"Chống sốc" cho học sinh vào lớp 6

(Dân trí) - Để "chống sốc" cho con ở năm học đầu cấp, bên cạnh hành trang kiến thức, sự chuẩn bị cho con về mặt tâm lý đóng vai trò quan trọng.

Năm học 2021 -2022, cấp THCS sẽ lần đầu tiên thực hiện chương trình mới với học sinh lớp 6. Trước sự thay đổi này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng con sẽ "hụt hơi", không theo kịp kiến thức mới.

Cụ thể, năm học 2021 -2022, ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, GDCD được giữ lại theo hình thức độc lập thì học sinh lớp 6 sẽ học một số môn và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện. Đó là môn: Lịch sử và Địa lí (tích hợp môn Lịch sử, Địa lí), Khoa học Tự nhiên (tích hợp môn Vật lí, Hóa học và Sinh học), môn Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Cùng với đó, trong năm học này, các em sẽ được trải nghiệm bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới. Đứng trước sự thay đổi, nhiều phụ huynh, học sinh đã bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn...

Chống sốc cho học sinh vào lớp 6 - 1

Học sinh Hà Nội thi vào lớp 6. (Ảnh Văn Hiền)

Đổi mới chương trình lớp 6: Trăm ngàn nỗi lo bủa vây

Có con chuẩn bị bước vào lớp 6, phụ huynh Nguyễn Thị Phúc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Theo như tôi tìm hiểu, sách giáo khoa lớp 6 năm nay sẽ xuất hiện nhiều ngữ liệu mới và khó hơn, đặc biệt với các môn tích hợp.

Tuy nhiên, do thành phố đang thực hiện giãn cách, tôi không thể ra ngoài mua sách. Không được nhận diện và tìm hiểu nội dung sách trước, tôi sợ vào năm học chính con sẽ "đuối" và không theo kịp chương trình".

Giống như chị Phúc, phụ huynh Hoàng Thùy An (Hải Dương) cũng bày tỏ sự lo lắng khi biết năm học lớp 6 này, con gái của chị sẽ học theo chương trình và sách giáo khoa mới. Vị phụ huynh này cho biết, trước đây, khi con trai lớn của chị "chân ướt chân ráo" vào lớp 6, gia đình chị thường dạy trước chương trình để con có thời gian tiếp cận, làm quen. Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ đổi mới, đồng thời xuất hiện một số môn học tích hợp nên việc phụ huynh kèm cặp, hỗ trợ con học tập gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh nỗi lo con khó "bắt nhịp" với chương trình lớp 6 mới, không ít bậc làm cha, làm mẹ còn chung niềm trăn trở về việc thay đổi môi trường, bậc học sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con.

Phụ huynh Lê Anh Thư bày tỏ: "Ở cấp 1, con là một người nhút nhát và chỉ nói chuyện với bạn bè mà con cảm thấy thân. Trong khi đó, lên lớp 6, con sẽ học với nhiều giáo viên và bạn mới hơn. Tôi sợ con sẽ bị "thu mình" trong môi trường mới, từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả học tập".

Trước ngưỡng cửa lớp 6, học sinh Dương Thế Anh (Hải Phòng) cũng không khỏi lo lắng: "Lên lớp 6, em vừa mừng lại vừa lo. Vui vì em đã được lên cấp 2, được học trong ngôi trường mới. Nhưng điều này đồng nghĩa với môi trường và nếp học tập cũ bị thay đổi; chưa kể, năm học này còn thay đổi cả chương trình học nữa. Năm đầu tiên học theo chương trình và sách giáo khoa mới, em lo không biết mình có thích ứng được không".

Chống sốc cho học sinh vào lớp 6 - 2
Nhiều phụ huynh lo lắng con khó "bắt nhịp" với chương trình lớp 6 mới.

"Chống sốc" cho trẻ trước năm học đặc biệt

Trước những lo lắng của phụ huynh, nhà giáo Vũ Thu Hương (Tổ trưởng tổ Ngữ văn tại một trường THCS, Hải Phòng) nhìn nhận, thực tế chương trình cũ đã tồn tại một khoảng thời gian dài, do vậy phụ huynh cảm thấy quen thuộc. Tuy nhiên, giáo dục cần phải tiến lên chứ không thể dậm chân tại chỗ.

