Bạn đọc viết:

Dạy học chương trình mới: "Trò lên thuyền và tự bơi vào bờ"

(Dân trí) - Thầy cô giờ chỉ giữ vai trò định hướng và gợi mở vấn đề. Học sinh sẽ là người tìm tòi và giải đáp vấn đề đó. Cách dạy học này hoàn toàn mới mẻ với mọi giáo viên.

Năm học 2021-2022, giáo viên (GV) cả nước bước vào dạy học Sách giáo khoa lớp 6 mới. Thời điểm này, cả thầy và trò đã bắt đầu quen dần với cách học. Rất nhiều giáo viên tỏ ra thích thú với lối dạy học mới mẻ này. Cả cô và trò đều vui vẻ, hạnh phúc chứ không áp lực như lúc trước.

Tôi còn nhớ, gần cuối năm học trước, nhiều GV hồi hộp vô cùng khi tới đây lớp 6 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không ít thầy cô tỏ ra lo lắng thấy rõ. Bao năm nay, GV đã quen với cách dạy truyền thống. Thầy cô là người truyền đạt kiến thức cho trò. GV sẽ diễn giải mọi kiến thức cho học sinh rồi các em sẽ lắng nghe, ghi chép và học thuộc những kiến thức đó trong đầu. Đây là phương pháp từng mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình kiểm tra, thi cử.

Vậy mà giờ đây phải thay đổi hoàn toàn cách dạy học mới. Thầy cô giờ chỉ giữ vai trò định hướng và gợi mở vấn đề. Học sinh sẽ là người tìm tòi và giải đáp vấn đề đó. Cách dạy học này hoàn toàn mới mẻ với mọi GV. Chưa kể các ngữ liệu trong SGK cũng hoàn toàn mới. Chính vì thế mà nhiều trường gần như phải chỉ định thầy cô mới nhận lời rồi tham gia tập huấn.

Dạy học chương trình mới: Trò lên thuyền và tự bơi vào bờ - 1

Chương trình mới đã phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh. (Ảnh: Đức Anh)

Vậy mà sau những chệch choạc ban đầu. Thầy trò bắt đầu quen với nhịp học. Mặc dù thời điểm này vẫn đang dạy học trực tuyến. Thế nhưng phần lớn thầy cô đều tỏ ra thích thú với cách dạy học mới mẻ này. Ai cũng nhận thấy lớp học sôi nổi và hào hứng thấy rõ. Các em được thảo luận rồi trình bày ý hiểu của mình. Có thể nói chương trình mới đã phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh thấy rõ.

Cô Đào Thị Thanh Thảo, GV Ngữ văn của huyện Châu Thành (Tây Ninh) tâm sự: "Lúc đầu nhận lớp, cô cảm thấy áp lực vô cùng. Đọc SGK cô từng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Chẳng biết rồi mình có làm tốt vai trò dạy học không? Rồi còn kết quả của học sinh nữa chứ? Rất may, chỉ hơn 1 tuần là cô đã quen với cách dạy mới. Giờ cô thấy mình thoải mái và vui vẻ hẳn trong những tiết dạy. Riêng trò, cô nhận thấy các em rất tích cực phát biểu xây dựng bài. Nhiều em tỏ ra hào hứng thấy rõ trong quá trình học tập".

Cô Vũ Thị Thuận, GV huyện Tân Châu (Tây Ninh) thì trải lòng: Chưa bao giờ cô nghĩ đến tình huống cô trò thoải mái, vui vẻ trong dạy và học như bây giờ. Lúc mới tập huấn đổi mới, cô cứ lo lắng liệu áp dụng chương trình này vào trường mình có hợp chăng. Nhưng rồi dạy thực tế mới thấy nhiều ưu điểm của nó. Cả cô trò đều vui vẻ, thoải mái trong mỗi bài giảng. Chương trình mới đã phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh rõ ràng.

Bản thân là một tổ trưởng chuyên môn, tôi cũng từng lo lắng vô cùng vì không biết dạy học kiểu mới này thì kết quả môn Ngữ văn của mình sẽ ra sao. Liệu các có đạt được kết quả như trước không.

Trước đây, chúng tôi phải hò hét khản cổ trò mới chịu học bài. Giờ mà "buông" thì các em sẽ thế nào đây. Vậy mà, thật may mắn và tôi đi dự giờ và hỏi thăm 1 số học sinh lớp 6 thì đa số các em đều tỏ ra vui vẻ và hứng thú vô cùng với phương pháp dạy học mới mẻ này. Tôi thật sự mừng vui.

Giờ thì tôi đã nhận thấy ưu điểm vượt trội của chương trình SGK mới. Có thể ví dạy học theo cách cũ, thầy cô là người đưa trò lên thuyền rồi đẩy chúng vào bờ. Còn dạy theo chương trình mới, thầy cô đưa trò lên thuyền và để các em tìm cách tự bơi vào bờ.  

Hy vọng rằng cách dạy và học mới mẻ này sẽ giúp cả cô và trò đều được hạnh phúc. Thầy vui vẻ, trò sẽ hạnh phúc. Mong sao mỗi ngày đến trường của các em là mỗi ngày vui.