Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025: Giáo viên băn khoăn câu hỏi môn toán
(Dân trí) - Đề thi minh họa môn toán, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều điểm mới lạ về cách ra đề, song giáo viên vẫn băn khoăn về một số câu lệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dạng đề thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025 của chương trình cải cách mới năm 2018, trong đó, chỉ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kiến thức trong đề thi minh họa chủ yếu ở lớp 10, được coi như là mô phỏng tương tự cho lớp 12 do năm 2024 mới triển khai sách mới ở cấp này.
Đáng chú ý, đề thi môn toán có sự thay đổi về số lượng câu hỏi. Nếu kỳ thi hiện hành có 50 câu hỏi, ở đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 22 câu. Sở dĩ ít câu hỏi như vậy vì Bộ GD&ĐT có thêm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn nhưng đòi hỏi học sinh phải tư duy như hình thức tự luận.
Dạng thức trả lời ngắn nhằm kiểm tra tư duy năng lực toán học ở mức cao hơn nên học sinh cần dành nhiều thời gian mới có thể trả lời.
ThS Nguyễn Quang Thi - giáo viên môn toán, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng - phân tích đề minh họa gồm có 22 câu được chia thành 3 phần. Dạng câu hỏi trong đề thi không lạ so với chương trình mới của học sinh đang theo học nhưng vẫn phân loại được từng đối tượng học sinh.
Bộ thiết kế đề thi với độ khó tăng dần, câu hỏi nâng cao phân loại chủ yếu ở phần II và ở phần III . Để giải những câu này, học sinh phải biết xâu chuỗi kiến thức, lập luận, suy đoán và tính toán nhanh.
Trong đó, ở phần I gồm 12 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn, học sinh chỉ chọn một đáp án cho mỗi câu và được 0,25 điểm. Theo ông Quang Thi, phần này quen thuộc và học được rèn luyện trong một thời gian dài nên rất nhuần nhuyễn, khá đơn giản để lĩnh trọn 3 điểm.
Sự khác biệt bắt đầu thay đổi từ phần II khi đề thi gồm 4 câu hỏi song mỗi câu có 4 ý hỏi nhỏ dưới dạng đúng - sai. Số điểm được lũy tiến theo từng ý và tối đa 1 điểm cho 1 câu hỏi.
Dù mới mẻ nhưng theo ThS Nguyễn Quang Thi, trong quá trình dạy học giáo viên đã từng rèn luyện cho học sinh.
"Cái hay ở đây là điểm tăng lên theo từng ý của mỗi câu và làm trọn vẹn 1 câu thì được 1 điểm. Tổng điểm là 4 điểm nhưng để làm được đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa", ông Thi nói và nhận định việc này hạn chế được "đánh bừa" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Ở phần III, đề thi xây dựng 6 câu hỏi dưới dạng trả lời ngắn, mỗi câu được 0,5 điểm. Đây là dạng câu hỏi mà học sinh giải theo kiểu tự luận.
"Đề không có đáp số sẵn nên học sinh phải giải và điền đáp án, không có tính "may rủi" để lựa chọn như phần I. Dạng này rất phù hợp với học sinh trong quá trình học. Bộ thiết kế đề thi hướng đến đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh", giáo viên Trường THPT Bảo Lộc nhận xét.
ThS Nguyễn Quang Thi cho rằng đề minh họa hướng đến thi tốt nghiệp vừa được công bố phù hợp với chương trình mới; học sinh trung bình và yếu làm được từ 5 điểm đến 6 điểm, học sinh khá làm được từ 6 điểm đến 8 điểm, học sinh giỏi làm được từ 8 điểm đến 9 điểm, còn lại dành cho học sinh xuất sắc.
Bên cạnh những ưu điểm của đề minh họa, ông Thi có một vài đề xuất mong đề thi được xây dựng phù hợp hơn.
Ông Thi bày tỏ Bộ cần cắt giảm số câu hỏi của phần II và phần III để thêm hai dạng trắc nghiệm sau cho toàn diện với chương trình mới.
Thứ nhất là dạng bài trắc nghiệm điền khuyết hay điền thế. Câu lệnh thường yêu cầu điền vào chỗ trống. Học sinh chọn từ, cụm từ, ký hiệu hoặc đáp số thích hợp để điền vào một hoặc nhiều khoảng trống trong câu đã cho.
Thứ hai là trắc nghiệm ghép đôi. Câu lệnh thường dùng là nối một dòng ở cột bên trái với một dòng ở cột bên phải để được một kết quả đúng.
Đề xuất thứ hai của ông Thi, đối với phần III, Bộ GD&ĐT dùng cụm từ " Câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn" nhưng đáp án của Bộ chỉ yêu cầu mỗi kết quả. Theo ông là không phù hợp với cụm từ trả lời ngắn. Ông lấy dẫn chứng cách giải ở câu hỏi 1 và câu hỏi 2 của phần III (trong ảnh).
"Nếu ban ra để chỉ yêu cầu học sinh ghi kết quả cuối cùng của câu hỏi sau khi giải ra thì ban ra đề phải thay đổi cụm từ câu lệnh mới chuẩn xác được", ThS Nguyễn Quang Thi - giáo viên môn toán cho hay.
Thay đổi dạng câu hỏi đề phù hợp với định hướng mới
Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết, đề thi năm 2025 thay đổi hình thức, cấu trúc, định dạng để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.
Cũng theo ông Hà, không phải trước đây đề thi tốt nghiệp THPT không có đánh giá năng lực nhưng theo định hướng của chương trình mới, tỷ lệ này tăng lên phù hợp hơn.
Về định dạng, ông Hà cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có thêm hai định dạng trắc nghiệm mới gồm: trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.
Lý giải vì sao Bộ GD&ĐT đưa ra các định dạng trắc nghiệm mới, ông Hà cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.
Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.
Hiện, trừ ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm, chọn một trong bốn phương án.
Do đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.
Ông cũng nhận định mỗi dạng thức đề thi đều có ưu nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi.