Đề nghị cảnh cáo và miễn nhiệm Trưởng phòng Đào Thị Bình
(Dân trí) - Kết luận này được đưa ra vào trưa nay 29/9, thông qua việc bỏ phiếu kín của 5 thành viên trong Hội đồng kỷ luật bà Đào Thị Bình - Trưởng phòng Tổng hợp, Bộ GD-ĐT liên quan đến <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/9/141070.vip">vụ tiêu cực</a> trong kỳ thi tuyển công chức ở Bộ này. Bà Bình đã chấp nhận mức đề xuất kỷ luật dành cho mình.
Hội đồng xét xử kỷ luật gồm 5 thành viên do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng làm Chủ tịch và 4 thành viên hội đồng gồm bà Nguyễn Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch công đoàn Bộ GD- ĐT; ông Văn Đình Ưng, Phó Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT; ông Lê Văn Học, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên viên cao cấp văn phòng Bộ.
Kết quả cuộc bỏ phiếu kín giữa 5 thành viên Hội đồng kỷ luật có 4 phiếu đề nghị cảnh cáo, 1 phiếu đề nghị cách chức.
Được biết, trong cuộc họp (được cho là cuối cùng) kết luận về vụ việc tiêu cực giữa lòng Bộ Giáo dục này, ông Nguyễn Quốc Anh - Chánh văn phòng Bộ, thủ trưởng trực tiếp của bà Bình - đã tự đề xuất rút khỏi hội đồng xử lý kỷ luật.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp vào lúc 12h15 trưa nay, Chủ tịch hội đồng kỷ luật - Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng đã chuẩn bị hàng chục bản phôtô cho báo chí “bài” kết luận của mình đã đọc trước Hội đồng. Theo đó, kết luận có 5 điểm chính và hầu như không có gì mới so với tinh thần của các cuộp họp trước đó. Đó là:
1. Đồng chí Đào Thị Bình thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, gây hậu quả tương đối nghiêm trọng.
2. Trong quá trình tường trình, kiểm điểm thể hiện không thành khẩn, không nhất quán.
3. Đồng chí đã thể hiện sự yếu kém trong nhận thức về một nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành là chống tiêu cực.
4. Chưa có căn cứ để kết luận sự việc vi phạm quy chế thi xảy ra tại phòng làm việc của đồng chí Bình là được sắp xếp, có tổ chức.
5. Đối chiếu điều 21, 27 Nghị định 35 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và điều 18 QĐ số 27 của thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ... Đề nghị Bộ trưởng áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Bình, cho miễn nhiệm chức vụ trưởng phòng, bố trí công tác khác.
Được biết, kết luận của cuộc họp này sẽ trình lên Bộ trưởng và có thể Bộ trưởng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày mai, 30/9.
Để thoả đáng, rất khó!
Trước phản ứng của nhiều phóng viên đối với mức xử lý kỷ luật cảnh cáo, cho cho miễn nhiệm chức vụ trưởng phòng, bố trí công tác khác dành cho bà Đào Thị Bình, ông Lê Văn Học - người được Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng uỷ quyền trả lời cho báo chí đã cho rằng: “Nói chữ “thoả đáng” thì vô cùng. Với cá nhân tôi thì chuyện này rất khó để cân đo đong đếm được. Người vi phạm khuyết điểm đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng cũng không đủ chứng cứ để kết luận vụ tiêu cực này là có tổ chức hay không.
Trong tình huống như thế, mặc dù chị Bình có lý luận chỉ là tình cờ nhưng vẫn mang mối nghi ngờ cho người ngoài cuộc. Vì thế, điều quan trọng ở đây là danh dự của con người chứ không phải là hình thức kỷ luật”.
Thưa ông, bản kiểm điểm đọc trước Hội đồng lần này của bà Bình có khác gì so với những bản kiểm điểm trước?
So với bản kiểm điểm trước thì lần này chị Bình đã thành khẩn hơn và đã thấy vụ việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành và của Bộ GD-ĐT. Tại cuộc họp này, chị Bình không đề xuất mức kỷ luật cho mình. Nhưng về nguyên tắc, dù chị Bình không nhận hình thức kỷ luật, thì Hội đồng vẫn đưa ra mức kỷ luật về những sai phạm của chị Bình để kiến nghị với Bộ trưởng quyết định kỷ luật.
Trong cuộc họp, chị Bình cũng đã nhận ý kiến đóng góp của Hội đồng và sẵn sàng chấp nhận mức kỷ luật trên.
Nếu như bà Bình thành khẩn ngay từ khi xảy ra vụ việc thì liệu hình thức kỷ luật có được giảm nhẹ hơn không, thưa ông?
Theo ý kiến cá nhân của tôi, khi ai đó vi phạm khuyết điểm thì sẽ luôn xét xem người đó vi phạm khuyết điểm ở tình huống nào và ở mức độ vi phạm nào? Nếu như ngay từ đầu chị Bình có thái độ thành khẩn, nhanh nhận ra lỗi thì trong quá trình họp sẽ xem xét từ cấp văn phòng đến cấp cơ quan Bộ để xếp tình tiết đó vào việc “tăng nặng, giảm nhẹ”.
Tuy nhiên, theo tôi, ở vụ việc này, dù chị Bình sơ ý hay vô tình vi phạm nhưng đều đã để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong thời điểm cuộc vận động nói không với tiêu cực đang diễn ra quyết liệt.
Xin cảm ơn ông! |
Nhóm PV Giáo dục
(Thực hiện)