Đề tài đoạt giải nhất Hội thi Intel ISEF Quảng Trị 2012

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đề tài “Hệ thống cảnh báo và rào chắn đóng mở tự động tại nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ” đã đoạt giải nhất cuộc thi này.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1731/Hoi-thi-Khoa-hoc-va-Ky-thuat-Quoc-te-ISEF-2011.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2011</b></a>

Nhóm nghiên cứu đề tài nói trên gồm các HS Hoàng Quang Trung, Nguyễn Quang Hưng và Lê Nguyễn Hoàng, lớp 11A3, Trường THPT Đông Hà đã xuất sắc vượt qua khoảng 80 đề tài khác nhau trong các cuộc thi cấp tỉnh để giành cú “đúp” hai giải nhất ngoạn mục (giải nhất vật lý kỹ thuật điện tử và giải nhất cuộc thi) Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Intel ISEF tỉnh Quảng Trị năm 2012.

Về mặt khoa học, ý tưởng của ba em học sinh này chủ yếu dựa trên hai mạch điện tử, mạch cảm biến ánh sáng để khi đoàn đi tàu qua che khuất ánh sáng làm quang trở tăng giá trị kích hoạt đóng rào chắn và mạch cảm biến rung động để khi đoàn tàu đi qua tạo rung động lớn kích hoạt hệ thống đèn và chuông cảnh báo người đi đường giảm tốc độ.

Khi tàu cách vị trí gác chắn khoảng 2.000 m, hệ thống đèn tự động bật sáng; khi tàu cách 1.000 m, hệ thống barie rào chắn sẽ tự động hạ xuống đến khi tàu đi qua từ 3-5 phút mới mở lại. Kết quả nghiên cứu này đã thể hiện sự tìm tòi nghiên cứu và say mê sáng tạo của nhóm tác giả.

 
Đề tài đoạt giải nhất Hội thi Intel ISEF Quảng Trị 2012 - 1
Nhóm tác giả cùng mô hình đề tài của mình. (Ảnh: Nguyễn Lệ Xuân)
 
Đại diện của nhóm cho biết: “Đề tài của chúng em trước hết là nghiên cứu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông ở đoạn đi ngang qua đường sắt. Thứ hai là làm giảm thiểu các chi phí đầu tư vào thiết bị dùng để đóng, mở gác chắn và một điều quan trọng nữa là làm giảm lượng khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông khi dừng lại ở gác chắn đợi tàu đi qua nhằm bảo vệ môi trường thân thiện”.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Em Lê Nguyễn Hoàng cho biết thêm: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng em được biết, hàng ngày xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt, gây hậu quả rất lớn về người và của và vị trí xảy ra tai nạn thường là nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ. Bằng những kiến thức học được từ thầy, cô giáo, chúng em mong muốn làm được một điều gì đó để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, góp phần làm cho cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn”.

Thầy giáo của các em nhận xét: “Qua việc tuyên truyền, giáo dục chấp hành luật lệ giao thông, nhà trường yêu cầu các em học sinh đưa ra những ý tưởng có tính sáng tạo, đặc biệt là những ý tưởng đó phải thiết thực trong việc ngăn ngừa tai nạn giao thông. Và các em học sinh lớp 11A3 đã tìm tòi nghiên cứu và thực hiện được đề tài “Hệ thống cảnh báo và rào chắn đóng mở tự động tại nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ”.

Để thực hiện được đề tài này, các em phải vận dụng nhiều kiến thức ở trường trung học phổ thông kết hợp với kiến thức học thêm ở trung tâm dạy nghề và còn xử lý rất nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp. Hy vọng, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự quan tâm của nhà trường, đề tài có tính khả thi của các em sớm được áp dụng vào thực tế và mang lại kết quả cao”.

Đề tài: “Hệ thống cảnh báo và rào chắn đóng mở tự động tại nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ” đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao về khả năng ứng dụng thực tế và được chọn để dự thi cuộc thi cấp quốc gia. Đến nay, bộ ba tác giả: Trung - Hưng - Hoàng đã hoàn tất những công việc cuối cùng cho đề tài của mình, sẵn sàng tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Intel ISEF toàn quốc diễn ra tại TP Huế vào tháng 3/2012.

Dù chỉ là ý tưởng, nhưng các em đã cống hiến tâm huyết, trí tuệ của mình vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đề tài của các em càng có ý nghĩa thiết thực hơn khi Chính phủ chọn 2012 làm năm “An toàn giao thông quốc gia”.

Lê Tấn Lộc

 LTS Dân trí - Đề tài nghiên cứu của các học sinh Trung - Hưng - Hoàng nhằm trúng yêu cầu bức xúc là cần ngăn chặn có hiệu quả những tại nạn giao thông thường xảy ra ở những đoạn đường sắt và đường bộ giao nhau. Nguyên lý để thực hiện tự động hóa việc báo đèn đỏ và kéo barie ở chỗ đường giao nhau khi tàu sắp chạy qua là có căn cứ khoa học đáng tin cậy, vận dụng kiến thức môn vật lý và học nghề ở bậc học phổ thông.

Đó là cách gắn học với hành một cách sáng tạo rất đáng khuyến khích. Mong rằng kết quả nghiên cứu của các em sẽ được các cơ quan nghiên cứu ứng dụng của ngành giao thông vận tải góp phần hoàn thiện và đưa vào áp dụng để giảm bớt tai nạn xảy ra ở những đoạn đường sắt và đường bộ giao nhau.