Đề thi Ngữ Văn: Học sinh thuần thục các kĩ năng mới đạt điểm khá, giỏi

Mỹ Hà

(Dân trí) - Đề thi Tốt nghiệp THPT Ngữ Văn năm 2020 bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao.

Theo cô Phạm Thị Thu Phương – GV môn Ngữ Văn hệ thống tuyển sinh 24/7, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD&ĐT công bố ngày 07/05/2020.

Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Phần nội dung nâng cao đã được lược bớt so với đề thi chính thức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (rõ nhất là câu nghị luận văn học - phần Làm văn). Phần kiến thức cũng đã được giảm tải theo công văn của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức trong đề thi chính 2020 cũng tương tự như đề tham khảo lần 2 năm 2020 mà Bộ GD&ĐT công bố ngày 07/05/2020.

Đề thi Ngữ Văn: Học sinh thuần thục các kĩ năng mới đạt điểm khá, giỏi - 1

Đề thi Tốt nghiệp THPT Ngữ Văn năm 2020 bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa.

Phần Đọc hiểu: Đề thi cung cấp văn bản với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết.

Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này từ 2 đến 2,5 điểm.

Phần Làm văn: Gồm 2 câu: Câu 1 đưa ra vấn đề “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I.

Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về ý kiến trân trọng cuộc sống mỗi ngày, phân tích được những ý nghĩa lớn lao khi trân trọng cuộc sống mỗi ngày, biết phê phán những biểu hiện trái ngược, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực.

Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Đây là tư tưởng đạo lý gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

Đề thi Ngữ Văn: Học sinh thuần thục các kĩ năng mới đạt điểm khá, giỏi - 2

Học sinh thuần thục các kĩ năng mới đạt điểm khá, giỏi

Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn trích Đất Nước, có cung cấp sẵn văn bản đoạn trích, có định hướng về nội dung phân tích.

Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu nội dung cốt lõi của đoạn trích- tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

Học sinh cần tập trung làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân dân thể hiện trên phương diện lịch sử và văn hóa.

Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm.

Những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này.

Nhìn chung, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 của Bộ GD&ĐT Hà Nội ngày 09/08/2020 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao.

Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Đề thi Ngữ Văn: Học sinh thuần thục các kĩ năng mới đạt điểm khá, giỏi - 3

Đối với phần nghị luận văn học, các em cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm.

Như vậy, đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học.

Trên cơ sở đó, theo cô Phạm Thị Thu Phương, thí sinh chuẩn bị cho kì thi năm sau nên có định hướng ôn tập ngay từ bây giờ.

Đối với phần nghị luận văn học, các em cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm.

Sau khi có kiến thức nền tảng, cần vận dụng để rèn luyện kĩ năng tạo lập các văn bản nghị luận văn học.

Trên cơ sở đó các em vừa ôn lại kiến thức vững chắc, vừa có kĩ năng xử lí thành thạo các dạng bài nghị luận văn học.

Đối với phần đọc hiểu, các em cần xem lại toàn bộ các kiến thức về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận,… để nắm chắc kiến thức.

Ngoài ra cần tham khảo thêm đề thi của Bộ GD&ĐT các năm trước, đề thi thử của các trường THPT chuyên và các trường nổi tiếng khác để rèn luyện, củng cố kĩ năng xử lí dạng bài một cách hiệu quả và khoa học.

Đối với nghị luận xã hội, để làm bài được hiệu quả nhất, ngoài việc rèn kĩ năng viết các em cần phải đọc thêm các thông tin về văn hóa – xã hội để mở rộng vùng hiểu biết của mình; đồng thời đó cũng là cách để trau dồi vốn từ.

Một phần quan trọng nữa là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu.

Phần đọc hiểu, thí sinh cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút.

"Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt", cô Phương nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm