Để học Toán không là “cuộc chiến”
(Dân trí) - Hiện nhiều học sinh tiểu học không thích học toán, giải bài thụ động. Phụ huynh hàng ngày phải đối diện với những giờ học Toán cùng con thật khó khăn...”. PGS Chu Cẩm Thơ (ĐHSP Hà Nội) và mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ về những khó khăn, trăn trở trong việc dạy trẻ em học Toán tại Hội thảo “Giáo dục trải nghiệm- Để học Toán không là cuộc chiến”.
Ép học sinh như nghệ nhân làm cây cảnh
Tại hội thảo, một số giáo viên tiểu học ở quận Hà Đông cho ý kiến, có những học sinh trong lớp không bao giờ giơ tay phát biểu trong giờ học. Cho dù giáo viên có động viên, khuyến khích tới đâu, học sinh này cũng ngồi lì ra. Hoặc một giáo viên khác cho ý kiến, theo hướng dẫn từ một số chuyên gia, cô giáo đã lấy thí dụ bằng cách đưa quả cam vào phép tính. Tuy nhiên, khi bảo con lấy phép tính từ vật khác thì không làm được.
PGS Thơ đưa ra câu chuyện, một giáo viên tiểu học ở Huế đã nêu khó khăn khi dạy Toán cho một học sinh, em đó không thể thuộc công thức tính toán. Cô tâm sự: “Với những học sinh này, có khi phải chép hàng trăm lần mới thuộc bài”. Và kết quả, cô giáo đó đã cho học sinh kia chép hàng trăm lần một công thức tính...
Trên đây là một số ý kiến của giáo viên về những khó khăn trong việc dạy- học Toán ở các trường tiểu học hiện nay. Về vấn đề này, qua một số công trình nghiên cứu tâm huyết của mình trong 15 năm qua, tại hội thảo, PGS Chu Cẩm Thơ đã đưa ra một số đánh giá về tình hình học Toán nói chung và việc học tập nói riêng của học sinh tiểu học ở Việt Nam .
Theo đó thực tế hiện nay, không ít học sinh tiểu học không thích học Toán, giải bài thụ động, không có động lực học hoặc học rất máy móc. Một trong những nguyên nhân chính là do phương pháp giáo dục “cưỡng bức” hoặc theo các khuôn mẫu đang diễn ra ở rất nhiều trường học.
"Hầu hết những điều giáo viên cho là khó khăn, đều bắt nguồn từ sai lầm trong phương pháp giáo dục của mình. Phần lớn giáo viên không biết cách tiếp cận với học sinh, các phương pháp dạy còn gò bó theo khuôn mẫu, thiếu sáng tạo và không có cách tiếp cận riêng cho từng em, dẫn đến tình trạng học sinh dần mất hứng thú với giờ học Toán.
Tôi biết phụ huynh đều rất quan tâm đến việc học của con. Chúng ta không tiếc tiền và công sức đầu tư cho con cái. Nhưng hãy xem chúng ta đã đầu tư cho con mình thế nào? Những thứ đang diễn ra khiến tôi nghĩ đến nền giáo dục cưỡng bức. Tôi liên tưởng đến người nghệ nhân làm cây cảnh đã biến một cây non thành cây cảnh có hình dạng xù xì cho đáng giá thế nào. Người ta khía vỏ cây, lâu dần nó sùi nhựa lên như là cây trăm tuổi. Người ta chặt bớt những cành để ép nó nở hoa sớm. Người ta uốn nó để hình dạng được như ý nhưng người ta quên mất nó không phải là cây tự nhiên nữa. Vì thế, nó đã không còn là chính nó, với tên họ và những phẩm chất mà nó được tự nhiên ban cho”, PGS Thơ cho hay.
Tại sao trẻ cần trải nghiệm?
Đưa ra quan điểm cần cho trẻ em trải nghiệm để việc học Toán trở nên dễ dàng hơn, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay, trải nghiệm chính là gia tăng tri thức bằng kinh nghiệm thông qua môi trường và tương tác. Với trẻ nhỏ, trải nghiệm là giúp các em được tự mình khám phá thế giới để từ đó khám phá và làm chủ bản thân, chung sống với mọi người, với thiên nhiên.
“Tôi đã từng chứng kiến, nhiều học sinh đến lớp 3 vẫn còn viết số ngược. Giáo viên đau đầu không biết chữa cho các cháu bằng cách nào. Tôi đã nói với các cô rằng, cũng giống một số em không giơ tay trong giờ học, những học sinh này không phải dốt mà do các con có tính cách đặc biệt. Thay vì dạy theo khuôn mẫu nhất định, thầy cô, phụ huynh cần thay đổi cách thức tiếp cận cho con. Trong trường hợp này, tôi đã “chữa” tật viết ngược của học sinh bằng cách viết số vào lưng, viết vào tay... Sau một thời gian, học sinh này tiến bộ hẳn.
Theo tôi, kiến thức không phải quan trọng nhất. Quan trọng nhất là thay đổi phương pháp dạy để học sinh tự biết làm. Ban đầu có thể sai, có thể chưa nắn nót nhưng không sao, đó là cách xử lý thông tin của chúng và đó cũng là kĩ năng cốt lõi”, PGS Thơ chia sẻ.
Trao đổi về kinh nghiệm của mình trong việc dạy con học Toán, chị Phan Hồ Điệp cho hay, mình dạy con học Toán bằng cách trải nghiệm với những thứ ở quanh mình. Chẳng hạn một củ su hào, chị hỏi con có thể cắt thành bao nhiêu hình chữ nhật, tính diện tích các hình ấy. Hoặc chị dạy con cách tiết kiệm tiền bằng cách mỗi tháng tiết kiệm một số tiền cố định, hỏi sau một số tháng nhất định, con có số tiền là bao nhiêu...
Ngoài ra, việc thường xuyên để con đọc sách và thấy được vẻ đẹp của Toán học là cách chị Điệp giúp con dần hứng thú hơn với môn học này. Khi ra các đề Toán, chị luôn kết hợp với nhiều lĩnh vực, vấn đề để con vừa luyện tư duy đọc hiểu, vừa nắm được kiến thức về thế giới và đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)