Dạy con trẻ cạnh tranh một cách lành mạnh
(Dân trí) - Cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, nhờ có cạnh tranh lành mạnh mà con người ngày càng tiến bộ hơn. Vì vậy, dẫn dắt trẻ để cạnh tranh với thái độ đúng đắn là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm.
Cạnh tranh là điều mà ai cũng sẽ gặp phải trong đời, và chính nhờ có cạnh tranh mà con người mới có thể tiếp tục phát triển theo hướng ngày một tích cực hơn. Trẻ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh trong quá trình trưởng thành, từ các kỳ thi đầu vào quan trọng cho tới các cuộc tuyển chọn cán bộ lớp.
Dạy cho trẻ cách đối diện với cạnh tranh bằng thái độ đúng đắn là điều quan trọng trong việc hình thành nhân cách ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời cũng tác động đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Thái độ đúng đắn với cạnh tranh
Trước hết, bản thân cha mẹ cần có thái độ đúng đắn đối với sự cạnh tranh. Một số bậc cha mẹ luôn thích so sánh con mình với những đứa trẻ khác.
Ví dụ, một đứa trẻ mang bài kiểm tra có kết quả cao về nhà với tâm thế rất háo hức để báo cho cha mẹ; tuy nhiên, phản ứng đầu tiên của họ không phải là công nhận những nỗ lực và thành tích của trẻ mà lại hỏi có bao nhiêu bạn được điểm cao hơn con trong bài kiểm tra này.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm say mê học tập của con mà còn khiến động lực học của con trở nên lệch lạc. Mục tiêu của trẻ sẽ không còn là trở nên tiến bộ và hoàn thiện bản thân mà lại là vượt lên trên các bạn khác.
Khi một đứa trẻ thấy rằng dù có cố gắng thế nào cũng không thể đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ và không vượt qua được các bạn cùng lớp, trẻ sẽ cảm thấy bất lực và thậm chí là tuyệt vọng.
Trong khi đó, nếu cha mẹ có thể có quan niệm đúng đắn, thay vì so sánh con với người khác thì cần hướng con so sánh với chính bản thân mình nhiều hơn, miễn là con có tiến bộ hơn trước thì con sẽ nhận được lời động viên từ cha mẹ. Bằng cách đó, trẻ cũng sẽ hình thành nhận thức đúng đắn về sự cạnh tranh, sẽ có động lực hơn để theo đuổi những mục tiêu mới trong tương lai.
Coi cạnh tranh là động lực
Thứ hai, hướng trẻ nhìn nhận cạnh tranh ở góc độ tích cực hơn, coi cạnh tranh trở thành động lực để hoàn thiện bản thân. Bản thân cạnh tranh không phải là điều xấu, nó có thể giúp con người nhìn rõ hơn điểm mạnh và điểm yếu của mình, từ đó khơi dậy tiềm năng của chính mình, tìm ra mục tiêu và phương hướng phấn đấu chính xác.
Nhưng nếu không thể đối mặt với sự cạnh tranh một cách đúng đắn, nó sẽ dễ dàng mang lại những tác động tiêu cực cho mọi người, chẳng hạn như có tâm lý ghen tị với người thể hiện tốt hơn bạn ở một lĩnh vực nào đó.
Nếu như vậy, chúng ta sẽ tự phủ định năng lực của bản thân, thay vì nghĩ cách để cải thiện bản thân thì chúng ta sẽ tìm cách để dìm người khác xuống và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các mối quan hệ của chúng ta trong cuộc sống.
Một cuộc khảo sát về vấn đề tâm lý của học sinh tiểu học và trung học đã cho thấy rằng việc trở nên tự ti và đố kỵ trong quá trình cạnh tranh với các bạn là một trong những vấn đề tâm lý dễ thấy nhất ở các em.
Cha mẹ cần dạy cho trẻ hiểu về cách cạnh tranh tích cực, khuyến khích trẻ giành chiến thắng trong cạnh tranh bằng nỗ lực của chính mình, đồng thời cải thiện bản thân bằng cách học hỏi điểm mạnh từ đối thủ.
Chấp nhận thất bại trong cạnh tranh
Thứ ba, dẫn dắt trẻ hình thành quan điểm đúng đắn về thắng thua, cần đối mặt và chấp nhận thất bại bằng thái độ lý trí. Khi đối mặt với những cuộc tranh tài trong cuộc sống, nhiều bạn chỉ muốn thắng chứ không chịu thua, một khi bị thua thì sẽ không thể chấp nhận được, thậm chí là suy sụp.
Thái độ đối với việc thắng thua có thể phản ánh sức chịu đựng và khả năng đối diện với thất bại của trẻ.
Trong việc cạnh tranh, thắng thua là điều không thể tránh khỏi. Khi đó, cha mẹ có thể nhân cơ hội này để bồi dưỡng nhận thức đúng đắn về cạnh tranh cho trẻ và có thể nói với trẻ rằng thất bại cũng là một cơ hội để trẻ rút kinh nghiệm và không lặp lại sai lầm của mình.
Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần cho con tự mình trải nghiệm cuộc sống, học cách đối mặt với khó khăn và giải quyết vấn đề, đừng bao bọc con quá mức và càng không được sắp đặt thay con. Sự tự tin và khả năng đối diện với thất bại của trẻ sẽ được tích lũy và rèn luyện trong hành trình vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Hợp tác trong cạnh tranh
Cuối cùng, hãy trau dồi tinh thần hợp tác của trẻ và đừng khiến chúng trở thành những người ích kỷ. Dù ở nhà trường, gia đình hay xã hội, mục đích cơ bản của việc giáo dục con người là tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.
Một mặt, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ tinh thần không ngại thử thách, dũng cảm đối mặt với các cuộc cạnh tranh, để trẻ nhìn nhận cạnh tranh một cách đúng đắn, nỗ lực nắm bắt cơ hội để hoàn thiện bản thân. Mặt khác, tránh để trẻ có tâm lý quá chú tâm vào kết quả mà trở thành người ích kỷ chỉ biết đến lợi ích của riêng mình.
Ví dụ, trong hội thao của trường, một học sinh nhìn thấy một bạn vô tình bị ngã trong cuộc thi chạy, cậu ấy đã chọn giúp đỡ bạn và hai người cùng nhau chạy về đích.
Mặc dù điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc thi nhưng bạn học sinh này vẫn thể hiện lòng nhân ái, tinh thần hợp tác, sẵn sàng giúp đỡ người khác của mình. Đây là một phẩm chất vô cùng đáng quý và cần được các bạn khác noi gương theo.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần có tầm nhìn xa, không nên chỉ chú trọng đến kết quả thi hay thứ hạng học tập nhất thời của con mà cần phải quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách cho con. Nếu trẻ có thể trở thành một người tốt bụng, lạc quan và có tinh thần hợp tác, cha mẹ có thể yên tâm rằng con sẽ luôn được yêu quý dù ở bất cứ nơi đâu.