Đau lòng khi học trò thiếu “tôn sư, trọng đạo”

(Dân trí) - Tâm lý học trò ngày càng phức tạp, các em cư xử thiếu tôn sư trọng đạo, thậm chí sau lưng thầy cô, có học sinh gọi thầy cô là ông này, bà nọ, thậm chí gọi là "nó" làm giáo viên căng thẳng, lúng túng.

Phát khóc vì thái độ của học trò

"Sau lưng, có học trò gọi thầy cô là ông nọ bà kia, tệ hơn có em gọi thầy cô là "nó" - chia sẻ của nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM - cô Phan Thụy Mộng Thu (giáo viên Trường THCS Lữ Gia, Q11) tại một buổi tọa đàm về văn hóa ứng xử đã phần nào tô thêm đường nét vào bức tranh mối quan hệ thầy trò ngày nay.

Là người trực tiếp đứng lớp, cô Mộng Thu bộc bạch, nhiều học sinh quan niệm giáo viên chỉ là người dạy chữ, các em đánh mất những nét đẹp, chuẩn mực trong ứng xử với thầy cô. Nhiều học sinh có nhiều biểu hiện thiếu tôn trọng người thầy như cãi lại khi bản thân có lỗi, bị phê bình; trả lời cộc lốc, gặp thầy cô không chào, ra vào lớp nhiều khi không xin phép...

Nhiều giáo viên hiện nay gặp áp lực khi tương tác với học trò (Ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên hiện nay gặp áp lực khi tương tác với học trò (Ảnh minh họa)

Cô Thu cho biết thêm, khi bị cho điểm kém, có học trò còn xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô để tỏ thái độ. Hay trên mạng xã hội, có em nói về thầy cô rất khiếm nhã, nếu không muốn nói là vô văn hóa.

Sự đau lòng và cả lúng túng của giáo viên trước "thái độ" của học sinh là điều đang diễn ra hiện nay. Trong một chuyên đề trao đổi về tâm lý vị thành niên, một cử nhân tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM mới ra trường cho hay, cô cảm thấy bất lực, chán nản trước thái độ của học trò. Khi vào lớp, các em ăn uống, nói chuyện riêng, chưa kể đến nhiều chiêu trò chọc phá, hỗn hào với giáo viên.

Cô giáo trẻ rơi vào tâm thế dở khóc dở cười, nếu dùng đến các hình phạt hà khắc thì cô hiểu không có tác dụng với học trò rồi còn vi phạm quy định của ngành. Nếu thờ ơ mặc kệ thì lớp học không ra lớp học, thầy không ra thầy, trò không ra trò...

"Nhiều khi, vừa bước chân ra khỏi lớp là tôi chực bật khóc, phải bước thật nhanh để không ai thấy mình đang nước mắt lưng tròng", cô giáo nghẹn ngào và nói thêm, nhiều đồng nghiệp của cô sau khi đi thực tập, ra trường không vượt qua được áp lực khi đối diện với học trò nên chuyển sang công việc khác.

Theo nhiều giáo viên, chính thái độ, sự thách thức, ương bướng của học sinh là chất xúc tác đẩy sự căng thẳng trong quan hệ thầy trò dễ lên đỉnh điểm. Nhiều giáo viên không kiềm chế được dẫn đến những hành vi phản sư phạm, bạo hành với học trò.

Không chỉ ở bậc học thấp mà một điều không khó để nhìn thấy là càng lên bậc học cao thì ý thức văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên lại giảm đi. Theo khảo sát, chia sẻ từ nhiều trường ĐH ở TPHCM đều chỉ ra văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng của sinh viên hiện nay rất đáng ngại. Ăn mặc thiếu văn hóa, chen lấn không xếp hàng, ăn uống trong lớp, ứng xử "thô bạo" với cảnh quan công cộng... là thực trạng tồn tại trong sinh viên.

Nhiều sinh viên ngộ nhận "bình đẳng" trong mối quan hệ với giảng viên là sự ngang hàng, từ đó họ thể hiện cái tôi không phù hợp, thiếu tôn trọng, lễ phép với người thầy.

Giáo viên phải không ngừng học

Chia sẻ với những khó khăn của giáo viên, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) cho hay, tiếp xúc với giáo viên, bà thấy rõ, nhiều người rất bức bối với công việc, nhất là giáo viên phổ thông trong hệ thống trường công. Quá nhiều thứ đổ lên đầu họ, từ quản lý, chương trình, thành tích, chỉ tiêu, kỷ luật..., họ không được tôn trọng.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, tâm lý học trò ngày nay rất phức tạp, mối tương quan thầy trò thay đổi rất nhiều. "Nhất quỷ nhì ma" không phải tinh nghịch thông thường như trước đây mà nhiều học trò hiện nay thể hiện sự thiếu tôn trọng, xúc phạm thầy cô giáo... Tất cả các áp lực đẩy giáo viên vào trạng thái căng thẳng.


Sự việc cô giáo ở TPHCM lên lớp nhiều tháng không giảng bài là một ví dụ cho thấy mối quan hệ thầy trò hiện nay có nhiều bất ổn.

Sự việc cô giáo ở TPHCM lên lớp nhiều tháng không giảng bài là một ví dụ cho thấy mối quan hệ thầy trò hiện nay có nhiều bất ổn.

Quan niệm nghề giáo là một nghề an nhàn, học vài năm dùng cả đời đã không còn phù hợp. Theo bà Thúy, người thầy ngày nay phải không ngừng học, không chỉ về kiến thức, phương pháp sư phạm mà còn kỹ năng ứng xử, giao tiếp với học trò. Khi tiếp cận với các phương pháp sư phạm tích cực, người thầy sẽ thấy yêu quý, hạnh phúc với công việc hơn, tránh được những tình huống lúng túng trong giao tiếp với học trò.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) bày tỏ nghề nào cũng có áp lực, cũng có khó khăn, lựa chọn theo nghề nào đó hoàn toàn là quyết định cá nhân. Mỗi người thầy cần xem bản thân mình có yêu thích, có phù hợp, có năng lực với công việc nghề giáo hay không. Nếu thấy bản thân không đủ phẩm chất lẫn năng lực để làm tốt các yêu cầu của nghề thì hãy từ bỏ, chuyển sang nghề khác trước hết là tốt cho chính mình, sau đó tốt cho học sinh.

"Nếu thầy cô nào cảm thấy năng lực giáo dục học sinh của mình hạn chế mà vẫn mong muốn theo nghề vì yêu nghề, yêu trò thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ nguồn nào. Hiện không có rất nhiều các lớp học miễn phí, sách, tài liệu về kỷ luật tích cực, quản lý hành vi trẻ, giao tiếp với trẻ...", TS Thu Huyền chia sẻ.

Theo TS Đào Minh Hồng (ĐH KHXH&NV TPHCM), những bất ổn trong văn hóa ứng xử nói chung, trong đó có quan hệ thầy trò, trước hết là do chúng ta đang thiếu những quy tắc, nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong các đơn vị trường học, công sở và nơi công cộng. Theo bà, trách nhiệm của các nhà quản lý là phải tạo ra sự kết nối trong việc thực hiện các hành vi chuẩn mực có hệ thống từ bảo vệ, nhân viên, cán bộ, quản lý... cùng đảm bảo theo nguyên tắc như vậy. Qua đó, học trò sẽ học được và thực hiện theo những quy tắc ứng xử có văn hóa.

Hoài Nam