Dấu ấn 5 năm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
(Dân trí) - Tối 30/1/2021, Đại hội XIII của Đảng công bố danh sách các đại biểu trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong danh sách này không có tên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nỗ lực thực hiện nhiều đổi mới nâng chất lượng của ngành giáo dục với 7 kết quả nổi bật nhất nhưng cũng không ít hạn chế và bất cập. Cụ thể:
Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT cơ bản được hoàn thiện
Thời gian vừa qua, các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển GD&ĐT đã được thể chế hóa. Bộ GD&ĐT đã rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và đã trực tiếp ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ nhiều năm trước.
Trong đó, nổi bật là Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục 2019, tháo gỡ được những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở
Nếu như năm 2014 cả nước mới có 18 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì năm 2017 tất cả các địa phương đã hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh/thành phố đạt mức độ 3. Giáo dục trung học cơ sở đã đạt chuẩn phổ cập mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, đứng thứ 2 ASEAN (sau Singapore).
Đây là điểm sáng trong đổi mới giáo dục của nước ta và được các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, WB đánh giá cao.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ GDĐT đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực cùng với các địa phương chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định.
Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuyển từ truyền đạt nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học nên được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế, bất cập của chương trình hiện hành.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương phù hợp với xu hướng của nền giáo dục hiện đại, khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có những thành công bước đầu. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 05 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương lựa chọn sử dụng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục thực hiện chủ trương này, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành SGK; tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng SGK.
Đưa tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đi vào thực chất
Công tác thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục phổ thông được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực. Đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã khắc phục được cơ bản tình trạng học lệch, học tủ ở bậc phổ thông.
Việc tổ chức thi ngay tại địa phương, không phải tập trung về các thành phố lớn nhiều đợt như trước đây đã giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức thành công, tạo thuận lợi cho xét tuyển vào các trường ĐH/CĐ.
Sau 5 năm thực hiện, lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã đạt mục tiêu của Nghị quyết 29 đề ra. Phương thức và nội dung thi sẽ thực hiện ổn định trong giai đoạn 2021-2025, tạo được tâm lý yên tâm trong xã hội.
Giáo dục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Nhiều chỉ số về Giáo dục của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao: tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu khối ASEAN; chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam cũng đứng vào tốp đầu các nước ASEAN ở cả 3 năng lực: Đọc hiểu, Viết, Toán học;
Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đạt kết quả vượt trội so với kết quả trung bình của các nước OECD.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc, với 54 huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020, tăng gấp đôi số huy chương Vàng so với giai đoạn 2011-2015.
Đẩy mạnh tự chủ đại học
Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo được tăng cường trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai ĐHQG, hầu hết các trường đại học thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh mẽ trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo nên diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới.
Lần đầu tiên, Việt Nam có 04 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong các trường đại học.
Đến nay, đã có 60% các cơ sở đào tạo xây dựng các hoạt động định hướng khởi nghiệp và 40% các cơ sở đào tạo có cơ chế chính sách hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục
Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động dạy và học; dạy học qua internet, trên truyền hình được thực hiện mạnh mẽ, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục, nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, bị "đứt gãy" như một số nước đã gặp phải, trái lại "trong nguy có cơ", các hình thức giáo dục trực tuyến đã được thực hiện mạnh mẽ.
Theo báo cáo của OECD, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 trong năm 2020, cao hơn nhiều so với trung bình chung của các nước OECD, là 67,5%.
Kết quả này đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục trong thời gian đến.
Nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập
Tuy vậy, sau 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, bên cạnh kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sau: Chưa phân định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực quyền; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương.
Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội;
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn khó khăn, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp và vùng kinh tế- xã hội khó khăn; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn;
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm; chất lượng giáo dục đại học tuy được cải thiện đáng kể nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống của học sinh, sinh viên chưa được chú trọng đúng mức.
4 nhóm giải pháp
Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT tập trung vào 4 nhóm giải pháp chủ yếu, như sau:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường - Đây là giải pháp đột phá
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường; tăng cường phân cấp, ủy quyền; thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và các địa phương.
Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh kiện toàn Hội đồng trường đúng quy định về số lượng, chất lượng, cơ cấu và thành phần, bảo đảm thực quyền; thúc đẩy tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường.
Thứ hai, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục. Xây dựng cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.
Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số, xã hội số.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp
Các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, thiếu thiết bị dạy/học tối thiểu.
Thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, sư phạm bảo đảm gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu kinh tế số, xã hội số. Rà soát sắp xếp lại các đại học, trường đại học công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Hình thành một số đại học, trường đại học trọng điểm; khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống của học sinh, sinh viên
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sinh viên. Gắn đào tạo với thực tiễn và trải nghiệm sáng tạo. Hun đúc, khơi dậy khát vọng đất nước hùng cường cho thế hệ trẻ. Cân bằng việc "dạy chữ" và "dạy người", góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.