Dạy văn hóa trong trường nghề: Điều cốt yếu là cho học sinh liên thông
(Dân trí) - Theo lãnh đạo các trường nghề, quy định là để tạo thuận lợi cho việc học của các em học sinh trường nghề, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em được liên thông lên các trình độ cao hơn.
Trường nghề dạy văn hóa 7 môn là phù hợp
Theo dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông (THPT) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Bộ Giáo dục - Đào tạo (Bộ GD-ĐT) soạn thảo, các cơ sở GDNN chỉ được dạy văn hóa THPT 4 môn.
Cụ thể, học viên tốt nghiệp THCS học hệ Trung cấp tại các cơ sở GDNN chỉ được học 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) và 2 môn tự chọn phù hợp với ngành nghề đào tạo (trong 5 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí).
Quy định này đang khiến các trường có đào tạo hệ Trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS vô cùng lo lắng nếu Thông tư trên được ban hành.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông, thắc mắc: "Để thi Tốt nghiệp THPT thì thí sinh phải hoàn tất chương trình học THPT 7 môn. Giờ chỉ cho phép học sinh Trung cấp học chương trình THPT 4 môn thì làm sao các em dự thi Tốt nghiệp THPT?".
Theo Thạc sĩ Trần Thanh Hải, cần quy định cho các em tốt nghiệp THCS theo học nghề trình độ Trung cấp được học chương trình THPT 7 môn như đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng, chương trình 7 môn cơ bản trên hoàn toàn phù hợp định hướng các khối ngành, định hướng nghề mà các em học tại cơ sở GDNN. Đồng thời cũng giúp các em dễ dàng đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng sau này.
"Việc này phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ mới đây cũng như theo khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là tối ưu hóa quyền lợi cho người học", Thạc sĩ Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Cần quy định rõ việc liên thông
Cùng ý kiến với ông Trần Thanh Hải, Thạc sĩ Hoàng Quốc Long (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành) cho rằng cần điều chỉnh thông tư theo hướng tối ưu hóa quyền lợi cho người học.
Ông cho biết: "Hiện các trường nghề dạy văn hóa chương trình 4 môn thì các học sinh chỉ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng nghề, còn liên thông lên Đại học rất khó khăn".
Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cũng nhận xét dự thảo Thông tư trên có điểm mới là đã cho phép học sinh trường nghề học văn hóa THPT 4 môn được bảo lưu (tại điều 3). Tuy nhiên, ông kiến nghị thông tư cần quy định chi tiết hơn mục đích của việc bảo lưu này.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long đề nghị quy định rõ việc bảo lưu là để học bổ sung các môn còn lại trong chương trình THPT để dự thi Tốt nghiệp; Học bổ sung các môn còn lại ở đâu (các cơ sở GDNN được phép tổ chức dạy hay phải sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên để học); Việc tổ chức dạy bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình THPT được tổ chức thế nào cho đồng bộ thời gian học của các em…
Ngoài ra, điểm mấu chốt mà Thạc sĩ Hoàng Quốc Long kiến nghị là cần quy định rõ việc học liên thông lên Đại học cho các em học sinh trường nghề.
Ông đề nghị Bộ GD-ĐT nên cho các em sau khi tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng nghề được xét tuyển vào Đại học.
Còn việc xét tuyển có thể giao cho các trường Đại học quyết định chuẩn đầu vào của từng trường. Như vậy sẽ giải quyết vấn đề liên thông thông thoáng, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học tập suốt đời.
"Nếu Bộ GD-ĐT có quy định tạo điều kiện cho các học sinh GDNN liên thông lên Đại học, hệ thống tuyển dụng không lấy bằng Tốt nghiệp THPT làm chuẩn mực mà chỉ sử dụng chứng chỉ, văn bằng chuyên môn thì không còn phải bàn đến việc cơ sở GDNN dạy văn hóa THPT 4 môn hay 7 môn nữa", ông Long nêu ý kiến.