Dạy học tiếng Anh: Khó hội nhập nếu không cải thiện chất lượng
(Dân trí) - “Nếu không tập trung vào tiếng Anh, khó có thể hội nhập. Tuy nhiên, làm sao để cải thiện chất lượng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục hiện nay”. Đó là ý kiến của GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Chính sách nghiêm túc nhưng cần sử dụng
Bên lề hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới”, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức, một số chuyên gia nêu ý kiến quanh đề xuất đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.
Trong đó, phần đa cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ thứ nhất hay thứ hai, hãy xem tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ra sao, để có đầu tư tương xứng.
GS Nguyễn Văn Minh cho hay, xu thế của thời đại, nếu không tập trung vào tiếng Anh thì khó có thể hội nhập. Vì vậy, cần tìm ra giải pháp, cách thức để chọn lọc tài liệu góp phần cải thiện chất lượng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục, thế hệ tương lai của đất nước.
Chia sẻ với báo chí trước đó, PGS.TS Nguyễn Thám (giảng viên cao cấp ĐH Sư phạm Huế) đưa câu chuyện cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đưa tiếng Anh về Singapore cũng gặp trở ngại nhưng cuối cùng đã thành công.
“Nhất là trong quá thời kì hội nhập như hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của Việt Nam”, PGS Nguyễn Thám khẳng định.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cũng khẳng định, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh.
Vậy nên, nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất, việc chú trọng tiếng Anh sẽ thúc đẩy quá trình học ngôn ngữ này trong lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN.
"Không còn ranh giới số 1 hay số 2"
Nhận xét về việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông thời gian qua, và những kì vọng của Chương trình tiếng Anh phổ thông mới sắp tới có giúp cải thiện việc dạy/học tiếng Anh, ông Nguyễn Tuấn Hải (nhà sáng lập và giám đốc chiến lược giáo dục Eton Grammar School; tham gia giảng dạy tiếng Anh và Toán tiếng Anh) cho rằng, Đề án ngoại ngữ quốc gia cũ đã được nhiều người thừa nhận là thất bại và đề án mới đã được đưa ra.
Tuy nhiên, những thay đổi trong cách tiếp cận đó chưa đủ và cũng chưa chính xác để chúng ta có thể mạnh dạn và yên tâm theo đuổi nó mà không gặp phải tình trạng “đẽo cày giữa đường”.
Tiếng Anh hiện rất quan trọng và không còn ranh giới ngôn ngữ số 1 hay số 2 (Ảnh: Minh họa)
Tiến sĩ Hương Quỳnh, khoa tiếng Anh, Trường ĐHSP Hà Nội lại cho rằng, hướng đi của Chương trình tiếng Anh phổ thông mới là hoàn toàn đúng đắn.
Cũng theo giáo viên này, tinh thần chỉ đạo, bộ môn này là Ngoại ngữ chứ không phải ngôn ngữ thứ hai thay thế hoặc tồn tại song song như tiếng mẹ đẻ.
“Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay tiếng Anh rất quan trọng và không còn ranh giới ngôn ngữ số 1 hay số 2, hay nói cách khác, ranh giới này rất mong manh.
Hiện, số lượng các nguồn tri thức trong nhân loại chiếm tiếng Anh chiếm số lượng lớn. Với tầm quan trọng đó, người học phải tự nâng cao năng lực là thiết yếu và học tốt để khám phá thế giới”, TS Hương Quỳnh cho biết.
Một chuyên gia cho rằng, tại sao cũng người dạy ấy nhưng ở trường phổ thông hay ĐH họ làm không tốt, trong khi ra ngoài họ lại tạo nên sự khác biệt? Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng dạy học ngoại ngữ, đó là giáo trình và phương pháp.
Giáo viên phổ thông phải dạy theo chương trình cố định, đảm bảo kiến thức ra sao, nên khó tạo ra sự khác biệt.
Về điều này, thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội từng cho rằng, học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được.
"Học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được"
Ông đưa ra quan điểm về việc giảng dạy Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trong thế kỉ 21 thay đổi, đó là thế kỉ tập hợp các kĩ thuật dạy tiếng Anh và chọn những kĩ thuật ưu việt, có hiệu quả nhất chứ không phải dạy bằng các kĩ thuật riêng rẽ như trước đây nữa.
“Ở các nước ngoài, nếu nghiên cứu kĩ, việc dạy tiếng Anh có những nước hiệu quả, có nước chưa. Tuy nhiên, điểm khác biệt là họ có giáo trình được thiết kế phù hợp.
Chẳng hạn Trung Quốc, người ta thuê hẳn nhà xuất bản viết giáo trình riêng cho người dân nên rất phù hợp.
Chúng ta cũng có giáo trình của mình nhưng tôi thấy chưa hay, vì vậy có thể lấy giáo trình từ nước ngoài mới hiệu quả”, ông khẳng định.
Chia sẻ về quan điểm có nên đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, thầy Hùng cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ 1 hay 2, bởi nếu đặt ra nhưng đi chệch hướng thì không được.
Tuy nhiên, ngôn ngữ này quá quan trọng trong khu vực và trên thế giới, nên cần nâng cao chất lượng tiếng Anh và phải có chiến lược.
Theo chuyên gia này, chiến lược phải tập trung 2 yếu tố: Chất lượng giáo viên, phải nâng cao kĩ thuật dạy trên lớp, không tập trung quá nhiều vào lý thuyết.
Thứ hai là giáo trình, có thể lấy từ nước ngoài nhưng phải cải tiến để phù hợp với văn hóa, chính trị trong nước.
“Với nền tảng của Chương trình phổ thông mới môn tiếng Anh, theo tôi hướng đi này là đúng và chuẩn. Nhưng từ đó, triển khai ở lớp ra sao, có đạt yêu cầu không, mới có chất lượng tốt”, thầy Nguyễn Quốc Hùng nói.
Mỹ Hà