Để con lớn lên cùng sách
(Dân trí) - Trẻ em ở độ tuổi mầm non đến tiểu học là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển não bộ, đặt nền móng cho sự hình thành nhân cách con người.
Thời điểm này cần rèn luyện cho con những thói quen tốt, đặc biệt là việc đọc sách, giúp con hoàn thiện ngôn ngữ, tư duy, khả năng giao tiếp, trau dồi tình yêu thương.
Những kiến thức trong sách sẽ giúp trẻ em ở độ tuổi mầm non đến tiểu học được phát triển những kỹ năng cần thiết cho mình, rèn luyện để bản thân trở thành người có nhân cách tốt. Từng độ tuổi phụ huynh, giáo viên cần cho trẻ đọc những thể loại sách phù hợp.
Tạo thói quen đọc sách
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ độ tuổi mầm non đến tiểu học. Tác giả Bernice E.Cullinan cho rằng, lứa tuổi từ mầm non tới tiểu học là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của kỹ năng đọc và hình thành thói quen đọc sách suốt đời. Còn theo tác giả Richard Bamberger, nếu đến năm học thứ năm ở trường tiểu học mà đứa trẻ không có sở thích đọc sách, thì có rất ít cơ hội hy vọng sau này đứa trẻ ấy sẽ yêu thích việc đọc sách. Chính vì vậy, việc phát triển kỹ năng đọc, thói quen đọc sách là nhiệm vụ quan trọng đối với các trường học bậc mẫu giáo, tiểu học.
Để hình thành và phát triển thói quen đọc cho trẻ, cần kết hợp nhịp nhàng các yếu tố như: nhu cầu, kỹ năng đọc, thái độ ứng xử với tài liệu. Phụ huynh và nhà trường cần có biện pháp giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc, giáo dục thái độ ứng xử đúng với tài liệu đọc, khơi gợi hứng thú cho trẻ.
Để khơi gợi niềm yêu thích đọc sách cho học sinh, Trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) thường tổ chức các hoạt động đa dạng để các em tiếp cận sách thí dụ như: ''Tuần Đọc Sách'', hoặc ''Trò Chuyện Với Tác Giả''. Bên cạnh đó, thư viện trường còn bố trí các khoảng không gian rộng, yên tĩnh thành góc đọc sách với nhiều tủ sách. Học sinh được khuyến khích đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Đọc sách là thói quen tích cực để trẻ phát triển toàn diện, và rèn luyện trẻ có tinh thần tốt. Để tạo được thói quen đọc sách, phụ huynh và giáo viên hãy tận dụng những trò chơi để phát huy kỹ năng đọc, viết của trẻ, đọc cho trẻ nghe nhiều câu chuyện, tạo niềm hứng thú, ham thích đọc sách bằng cách cho trẻ được lựa chọn loại sách yêu thích.
Tuy đọc sách là quan trọng, nhưng hãy để trẻ lớn lên cùng sách, đừng ép các em phải đọc những quyển sách vượt quá tầm hiểu biết của mình, hoặc có quá nhiều kiến thức. Ba mẹ hãy khơi gợi niềm đam mê với sách, mong muốn tìm đến sách cho con mình.
Xây dựng không gian lý tưởng
Khi có sự yêu thích đọc sách, các con có xu hướng chia sẻ đồng cảm hơn với những gì xảy ra xung quanh, hấp thụ được giá trị sống tích cực. Các em sẽ có sự tập trung cao hơn về trí tuệ, phát triển vốn từ vựng, sáng tạo.
Cô Elizabeth Hinson, Quản lý Thư Viện trường Trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) cho biết: "Để duy trì và phát triển niềm đam mê đọc sách, cũng như các thói quen đọc sách tích cực cho các con từ Mầm Non tới Tiểu Học, phụ huynh nên tạo điều kiện cho các con tiếp cận được nhiều nguồn sách và có nhiều cơ hội đọc sách. Cũng như những kỹ năng khác, càng đọc nhiều, các con sẽ càng trở thành những người đọc sách thông minh. Khi việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn và các con trở thành những người yêu thích đọc, con sẽ phát triển mạnh mẽ về học thuật cũng như về những kỹ năng xã hội.
"Mục tiêu của nhà trường là tạo ra các không gian lý thú, nơi học sinh được tiếp cận với các nguồn sách phù hợp với lứa tuổi. Học sinh cũng cần được đọc những cuốn sách hay, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Tại nhà, ba mẹ cũng có thể giúp các con tạo nên không gian đọc sách của riêng mình. Đó có thể là một giá sách nhỏ, hoặc một thư viện dành riêng cho việc đọc sách. Các không gian này nên tiện nghi nhất có thể, để con muốn dành thời gian đọc sách ở đó". Cô Elizabeth nhấn mạnh.
Trong những bước đầu tập thói quen đọc sách cho con, ba mẹ nên để các em được lựa chọn sách mình yêu thích, được đọc một cách thư giãn, không hối hả. Trẻ cần được giúp để hiểu rằng đọc là một hoạt động xã hội, trẻ sẽ rất vui khi được nói về nó, được chia sẻ những cuốn sách mà mình đã đọc với người khác.
Trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) thuộc tập đoàn giáo dục quốc tế Cognita, Anh Quốc với hơn 80 trường thành viên trên toàn thế giới. ISSP là một trong số ít trường mầm non và tiểu học quốc tế tại TP HCM đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của CIS và NEASC, hai tổ chức kiểm định giáo dục uy tín thế giới.