Đề thi năm nay sẽ khó hơn?

(Dân trí) - Theo dự đoán của nhiều chuyên gia giáo dục, đề thi của kỳ tuyển sinh năm 2006 phải “xoá” đi nghịch lý: số lượng thủ khoa đạt đến mức kỷ lục của khối tự nhiên và sự rớt hạng đến mức thảm hại của khối xã hội trong năm 2005.

Phân ban - không phân ban: đề khó, đề dễ?

 

Năm nay là năm đầu tiên có học sinh theo học chương trình phân ban dự thi đại học. Vì thế, đề thi đại học năm nay sẽ chia làm hai phần: phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình THPT không phân ban. Đối với chương trình THPT phân ban, đề thi khối A, B ra theo chương trình ban khoa học tự nhiên, khối C, D ra theo chương trình ban khoa học xã hội và nhân văn. 

 

Trong hơn mười nghìn học sinh THPT đang học chương trình phân ban thì nhận xét của phần lớn các em là chương trình phân ban khó hơn hẳn chương trình không phân ban, vì thế, nếu làm theo đề phân ban thì các em sẽ thiệt nhiều vì đề của phân ban chắc chắn sẽ khó hơn.

 

Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long đã khẳng định không thể xảy ra tình trạng đề khó, đề dễ như vậy. Đề thi sẽ được biên soạn phù hợp với đối tượng dự thi, bảo đảm mặt bằng chất lượng chung và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh theo học chương trình phân ban thí điểm.

 

Dù vậy, vào thời điểm này, cũng rất khó trấn an cho tâm trạng lo lắng này của thí sinh. Tuy về cách ra đề của Bộ cũng đưa ra phương án “tự chọn”, tức là thí sinh không bắt buộc phải làm theo đề phân ban hay không phân ban nhưng thực tế cho thấy, nếu đề không phân ban dễ hơn đề phân ban thì vẫn hoàn toàn bất lợi cho thí sinh theo học chương trình phân ban, vì “dễ” nhưng không được học kỹ thì cũng khác gì đánh đố?

 

Mối quan tâm lớn nhất của Thứ trưởng Bành Tiến Long trong mùa tuyển sinh 2006:

 

“Điều tôi quan tâm nhất là các em đã biết lựa chọn trường nào vừa sức chưa? Đừng lựa chọn những trường có mức điểm chuẩn hàng năm quá cao khi các em chỉ có học lực khá. Các em phải tìm hiểu kỹ thông tin để thực hiện đúng quy định, để chọn đúng trường và ngành phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện riêng của mình, tránh chạy theo mốt thời thượng.”

Gia tăng số thí sinh không được xét tuyển nguyện vọng

 

Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD -ĐT bỏ quy định về việc cộng điểm thưởng vào kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ của học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi. Với quy định này, sẽ có khoảng 10% thí sinh lẽ ra nếu thi vào thời điểm năm 2005 thì sẽ đỗ đại học nhưng năm nay lại trượt! Để bù vào “khoảng trống” này, đề thi buộc phải khó lên và điểm thi cũng sẽ buộc phải thắt lại nếu muốn đảm bảo đúng ý nghĩa của một kỳ thi tuyển sinh đại học.

 

Cùng đó, quy định về điểm sàn không thay đổi với mức cố định hàng năm là 15 điểm đối với khối A, B và 14 điểm đối với khối C, D. Như vậy, đề thi thì khó lên mà mức điểm sàn không thay đổi, sẽ càng có thêm nhiều thí sinh không có cơ hội được xét tuyển.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là tại sao số thí sinh dự thi hàng năm hầu như không tăng trong khi chỉ tiêu vào các trường ĐH năm nào cũng tăng. Chẳng hạn như năm 2003 có 126.000 chỉ tiêu trên 943.000 thí sinh dự thi (126.000/934.000), năm 2004 con số này là 133.115/888.479 và năm 2005 là 148.270/ 929.565. Năm 2006, số chỉ tiêu còn tăng lên đến 162.710 chỉ tiêu cho xấp xỉ trên dưới một triệu thí sinh. Nhưng, vào đại học vẫn luôn là một con đường gian nan và đề thi năm nay lại theo xu hướng khó hơn?

 

Giải thích về điều này, theo Vụ phó Vụ ĐH và SĐH Ngô Kim Khôi thì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là kỳ thi tuyển chọn. Trong gần 1 triệu thí sinh dự thi chỉ có khoảng 25% thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy đề thi tuyển sinh phải đạt yêu cầu về phân loại để tuyển được những thí sinh thực sự có năng lực. Khi đề thi khó hơn, số thí sinh đỗ đại học ngay từ nguyện vọng 1 sẽ tăng lên. Cùng đó, số thí sinh đỗ được nhờ các nguyện vọng 2, 3 sẽ giảm xuống.

 

Điều này cũng đồng nghĩa, khi đề thi ra theo xu hướng khó hơn thì việc chọn trường nào để thi càng có ý nghĩa quyết định hơn với kết quả thi tuyển của thí sinh.

 

5 không và 5 có trong đề thi năm 2006

* 5 không: 1.Không quá khó. 2.Không đánh đố. 3.Không lắt léo. 4.Không có câu hỏi bắt thí sinh học thuộc lòng. 5. Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh theo học chương trình phân ban thí điểm.

 

* 5 có: 1.Có phù hợp với thời gian làm  bài của thí sinh. 2.Có khả năng phân loại cao. 3.Có độ chính xác cao. 4.Bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. 5.Có điều chỉnh độ khó của đề thi các môn. 

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh