Đề thi môn Văn lớp 10 chuyên ở Nghệ An: Cần tạo hứng thú cho học sinh bằng sự mới mẻ
(Dân trí) - TS Văn học Trịnh Thu Tuyết - Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi môn Văn lớp 10 chuyên Phan Bội Châu và chuyên – ĐH Vinh năm học 2019 cần tạo hứng thú cho học sinh bằng sự mới mẻ, và dành sự tự chủ cho học sinh bằng những câu hỏi mở, phá bỏ những bờ kè xác định cứng nhắc trong vấn đề nghị luận.
Về cấu trúc đề hợp lí với các câu hỏi Đọc hiểu - Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học, TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cho biết, để hoàn thành bài thi, học trò phải huy động các kiến thức xã hội, kiến thức tiếng Việt, kiến thức văn học và lí luận văn học. Các câu hỏi có khả năng khơi gợi những xúc cảm đạo đức, xúc cảm thẩm mĩ tích cực cho học trò...
Tuy nhiên, nếu là đề thi hướng tới đối tượng học sinh đại trà thì có thể duy trì những cấu trúc, kiểu dạng câu hỏi tương đối ổn định. Muốn tạo hứng thú cho học trò, vẫn luôn rất cần sự đổi mới.
Đề thi tuyển sinh các môn chuyên, nhất là chuyên văn càng không nên duy trì tình trạng ổn định quá an toàn và cũ kĩ, để tuyển được học sinh giỏi văn thực sự, cần sự đổi mới, sự sáng tạo, cần những điểm nhấn trong đề có khả năng khơi thức mạch cảm hứng cho học sinh.
Sự thay đổi mới mẻ có thể xuất hiện ngay trong cấu trúc đề, kiểu câu hỏi, mảng kiến thức văn học hoặc xã hội cần huy động...
Vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội là “sức mạnh của niềm đam mê”! Không khó nhận ra ít nhất hai điều: vấn đề quá cũ, vấn đề bị định hướng với sự khuôn hẹp khả năng nghị luận theo hướng tích cực. Để đảm bảo đúng đáp án, học sinh không thể triển khai theo hướng phản biện bởi yêu cầu đã xác định trong câu lệnh:” ...trình bày suy nghĩ về sức mạnh của niềm đam mê”.
Trong khi, ngay kì thi tuyển sinh năm 2019, đã có tỉnh yêu cầu học sinh suy nghĩ về điều ngược lại: “Hãy theo đuổi đam mê” là một lời khuyên tệ hại ( Tỷ phú Mĩ Mark Cuban).
Nên chăng để khoảng trống cho học sinh suy nghĩ với câu lệnh mở:”...trình bày suy nghĩ về tác động của niềm đam mê với cuộc sống con người”.
Đó cũng là điều cần suy nghĩ về tính chất xác định khiến học sinh buộc phải mặc nhiên công nhận vấn đề nghị luận được đặt ra trong câu lệnh của câu nghị luận văn học:”...hãy làm rõ cái đẹp như ánh sáng ban ngày của thơ ca qua tác phẩm Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu”.
Có thể vẫn huy động được kiến thức lí luận văn học của học trò, cụ thể là chức năng thẩm mĩ, giáo dục của văn học, đặc trưng của thơ...; nhưng nếu thay câu lệnh mở hơn, sẽ vừa không áp đặt học sinh, vừa kiểm tra được kiến thức văn học của trò, ví dụ:” ... hãy tìm ra “thứ ánh sáng ban ngày” trong một bài thơ của chương trình Ngữ văn lớp 9 mà em yêu thích.
Nhật Hồng