1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Đau lòng vì điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm quá thấp

(Dân trí) - Trong khi mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm ngoái thì điểm đầu vào của các trường sư phạm lại không tăng mà ngược lại nhiều trường điểm chuẩn chỉ thấp bằng điểm sàn. Lãnh đạo trường sư phạm đã phải thốt lên rất "đau lòng" về việc này.

Chỉ hai trường điểm chuẩn ổn định

Trái ngược với việc nhiều trường y, quân đội, công an có mức điểm trúng tuyển rất cao, thậm chí 29 điểm vẫn có khả năng trượt đại học thì khối các trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm điểm chuẩn ở mức thấp kỉ lục.

Đau lòng vì điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm quá thấp - 1
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm ngoái

Trong số các trường đầu ngành đào tạo giáo viên trong cả nước chỉ 4 trường có điểm trúng tuyển khá ổn định ở mức trên 20 điểm. Nhưng so với số ngành khác như công an, quân đội, y dược, kinh tế thì mức điểm chuẩn đầu vào vẫn thấp hơn rất nhiều.

Trong đó, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2017 là 17 điểm đối với ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Tương tự, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.

Trường ĐH Sài Gòn cũng nằm trong tốp có điểm trúng tuyển ổn định và tăng nhẹ như hai ngành Giáo dục chính trị, Sư phạm Âm nhạc (điểm chưa nhân hệ số).

Hàng loạt trường sư phạm điểm trúng tuyển bằng “sàn”

Thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Nằm trong số 7 trường đại học được đặt hàng xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên phổ thông thế nhưng điểm chuẩn của nhiều ngành sư phạm của trường ĐH Vinh (Nghệ An) thấp kỷ lục. Ngoài một số ngành học là Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20-27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm.

Tương tự, nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Huế năm nay cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn, trong đó có ngành sư phạm văn. So với điểm chuẩn năm 2016, dễ nhận thấy nhiều ngành sư phạm của trường có chuẩn giảm mạnh như ngành Sư phạm Toán giảm 5,5 điểm, Sư phạm Hoá giảm 3 điểm.

Điểm chuẩn trúng tuyển vào sư phạm ở nhiều trường ĐH thấp khiến nhiều người lo lắng cho đội ngũ giáo viên tương lai (ảnh minh hoạ)
Điểm chuẩn trúng tuyển vào sư phạm ở nhiều trường ĐH thấp khiến nhiều người lo lắng cho đội ngũ giáo viên tương lai (ảnh minh hoạ)

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cả 10 ngành sư phạm hệ ĐH lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ ĐH gồm giáo dục mầm non, tiểu học, sư phạm Toán, Sinh là 15,5 điểm.

Những năm trước các ngành sư phạm Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh luôn có điểm chuẩn cao, vì được coi là ngành hot của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên nhưng năm nay cũng chỉ lấy 15,5 điểm. ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tại Vĩnh Phúc năm nay tuyển 13 ngành sư phạm thì có 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 19 trở xuống...

Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), hết 8/10 ngành đào tạo sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn. Nhiều trường công lập ở vùng miền như ĐH Tây Nguyên, trường ĐH An Giang điểm trúng tuyển ngành sư phạm cũng rất thấp.

Đầu vào sư phạm thấp khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Điều đáng nói là dự kiến năm 2018, chương trình phổ thông mới sẽ được áp dụng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra rằng liệu những lứa sinh viên điểm chuẩn vào ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn có đủ sức “gánh” được những gì mà mục tiêu đổi mới đưa ra?

Trong khi đó, Hiệu phó một trường ĐH có tiếng ở ĐBSCL còn cho rằng thực trạng chất lượng người học ngành sư phạm đã diễn ra mấy mươi năm qua với quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, rất đau lòng. Vị này cho rằng để khắc phục việc này bản thân các trường ĐH không thể làm được, cần phải có cấp cao hơn vào cuộc.

Lê Phương