“Dạy người” còn bị xem nhẹ quá!
Khoảng cách giữa thầy và trò ngày nay dường như đang ngắn lại. Công tác giáo dục đạo đức trong học sinh chưa được chú trọng…
Hôm qua (18/9), một thầy giáo dạy thể dục cùng đại diện ban giám hiệu một trường THPT ở quận 5 (TP.HCM) đã đến lớp xin lỗi học sinh (HS) bị tai nạn và cả lớp.
Nguyên nhân là do trong giờ học thể dục vào chiều 16/9, một HS lớp 12 đùa giỡn trong giờ nên bị thầy giáo phạt hít đất 20 cái. Khi đang hít được vài cái thì thầy giáo đột nhiên ngồi lên lưng khiến tay HS này bị khuỵu xuống. Đến hôm sau thì HS phát hiện gãy xương ngón tay và phải bó bột. Theo giải trình của thầy giáo, nguyên nhân ông ngồi lên lưng HS vì: “Em đã ngăn cản khi tôi đang dạy thì tôi thử ngăn cản khi em đang hít đất xem có hít được không”.
Thầy giáo với hơn 20 năm đi dạy trong 1 phút nóng giận đã phạm một lỗi lớn, ông đã chịu mọi chi phí chữa trị cho cánh tay HS. Đồng thời, Ban giám hiệu đã đưa lỗi này ra hội đồng sư phạm và kỷ luật thầy mức cảnh cáo.
Rõ ràng, thầy giáo đã hành động sai, đã nhận khuyết điểm và trường đã có hình thức xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi tiếp xúc với HS này, chúng tôi nhận thấy em đã bỏ qua sự lễ độ khi nói chuyện, không có những từ “dạ”, “thưa” mà thay vào là ngôn từ cộc lốc. Sau khi kết thúc câu chuyện cùng ban giám hiệu, một HS đi cùng cúi đầu chào thầy cô về lớp nhưng HS bị tai nạn thì không nói không rằng đi thẳng ra cửa.
Khoảng cách giữa thầy và trò ngày nay dường như đang ngắn lại. Công tác giáo dục đạo đức trong HS chưa được chú trọng. Giữa tháng 8 vừa qua, đoàn giám sát của Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã nhận định: Chương trình sách giáo khoa còn thiên về truyền đạt kiến thức, còn coi nặng việc “dạy chữ” hơn là “dạy người”, chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức công dân, hình thành nhân cách, lối sống đẹp cho HS…
Cũng trong hôm qua, trả lời đại biểu Quốc hội về ý kiến: “Thực trạng vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm của giới trẻ sự vô cảm, mất nhân tính là vấn đề rất cấp thiết và rất khó giải quyết, cần có thời gian và sự phối hợp nhiều ngành. Riêng ngành giáo dục, bộ trưởng có giải pháp gì?”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận: “Tăng cường “dạy người” trong trường học”. Đồng thời, bộ trưởng đưa nhiều biện pháp, đại loại: Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS và sinh viên trong các hoạt động giáo dục; tiếp tục triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo…
Thực tế hiện nay việc giáo dục đạo đức cho HS hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên môn giáo dục công dân và giáo viên chủ nhiệm. Trong khi giáo viên chủ nhiệm cũng trăm công ngàn việc, còn giáo viên giáo dục công dân thì mỗi tuần chỉ 1-2 tiết thì làm sao đủ thời gian truyền đạt vấn đề đạo đức cho HS. Do đó, để hình thành đạo đức, lối sống đẹp cho HS thì phải có sự góp sức của giáo viên các bộ môn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy toán, lý, hóa… cho rằng môn học khô khan nên HS nắm vững kiến thức là quá tốt rồi, dạy đạo đức thì sẽ “cháy” giáo án và bị đánh giá là dạy không đúng trọng tâm, lồng ghép dạy đạo đức trong khi dạy chuyên môn là quá khó…
Tuy nhiên, đã là người thầy thì phải biết dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, đã là giáo viên thì dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Đạo đức nằm trong phương pháp truyền đạt của giáo viên chứ không ở đâu khác.