“Dạy học đảo ngược” - phương pháp chữa bệnh “chán giảng đường” của sinh viên
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi tìm nguyên nhân và giải pháp hiện tượng sinh viên chán giảng đường vì cho rằng các bài giảng trên giảng đường buồn tẻ, trong khi có thể tìm kiến thức ở những nguồn khác thú vị hơn.
Phương pháp dạy học truyền thống: “Chiếc áo” đã quá chật
Phương tiện dạy học có sử dụng Công nghệ thông tin (IT) là một bước thay đổi về chất, làm thay đổi cách thức dạy học theo hướng “nhảy vọt”. Phương tiện dạy học lúc này được phân loại thành hai tầng cơ bản: tầng 1 là các đa phương tiện (mulitmedia) mang thông tin về nội dung học tập. Tầng 2 là các dịch vụ Internet để truyền tải thông tin tới người học như Thư điện tử, trang web, diễn đàn, tin nhắn, xem phim trực tuyến, mạng xã hội, hội nghị trực tuyến… Nếu như trong dạy học truyền thống, người giáo viên sẽ truyền tải nội dung học tập trực tiếp thì theo phương pháp dạy học (PPDH) mới, phương tiện dạy học sẽ vừa chứa đựng nội dung học tập, vừa thay thế chức năng truyền tải nội dung của giáo viên tới người học như mô tả hình 1.
Đặc biệt, nhờ công nghệ thu phát hiện đại, chỉ cần GV giảng lần đầu thì nội dung bài giảng, các tình huống, lời giải sẽ được ghi lại và truyền cho lớp khác. GV sẽ không còn tạo được yếu tố bất ngờ, không còn gây hứng thú cho SV, SV sẽ không muốn đến lớp và căn bệnh “chán giảng đường” là tất yếu.
Nhiều công bố khoa học đã chỉ ra rằng: “IT là phương tiện giúp giảng viên tăng khả năng truyền thụ kiến thức và giúp SV nhanh chóng thu nhận tri thức, nhưng cũng chính tốc độ phát triển “quá nóng” của IT đang làm “vô hiệu hóa” các PPDH của giảng viên”. PPDH đang trở thành “chiếc áo” quá chật, không đồng hành và không khoác nổi phương tiện dạy học trên nền IT. Như vậy, nếu đổi mới PPDH nhưng vẫn “thủy chung” với cách tổ chức dạy học: SV đến giảng đường nghe giảng về nhà làm bài tập, sẽ không thể chữa “bệnh chán giảng đường”. Muốn chữa được căn bệnh này phải có sự thay đổi về bản chất của phương pháp.
Cơ sở khoa học PPDH đảo ngược
Theo mô hình giáo dục truyền thống: SV đến lớp nghe giảng, về nhà làm bài tập và tất cả SV trong một lớp phải tuân theo lịch học chung.
Nhờ IT, GV có thể thu video clip bài giảng, SV học ở nhà qua e-learning, làm bài tập trên lớp, từ đó hình thành phương pháp dạy học mới: các SV tự học thông qua các video do GV soạn (hoặc tự tìm hiểu qua các phương tiện nghe nhìn) và làm bài tập ở nhà theo chỉ định của GV. Thời gian đến lớp thay vì nghe GV giảng bài, GV sẽ hướng dẫn SV thảo luận, giải bài tập khó và giáo viên kiểm tra trình độ tiếp thu của người học để hướng dẫn nội dung học tiếp. Tức là hình thức tổ chức hoạt động dạy học thay đổi: “Học ở lớp, làm bài tập ở nhà” chuyển thành “Tự học ở nhà qua bài giảng trực tuyến cùng trao đổi qua internet, đến lớp làm bài tập, giải đáp thắc mắc và thảo luận”.
Phương pháp “Dạy học đảo ngược” phù hợp thang đo tư duy Bloom (2001).
