Dạy trẻ chưa biết chữ trước bằng... dọa dẫm?

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh có những trải nghiệm vô cùng "thương đau" với quyết định không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Đó không chỉ là áp lực từ người thân trong gia đình mà đáng sợ hơn chính là "thái độ" của giáo viên.

Làm đúng cũng phải khóc

Con bị cô giáo la rầy trong khi tập đọc, tập viết, bố mẹ bị nhắc nhở, yêu cầu phải kèm cặp thêm... là những trải nghiệm không ít phụ huynh đã gặp phải khi lựa chọn không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Không phải là phổ biến vì thực tế hiện nay, số trẻ không học chữ trước khi vào lớp 1 rất ít. Phụ huynh được xem là "cá biệt" khi trong lớp chỉ mình con họ không học chữ trước.

Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM.
Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM.

Chị Trần Lệ Thủy, nhà ở Q.7, TPHCM cho biết, trước đây chị đã được nếm "mùi vị" khi có con chưa hề học viết, học đọc trước khi vào lớp 1. Khó khăn vì con chưa học chữ trước trong khi cả lớp các bạn đã biết viết, biết đọc vần đã đành nhưng căng nhất là từ giáo viên. Vào học được vào hôm, đi học về là con chị khóc, kể chuyện bị cô giáo cho ngồi ở góc lớp, gõ vào tay và chê, dọa đủ thứ. Mỗi lần chị đón con là cô giáo lại gặp chị than phiền là cháu không biết gì hết trơn, chậm, không bắt kịp nhịp học trong lớp.

Chị cũng liều nói với cô mình thực hiện theo quy định của Bộ, không học chữ trước nên bé chậm hơn là bình thường. Thế nhưng, chị nhớ như in khi chỉ mới đến trường được 2 tuần, cô giáo đã thản nhiên đánh giá: "Cháu học kém" kèm theo lời cảnh báo, thế này thì bé rất dễ bị đúp lớp, ảnh hưởng đến cô, đến trường, đến quận.

Cuối năm đó, con chị Thủy vươn lên nằm trong top đầu nhưng từ những trải nghiệm không mấy vui vẻ đó và xét nhiều yếu tố, chị chuyển sang trường quốc tế. Người mẹ này nói: "Giáo dục kiểu dọa dẫm con trẻ ngay từ những ngày đầu đến trường thì hỏi các em sẽ yêu thích việc học như thế nào?".

Nhưng không phải ai cũng "cứng" như chị Thủy. Rất nhiều phụ huynh phải bật khóc trước áp lực từ giáo viên khi lựa chọn không cho con học chữ trước. Chị Phạm Nhọc Oanh, nhà P.3, Q. Bình Thạnh kể, ngày nào đi học con chị cũng bị la vì chưa biết viết chữ, mẹ thì bị cô gọi lên mắng vốn, nhắc nhở đủ kiểu, chị nghe chỉ biết gật. Dù biết quy định của ngành là không học chữ trước nhưng chị cũng không dám ý kiến lại.

"Cháu bị giao bài về nhiều nhất, giao theo kiểu cho những trẻ đã biết chữ. Về nhà, hai mẹ con tối nào cũng "đánh vật" để học chữ đến 10 giờ đêm. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn sợ, thấy thương con khi niềm vui đi học như mẹ tô vẽ không hề có", chị Oanh nói. Sau này, con chị vẫn theo kịp nhưng chị phải thừa nhận gian nan và căng thẳng cho cả mẹ lẫn con. Đến đứa sau, chị cũng dự tính cho theo bước anh trai nhưng bị gia đình phản đối nên cháu đã học chữ trước.

May rủi tùy giáo viên

Nhiều phụ huynh cũng có những trải nghiệm khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào cô giáo. Chị Đoàn Ngọc Phương, nhà Linh Đông, Thủ Đức cho hay, hai đứa con chị đều không học chữ trước nhưng tình cảnh lại trái nhau hoàn toàn. Cháu đầu vượt qua khá nhẹ nhàng khi gặp cô giáo đồng tình với việc trẻ không cần phải học chữ trước. Cô tận tâm, kiên nhẫn, không nóng lòng với thành tích dù con chị thuận tay trái.

Tiếp thêm động lực, đứa thứ hai chị không cho học chữ trước dù thời điểm đó, việc phải học chữ trước như là hiển nhiên. Nhưng lần này, họ không gặp may, hai mẹ con "tiêu điều" khi cô giáo của con là tổ trưởng khối 1, cô nói thẳng: "Chị nghĩ sao mà không cho bé đi học trước". Và mấy tháng đầu, chị bị cô gọi nhiều nhất để nói đi nói lại về việc con chị không học chữ trước nên giờ khổ bao nhiêu người. Thậm chí, chị khóc trên đường sau khi cô giáo đề nghị chị lên lớp nhìn con mình viết.


Ngày đầu tiên đến trường của học sinh lớp 1 trở nên khó khăn hơn lúc nào hết vì việc học chữ trước hay không (ảnh minh họa)

Ngày đầu tiên đến trường của học sinh lớp 1 trở nên khó khăn hơn lúc nào hết vì việc học chữ trước hay không (ảnh minh họa)

Vấn đề từng được đặt ra, chương trình ở lớp 1 nặng, sĩ số đông nên giáo viên cực khó để có thể kèm cặp học sinh trong lớp chưa biết chữ theo kịp nội dung. Đối với lớp 1, việc để ổn định trật tự trong lớp đã là một bài toán không hề dễ dàng đối với giáo viên.

Bên cạnh đó, quản lý một trường học ở TPHCM đặt ra vấn đề, cũng cần xem lại cả chương trình học và phương pháp giảng dạy của lớp Lá (5 tuổi). Trong chương trình, phần Ngôn ngữ có nội dung "chuẩn bị cho học Đọc - Viết". Nếu không vững vàng và thực hiện đúng mục đích yêu cầu thì giáo viên mầm non có thể đơn giản hóa nội dung này bằng cách dạy các cháu rèn chữ, đánh vần. Đa phần phụ huynh không nắm vững và cùng hỗ trợ nội dung này. Tiếp nữa, giáo viên lớp 1 lại xem việc các cháu biết đọc, biết viết trước là đương nhiên trên nền tảng số đông. Điều này kéo theo vấn đề luẩn quẩn.

Trước thực trạng cô giáo gây áp lực đối với trẻ chưa biết chữ trước, nhiều năm gần đây, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đều không quên gửi văn bản cho tất cả các trường "nhắc nhở" và yêu cầu giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết chữ. Ngành cũng nhấn mạnh, thời gian đầu tập trung vào việc hướng dẫn học sinh làm quen với lớp trước khi vào chương trình.

Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng hình thành tâm lý đối với việc học của trẻ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý giáo viên tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm học sinh sợ hãi và cần thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp trẻ có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè..., giúp học sinh tự tin và thích đi học.

Tuy nhiên, nhắc là nhắc, không ít giáo viên nghe rồi để đó và gây căng thẳng với phụ huynh, với trẻ không học chữ trước với đủ lý do. Chính điều này góp phần làm cho việc con trẻ vào lớp 1 của nhiều gia đình lẽ ra nhẹ nhàng, vui vẻ lại trở nên áp lực, căng thẳng.

Nghịch lý không thể chấp nhận nổi đang tồn tại là trẻ vào lớp 1 để bắt đầu học chữ, học viết lại phải biết chữ trước. Đã đến lúc tất cả mọi người cùng phải nghiêm túc nhìn lại, khắc phục để con trẻ không bị áp lực không đáng có ngay từ những ngày đầu đi học.

Hoài Nam