Để môn Toán không còn là "ác ma học đường" trong chương trình phổ thông mới

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Việc dạy Toán phải đánh giá học sinh phổ thông toàn diện cả quá trình, không chỉ "chăm chăm" đánh giá kỹ năng giải toán, điểm số bài thi, như vậy môn Toán sẽ không còn là "ác ma học đường" .

Toán học - một môn học được coi là "ác ma học đường" vì những công thức khó nhớ, những ký tự "khó hiểu" và những bài toán dài dằng dặc áp dụng nhiều công thức, định lý, định luật.

Hầu như tất cả học sinh đều có chung một câu hỏi "học diện tích, thống kê, xác suất,, lượng giác, … có tác dụng gì trong cuộc sống? làm cách nào để các công thức, định luật, định lý… dễ nhớ hơn?"

Theo Th.s Phạm Văn Quang - Trưởng ban Toán, Trường Phổ thông Dewey, việc dạy và học Toán phải có phương pháp mới mẻ, sáng tạo để giúp toán học mang "hơi thở cuộc sống" khiến cho những công thức về diện tích, thống kê, sin, cos… dễ nhớ và không còn là nỗi sợ hãi với học sinh.

Để môn Toán không còn là ác ma học đường trong chương trình phổ thông mới - 1

Phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng là một nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ Toán (Ảnh: Alamy).

Học Toán không chỉ để đi thi

Theo thầy Quang, với chương trình phổ thông trước năm 2018, yếu tố thực tiễn thường không được chú trọng. Các giáo viên tập trung vào việc truyền thụ công thức, khuyến khích học sinh học thuộc áp dụng công thức đó vào giải các dạng đề Toán với nhiều kĩ thuật tính toán phức tạp và với tâm lý học để thi.

Tuy nhiên, những điều hạn chế này đã phần nào được khắc phục trong chương trình giáo dục Phổ thông mới (chương trình phổ thông 2018), tạo ra một xu thế mới trong cả hoạt động dạy và học: Thay vì đánh giá theo nội dung kiến thức, chương trình phổ thông mới tập trung vào đánh giá năng lực người học. Những tác giả biên soạn sách giáo khoa cũng đã cố gắng đưa các yếu tố thực tiễn vào mỗi bài học để chúng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

"Tôi luôn trăn trở với những câu hỏi "làm cách nào để học sinh yêu thích toán học, làm thế nào để học sinh phát huy sự sáng tạo và tư duy, giải quyết vấn đề thay vì đau đầu với các công thức định luật để áp dụng giải các dạng đề thi?

Tôi nghĩ rằng để giải quyết những câu hỏi trên cả xã hội cùng phải suy nghĩ và thay đổi tư duy "học Toán chỉ để đi thi", phụ huynh cũng cần giảm áp lực, kỳ vọng lên những đứa trẻ. Đồng thời, các giáo viên dạy Toán cần thay đổi cách dạy để phù hợp với năng lực và nhu cầu của mỗi học sinh.

Ngoài ra, chương trình học cần có sự phân hóa theo năng lực và đánh giá học sinh một cách toàn diện trong một quá trình, giai đoạn chứ không chỉ "chăm chăm" đánh giá kỹ năng giải toán, điểm số bài thi.

Có như vậy mới giúp học sinh phát triển các năng lực suy luận và phát hiện giải quyết vấn đề. Đây cũng chính là những năng lực giúp các em rất nhiều trong cuộc sống", thầy Quang nói.

Để môn Toán không còn là ác ma học đường trong chương trình phổ thông mới - 2

Việc học sinh sợ Toán có thể bắt nguồn từ việc các em chỉ chú trọng học thuộc định nghĩa, công thức, lời giải mà không chịu tư duy (Ảnh: Minh họa).

Tìm bản chất vấn đề thay vì học thuộc

Cũng theo giáo viên này, trong nhiều năm qua, thầy đã lắng nghe một số chia sẻ từ phụ huynh, học sinh về những vấn đề thường gặp đối với môn Toán, nhưng quan trọng có hai khó khăn chính.

Thứ nhất, học sinh bị hổng kiến thức nền tảng từ lớp các lớp dưới, do chương trình môn Toán được xây dựng theo mô hình đường tròn đồng tâm, nên nếu học sinh nào bị mất nền tảng từ lớp dưới thì sẽ rất khó tiếp thu kiến thức ở lớp trên.

Học sinh có thể mất phương hướng, không biết bắt đầu từ đâu, học như thế nào, điều đó dẫn đến tâm lí chán nản.

Thứ hai, học sinh học thuộc định nghĩa, công thức, thậm chí học thuộc lời giải của từng dạng bài mà không chịu tư duy, không hiểu bản chất dẫn đến không giải được các đề Toán "lạ", tức học sinh không có phương pháp học tập phù hợp với môn Toán.