"Nghe thấy "mới" hay "cải cách", tâm lý chung, ai cũng cảm thấy ngại và lo lắng. Song, việc thay đổi là tất yếu; nếu học sinh tiếp cận khó khăn thì sẽ có sự hỗ trợ của giáo viên. Phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng sẽ linh hoạt để giải quyết được vấn đề mà phụ huynh lo lắng".

Theo cô Hương, tại cơ sở mà cô công tác, nhà trường đã triển khai tập huấn sách giáo khoa lớp 6 mới cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những thầy cô phụ trách giảng dạy lớp 6 để mọi người được tiếp cận và thấy được điểm khác biệt của bộ sách mới, từ đó chủ động trong việc tự học hỏi, đổi mới phương thức giảng dạy. Căn cứ vào năng lực và kinh nghiệm của các thầy cô, trường sẽ có lựa chọn phù hợp để đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy của từng môn học.

Bên cạnh đó, nhà giáo Vũ Thu Hương chia sẻ, nội dung sách giáo khoa lớp 6 năm nay bám sát, tuân thủ một cách tuyệt đối các yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Không chỉ thay đổi một số nội dung, phương pháp dạy học cũng có sự đổi mới, đó là chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thông qua các hoạt động thực hành trên lớp.

"Với chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới, lứa học sinh lớp 6 năm nay sẽ có cơ hội làm chủ kiến thức. Trong quá trình học tập, thầy cô đóng vai trò định hướng, học trò sẽ tự tìm tòi, sáng tạo. Tiếp nhận cái mới, ban đầu sẽ rất khó khăn. Nhưng khi đã đi vào vòng tuần hoàn, người dạy, người học sẽ thích nghi và dần phát huy thế mạnh của mình" - cô Hương nhắn nhủ.

Đưa ra một cái nhìn khác, giáo viên Trần Thùy Liên (Hà Nội) cho hay, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, sự quan tâm, sát cánh của phụ huynh dành cho các con cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo cô Liên, trước khi bước vào năm học mới, phụ huynh nên dành thời gian cùng con đọc qua tất cả sách giáo khoa lớp 6 mới, đặc biệt chú ý các phần bài tập, vận dụng, thực hành ở các môn cần nhiều ngữ liệu như: Ngữ văn, Khoa học tự nhiên hay hoạt động trải nghiệm. Phần nào khó, chưa hiểu, phụ huynh có thể ghi lại để cùng con tìm hiểu, cung cấp nền tảng vững chắc phục vụ quá trình học sắp tới.

"Trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, chưa thể mua sách giáo khoa bản giấy, phụ huynh có thể truy cập và sử dụng miễn phí phiên bản sách điện tử tại các trang web của đơn vị xuất bản" - cô Liên đề xuất.

Giáo viên này cho hay, để "chống sốc" cho con ở năm học đầu cấp, bên cạnh hành trang kiến thức, sự chuẩn bị cho con về mặt tâm lý đóng vai trò quan trọng.

Theo đó, trong giai đoạn này, bố mẹ nên ở cạnh, động viên và trò chuyện cùng các con nhiều hơn. Song song với việc lắng nghe cảm xúc, ước muốn của trẻ, bố mẹ cũng nên tìm cách tập cho con những kỹ năng khi gặp bạn bè, thầy cô mới. Hãy nói với trẻ cần mở lời, chào hỏi hay trò chuyện thế nào để không bị lạc lõng giữa đám đông.

"Lớp 6 cũng là thời điểm các em bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý là điều không thể tránh khỏi. Tranh thủ những ngày thảnh thơi trước khi bước vào năm học mới, cha mẹ hãy trang bị cho con kiến thức về giới tính. Những điều này không chỉ giúp ích các con trong năm học lớp 6 mà nó còn là bài học theo con đến mãi về sau".

Kiều Phương

Từ khóa: SGK mới, lớp 6, chương trình mới, học sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm