Học sinh lớp 5 rớt nước mắt vì đề kiểm tra định kỳ cuối năm quá khó

(Dân trí) - Đề kiểm tra định kỳ cuối năm dành cho học sinh lớp 5 ở thành phố Vinh (Nghệ An) được đánh giá là có câu khó và ngang với đề toán nâng cao của học sinh lớp 6. Thậm chí, nhiều phụ huynh cũng không thể hoàn thành được đề kiểm tra định kỳ cuối năm của con mình.

Đề kiểm tra lớp 5 của con, mẹ “đánh vật” 2 tiếng không xong

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền đề thi được cho là đề kiểm tra định kỳ cuối năm dành cho học sinh lớp 5 của Phòng GD&ĐT Tp Vinh (Nghệ An). Đề kiểm tra môn được xây dựng với 10 câu hỏi, trong đó có 6 câu trắc nghiệm, 4 câu tự luận với thời gian làm bài là 40 phút.

Câu 9 và câu 10 trong đề kiểm tra định kỳ cuối năm của học sinh lớp 5 tại Tp Vinh (Nghệ An) được cho là quá khó so với trình độ học sinh.
Câu 9 và câu 10 trong đề kiểm tra định kỳ cuối năm của học sinh lớp 5 tại Tp Vinh (Nghệ An) được cho là quá khó so với trình độ học sinh.

Một số chuyên gia giáo dục nhận định, đề thi được thực hiện theo ma trận đề thi mới của Thông tư 22 với 4 mức độ (thay vì 3 mức độ như trước đây). Trong đó, các câu từ 1 - 8 chỉ ra ở các mức độ từ 1 - 3 của kiến thức đại trà. Với câu 9 (phần b) về tính diện tích tứ giác gián tiếp thông qua so sánh diện tích hình tam giác vượt mức 4 đại trà. Riêng câu 10 nặng về kiến thức lớp 6.

Nhiều phụ huynh cũng chung quan điểm, với câu 9, câu 10 của đề thi này so với trình độ đại trà của học sinh lớp 5, thậm chí là cả với các em có học lực giỏi là quá khó.

Chị Phạm Ngọc - phụ huynh có con vừa trải qua bài kiểm tra học kỳ cuối năm lớp 5, nói: “Đề thi của học sinh lớp 5 mà tôi ngồi 2 tiếng không làm ra. Tối cháu lớn đi học về, gợi ý cho mẹ vì cháu gặp bài này ở lớp 6. Hai mẹ con đánh vật hơn giờ nữa mới xong. Chả trách con bé nhà tôi, đi thi về mà rơm rớm nước mắt, bảo con chỉ làm được 8 câu đầu, câu 9 câu chỉ làm được câu a, còn câu 9b và câu 10 thì không làm được”.

“Mang đề kiểm tra của con hỏi một giáo viên cấp 2 thì cô giáo nói câu 10 thuộc phần nâng cao của lớp 6. Dẫu biết là cần có câu hỏi phân loại học sinh nhưng lấy kiến thức lớp 6 mà ra cho học sinh lớp 5 thì tôi thấy tội các cháu quá. Không chỉ con tôi mà các cháu khác, kết thúc giờ kiểm tra mà vẫn phụng phịu vì không làm hết bài”, phụ huynh Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Kết quả chấm thi sơ bộ của Phòng GD&ĐT Tp Vinh thì không có học sinh nào lớp 5 đạt điểm 10 môn Toán đối với bài kiểm tra định kỳ cuối năm học 2016 - 2017
Kết quả chấm thi sơ bộ của Phòng GD&ĐT Tp Vinh thì không có học sinh nào lớp 5 đạt điểm 10 môn Toán đối với bài kiểm tra định kỳ cuối năm học 2016 - 2017

Nhiều phụ huynh lo lắng, điểm thi thấp sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại và khen thưởng học sinh cuối năm cũng như việc xét tuyển vào Trường THCS Đặng Thai Mai - một trường được xem là chất lượng cao của Tp Vinh.

Đề ra chưa sát trình độ thực tế của học sinh

Theo báo cáo sơ bộ về kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm đối với học sinh lớp 5 năm học 2016-2017 thì toàn thành phố không có bài kiểm tra nào đạt điểm 10 cho cả hai môn Toán và Tiếng Việt. Trong khi đó, từ năm 2014 trở về trước, điểm kiểm tra định kỳ các năm của thành phố mỗi năm có khoảng 1.800 điểm 10 môn Toán, 1.000 điểm 10 môn Tiếng Việt (chiếm khoảng 60%).

Trước kết quả này, ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng GD&ĐT Tp Vinh cho hay: “Với kết quả như thế này, tôi cũng hơi băn khoăn. Phải thừa nhận đề mà Phòng ra chưa sát với thực tế trình độ học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình ra đề chúng tôi cũng mong muốn các em làm được bài, đề cũng có sự phân loại rõ rệt để có em làm được 5-6 điểm hoặc 9-10 điểm, em nào ở mức độ nào thì làm được ở mức độ đó”.

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hưng Dũng tham gia giao lưu học sinh tiểu học
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hưng Dũng tham gia giao lưu học sinh tiểu học

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định, đề kiểm tra định kỳ môn Toán lớp 5 của Tp Vinh quá khó, đặc biệt là câu 9b và câu 10 nên những phản ứng của phụ huynh là điều dễ hiểu. Đề có thể dừng lại ở câu 9a là đủ để phân hóa học sinh. Việc ra đề kiểm tra như thế này không đúng với chỉ đạo của Sở về ra đề kiểm tra cuối năm và không đúng với tinh thần của Thông tư 22 về đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh.

“Đề thi quá khó tưởng là công bằng nhưng lại không công bằng bởi đề khó thì cả học sinh yếu và học sinh giỏi đều không làm được và điều đó vô tình đánh đồng tất cả học sinh với nhau”, ông Thái Huy Vinh cho hay.

Sở GD&ĐT Nghệ An đã báo cáo toàn bộ sự việc với Bộ GD&ĐT, đồng thời có công văn yêu cầu Phòng GD&ĐT Tp Vinh có giải pháp nhằm đảm bảo công bằng trong đánh giá học sinh cuối năm cũng như toàn bộ năm năm học của học sinh; đồng thời sớm ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh, tránh tình trạng học thêm, dạy thêm để thi đạt điểm cao.

Hoàng Lam