Từ hai vấn đề nêu trên, ông đã đưa ra một số giải pháp cùng với phụ huynh và học sinh cùng thực hiện như:

Học sinh cần phải hiểu các khái niệm, định lí, tính chất ngay tại thời điểm mình học; với những em bị hổng kiến thức, học sinh cần sắp xếp thời gian bổ sung lại những kiến thức bị hổng bằng cách: Tự học, nhờ giáo viên định hướng hoặc nhờ gia sư.

Toán học là môn đòi hỏi suy luận rất cao, mục đích giải toán là để phát triển các năng lực, vì vậy, thay vì học thuộc, học sinh cần phải suy nghĩ tìm tòi để hiểu bản chất.

Trước một vấn đề toán học, hãy đặt câu hỏi như: Bản chất là gì? Ứng dụng làm gì? Chứng minh như thế nào? Mình có thể đặt vấn đề tương tự, tổng quát hóa hay đặc biệt hóa vấn đề không? …

Để môn Toán không còn là ác ma học đường trong chương trình phổ thông mới - 3

Đưa số liệu dịch Covid-19 vào làm đề bài giảng dạy môn Toán tại một trường phổ thông ở Hà Nội (Ảnh: L. P).

Để môn Toán không còn là nỗi sợ hãi

Để môn Toán không còn là nỗi sợ hãi của trẻ, theo thầy Quang, giáo viên cần tạo sự hứng thú, tò mò của học sinh bằng cách đặt học sinh vào các tình huống cần giải quyết, đặc biệt là qua các trải nghiệm thực tiễn phù hợp với khả năng của học sinh.

Năng lực của mỗi học sinh là khác nhau, nên chương trình phù hợp với mỗi học sinh là rất quan trọng để tạo sự hứng thú. Điều này có thể đạt được thông qua dạy học bằng phương pháp khu biệt hóa, cá nhân hóa.

Không khí lớp học nên vui vẻ, thân thiện và cởi mở giữa thầy và trò để học sinh có thể dễ dàng bày tỏ ý kiến, quan điểm. Điều này có thể đạt được bằng cách tổ chức một số trò chơi về môn toán.

Một phương pháp dạy học hiện đại mà nhiều nước áp dụng đó là: Dạy học qua những dự án gắn liền với thực tế. Học sinh sẽ hứng thú hơn khi đi tìm lời giải trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời còn phát huy được nhiều năng lực khác như: phát hiện và giải quyết vấn đề, mô hình hóa, suy luận và cả kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo…

Để môn Toán không còn là ác ma học đường trong chương trình phổ thông mới - 4

Một số đề toán được lấy từ thực tế dành cho học sinh mà thầy Quang giảng dạy (Ảnh: L.P).

Đặc biệt, thay vì đọc chép như trước đây, theo thầy Quang, giáo viên cần thay các số liệu bằng biểu đồ, các hình vẽ để học sinh dễ hình dung và hứng thú hơn trong giờ học.

Làm sao để mỗi tiết học Toán, giáo viên luôn là những trải nghiệm thực tiễn, hoặc đặt ra các tình huống lạ, độc đáo hoặc "nghịch lý" để kích thích học sinh tìm tòi kiến thức mới, thay vì truyền thụ một chiều.

Học sinh được thảo luận, suy nghĩ và tự tìm ra kiến thức mới với sự định hướng của giáo viên. Với các dạy học này đã giúp học sinh hứng thú hơn với giờ học, khắc sâu và vận dụng kiến thức tốt hơn.

Để môn Toán không còn là ác ma học đường trong chương trình phổ thông mới - 5

Th.s Phạm Văn Quang chia sẻ về cách "làm mới" toán học với các thầy cô tổ bộ môn toán tại trường.

Đặc biệt, giáo viên nên đưa ra những lộ trình học tập phù hợp với năng lực của mỗi học sinh. Đây là một việc khá khó khăn khi người giáo viên phải chăm chú quan sát học sinh của mình và "tinh tế" đưa ra mục tiêu phù hợp cho từng giai đoạn. Đồng thời người dạy linh động trong việc điều chỉnh thời gian các giai đoạn đó để học sinh không nhàm chán với kiến thức dễ hoặc chán nản khi gặp kiến thức khó.

Chẳng hạn chúng tôi đưa ra dự án nhỏ trong khi học mang tên "Thiết kế nhà xanh". Ở đó, học sinh phải chia nhóm cùng lên ý tưởng thiết kế nhà vừa đảm bảo các tiêu chí thẩm mỹ, chi phí hợp lý, tính toán diện tích, khối lượng nguyên vật liệu, thuyết trình về sản phẩm của mình và kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, học tập qua dự án không chỉ giúp các bạn có thêm kỹ năng Toán học mà còn tổng hợp kiến thức liên môn của nhiều bộ môn khác và hình thành các năng lực công dân toàn cầu về hợp tác, làm việc nhóm, tư duy, sáng tạo, thuyết trình…

Nói tóm lại, để dạy tốt môn toán, giáo viên cần có kiến thức, kĩ năng và sự tâm huyết. Trong đó, tùy sự sáng tạo của người dạy để lồng ghép môn Toán vào các cách thức khác nhau, giúp môn Toán trở nên gần gũi trong cuộc sống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm