu đồng nghĩa, nối câu không xuất hiện các kiến thức mới, vẫn là các câu hỏi liên quan đến biến đổi thì (thay thế câu so sánh trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020), modal verb, câu gián tiếp, câu ước và đảo ngữ.