Chính những hoạt động đòi hỏi mức tư duy đào sâu, SV sẽ có nhiều thắc mắc và cần nhiều sự trợ giúp từ GV và bạn học (hình 3). Thế nhưng, các mô hình lớp học truyền thống, chỉ có 10% thời gian trên lớp là các hoạt động đòi hỏi mức tư duy đào sâu, còn tới 90% thời gian dành cho việc GV giảng bài để SV hiểu và nhớ. Lớp học đảo ngược 100% là thời gian tư duy đào sâu.
Xây dựng mô hình GV theo PPDH đảo ngược (GV đảo ngược)
Dạy học đảo ngược có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và kỹ năng sử dụng IT trong giảng dạy của GV. Tất cả năng lực của GV được thể hiện qua việc xây dựng video bài giảng, bài giảng dạng E-learning một cách khoa học, phù hợp với đối tượng người học. Kịch bản sư phạm cũng như giáo án của cách dạy đảo ngược sẽ khác về bản chất với dạy học truyền thống. Kịch bản và giáo án của GV gồm hai phần chính: video bài giảng truyền thống và các tình huống GV tương tác với SV ở lớp.
Giữa nội dung video bài giảng cho SV xem trước ở nhà với nội dung thảo luận trên lớp phải đảm bảo kết cấu hài hòa và hợp lý.
Ngoài yếu tố sư phạm, GV đảo ngược phải có kỹ năng mềm như một diễn viên điện ảnh để thể hiện được cảm xúc trước máy quay không phải trước người xem. Tuy nhiên, muốn bài giảng có chất lượng, người GV đảo ngược phải vất vả hơn diễn viên rất nhiều. GV đảo ngược còn phải là nhà khoa học am hiểu chuyên môn đang dạy, đồng thời phải là nghệ sĩ và kiêm luôn vai trò là đạo diễn cho chính mình.
Trong lớp học đảo ngược, GV trở thành người thiết kế, tổ chức và hướng dẫn để SV tự chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Trên lớp, SV hoạt động là chính, GV bề ngoài vẻ nhàn nhã hơn, nhưng trước đó khi soạn giáo án, GV phải đầu tư công sức, thời gian rất nhiều mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò người gợi mở, cố vấn, trọng tài, trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của SV...
Trong lớp học, vai trò của GV đảo ngược khác với giảng viên truyền thống. Nếu như người thầy cũ chỉ truyền bá kiến thức, thì GV đảo ngược lại coi trọng truyền bá tinh thần khoa học và phong cách khoa học, còn kiến thức khoa học thì người học phải lo tích cực mà chiếm lĩnh. Kiến thức cần giảng cho người học nằm trong sách giáo khoa, còn tinh thần khoa học, phong cách khoa học…không hẳn đã có trong sách mà do chính các giáo viên tích luỹ. Nếu dạy trong sách thì giáo viên giỏi hay kém chuyên môn rất khó phân biệt, còn tinh thần khoa học, phong cách khoa học của người thầy là thể hiện đẳng cấp của các GV và điều này để phân biệt cách dạy truyền thống và cách dạy đảo ngược.
Một GV Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một câu nói nổi tiếng: “Nếu dạy theo đề cương và nội dung dạy như sách thì tôi có thể dạy được tất cả các môn trong trường Bách khoa này! Nhưng muốn để SV tôn trọng tôi chỉ dám nhận dạy một môn”.
Trong quá trình hướng dẫn SV thảo luận trong lớp, GV đảo ngược phải vừa phải có kỹ năng của người dẫn chương trình, vừa phải giống như một nghệ sĩ trên bục giảng để “truyền lửa” lòng nhiệt tình cho SV.
Kỹ năng và nhiệm vụ của GV đảo ngược phải hội tụ từ các kỹ năng của các ngành nghề khác nhau theo biểu thức sau: GV đảo ngược = Nhà khoa học + Diễn viên + nghệ sĩ + Người dẫn chương trình + nhà sư phạm. Chỉ khi thay đổi căn bản về bản chất PPDH và GV phải hội tụ đủ các yếu tố trên mới hy vọng “điều trị” được “căn bệnh chán giảng đường” của SV thời nay.