Đề kiểm tra định kỳ quá khó: Phòng GD&ĐT làm thay việc của tổ chuyên môn trường tiểu học?
(Dân trí) - Theo Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT, trách nhiệm ra đề kiểm tra định kì cuối năm là tổ chuyên môn của các trường tiểu học. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra định kỳ cuối năm 2016-2017 vừa qua, Phòng GD&ĐT TP Vinh (Nghệ An) lại ra một đề chung cho học sinh khối lớp 5 của toàn thành phố.
Vừa qua, các học sinh khối lớp 5 trên địa bàn Tp Vinh (Nghệ An) phải hoàn thành bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2017-2018. Đây là bài kiểm tra lấy kết quả đánh giá, xếp loại và khen thưởng học sinh cuối năm. Sẽ không có gì đáng nói nếu đề kiểm tra “gây bão dư luận” khi có câu hỏi được cho là nằm ngoài chương trình học khiến nhiều học sinh bật khóc do không hoàn thành bài kiểm tra. Điều đáng nói, đề kiểm tra định kỳ cuối năm này do Phòng GD&ĐT Tp Vinh ra chung cho học sinh khối lớp 5 trên toàn địa bàn.
Về vấn đề này, trong Công văn báo cáo Vụ Tiểu học - Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ rõ: “… việc ra đề kiểm tra khối lớp 5 chưa đúng với qui định của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT; mặt khác, đề kiểm tra môn Toán là quá dài, quá tải so với chuẩn kiến thức, kỹ năng qui định của chương trình, nhất là câu 9b và câu 10”.
Tại Điều 8, Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung Điều 15, Thông tư 30 về Nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh nêu, điểm 2 nêu: “Hiệu trưởng chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh…. Đối với học sinh lớp 5: tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường”.
Kết quả kiểm tra định kỳ môn Toán cuối năm học 2016-2017 đối với học sinh khối lớp 5 thành phố Vinh, có 240 học sinh đạt từ 9 điểm trở lên (tỉ lệ 5,38%); 2004 em đạt từ 8 điểm trở lên (44,94%); 4.211 em đạt từ 5 điểm trở lên (94,43%). 248 học sinh dưới 5 điểm (chiếm 5,57%), chưa hoàn thành chương trình môn Toán.
Tại điểm 3, Điều 8, Thông tư 22 cũng ghi rõ: “Trưởng phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường trên cùng địa bàn tổ chức nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương”.
Tại Công văn số 808 /SGD&ĐT - GDTH của Sở GD&ĐT Nghệ An về việc "Hướng dẫn kiểm tra định kì, xét lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học, bàn giao chất lượng và tuyển sinh lớp 1" của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng lưu ý: Đối với học sinh lớp 5, Phòng GD&ĐT có thể hướng dẫn việc ra đề kiểm tra chung cho tất cả các trường trên địa bàn để đánh giá mặt bằng chất lượng.
Như vậy, việc ra đề kiểm tra định kì cuối năm học đối với khối lớp 5 là do tổ chuyên môn của trường thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, học sinh khối lớp 5 tại Tp Vinh đã được làm chung 1 đề kiểm tra do Phòng GD&ĐT ra. Có phải Phòng GD&ĐT Tp Vinh đã làm thay nhiệm vụ của các tổ chuyên môn trường tiểu học trên địa bàn?
Về vấn đề này, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Đúng là theo qui định tại Thông tư 22 thì các trường tự ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm. Có nhiều nơi họ (Phòng GD&ĐT – PV) làm đề chung, xây dựng ma trận đề với nhiều phương án. Trên cơ sở đó, các trường chọn đề kiểm tra cho học sinh.
Quy định là như thế nhưng trên thực tế, có một số trường chưa thể yên tâm tự ra đề. Có thể Phòng GD&ĐT Tp Vinh muốn lấy một mặt bằng chung của các trường trên địa bàn bằng cách ra một đề kiểm tra chung. Đây không phải là vấn đề lớn mà vấn đề ở đây là đề ra không đúng chương trình, đề quá tải nên gây băn khoăn, lo lắng cho các phụ huynh về kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm của con em mình”,
Được biết, năm học trước, Phòng GD&ĐT Tp Vinh ra cùng một đề kiểm tra chung cho các trường trên địa bàn. Dư luận không khỏi băn khoăn, nếu để tổ chuyên môn các trường tiểu học – người trực tiếp dạy học – ra đề thì có xảy ra “sự cố” đề vượt chuẩn kiến thức chương trình như đề kiểm tra định kỳ cuối năm của Phòng GD&ĐT Tp Vinh vừa qua?
Việc ra đề kiểm tra quá khó, quá tải so với chuẩn kiến thức, kĩ năng qui định của chương trình (câu 9b và câu 10) liệu có thúc đẩy học sinh phải đi học thêm – điều mà ngành giáo dục nghiêm cấm đối với bậc tiểu học?
Hoàng Lam