Đào tạo thạc sĩ: Nghịch lý trường tư tăng 70% học viên, trường công “hắt hiu”
(Dân trí) - Thống kê mới đây, số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ ở các trường công đang có xu hướng giảm ở mức 2% nhưng các trường tư thục lại tăng hơn 70%. Nếu các trường công không có sự đổi mới thì phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất thì xu hướng này sẽ còn tăng hơn.
Điều này được công bố trong Hội thảo khoa học công tác tuyển sinh sau ĐH - thực trạng và giải pháp diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngày 6/11.
3 năm chỉ tuyển được 1 học viên cao học
TS Dương Minh Quang, Phó trưởng khoa Giáo dục trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết, thống kê từ Bộ GD-ĐT trong năm học 2017-2018, số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ trên 45.000 người (tăng 7,6% so với trước đó). Đáng chú ý, ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập là trên 39.000 người (giảm 1,6% so với năm trước đó), trong khi cơ sở ĐH tư thục tăng trên 70% (với 5.763 người).
TS Dương Minh Quang cho rằng số lượng học viên cao học tăng mạnh ở các cơ sở giáo dục tư thục và giảm ở các cơ sở công lập cho thấy sự cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở công lập. (Ảnh: Mạnh Khang)
Từ số liệu này, ông Quang cho rằng: “Đây là điều đáng báo động và sự cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở công lập. Do đó, các trường công cần chủ động và linh hoạt hơn trong công tác tuyển sinh sau ĐH”.
Cũng theo ông Quang: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hiện có 29 ngành đào tạo thạc sĩ, 15 ngành tiến sĩ trong nước và 2 chương trình thạc sĩ liên kết với nước ngoài. Tuy nhiên, theo thống kê của phòng sau ĐH trường này, một số ngành đang gặp khó khăn trong tuyển sinh trình độ thạc sĩ.
Cụ thể, trong năm 2016 và 2018 số lượng trúng tuyển như nhau (343 người) và tăng nhẹ lên 403 người vào 2017 do mở rộng tuyển sinh thạc sĩ tại Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM ở Bến Tre. Trong đợt 1 năm nay trường mới chỉ tuyển được 198 người.
Mặc dù nhìn vào số liệu này vẫn thấy trường đang duy trì số lượng nhưng nhiều ngành khó khăn, một số ngành đang có dấu hiệu sụt giảm số lượng trúng tuyển. Hiện lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh là ngành học được lựa chọn nhiều qua các năm, quan hệ quốc tế tăng liên tục về số người trúng tuyển.
Trong khi đó, nhìn vào số liệu thống kê từ phòng sau ĐH của trường này có thể thấy trên 10 ngành có số thí sinh trúng tuyển trình độ thạc sĩ dưới 10 người/năm, nhiều ngành chỉ có 1-3 học viên. Đáng chú ý, ngành khảo cổ học 2 năm liên tục 2016 và 2017 không có thí sinh trúng tuyển trình độ thạc sĩ, năm 2018 có 2 người. Ngành Dân tộc học cũng tương tự khi năm 2016 chỉ tuyển được 1 người, 2 năm kế tiếp và đợt 1 năm nay chưa có thí sinh trúng tuyển. Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường trong 2 năm 2016 và 2017 chỉ tuyển được 7 người, năm kế tiếp không có người trúng tuyển.
Trong năm 2019, sau đợt 1 số người trúng tuyển chỉ 0-1 học viên như: Ngôn ngữ Nga, Lý luận văn học, Nhân học, Ngôn ngữ Pháp, Hán Nôm…
Thạc sĩ Phạm Trường Thọ, Phó trưởng phòng Sau đại học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng dự tuyển đầu vào sau đại học ở trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dưới 1.000 người, giảm mạnh so với khoảng 10 năm trước đó (duy trì khoảng 1.500 người mỗi năm).
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía trường, ông Thọ cho rằng ngày càng nhiều đại học mở đào tạo sau đại học, nhiều nơi chạy theo lợi nhuận, chú trọng thu hút thí sinh mà không quan tâm chất lượng. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh sau đại học.
Không đánh đổi chất lượng cho số lượng
Tại hội thảo, nhiều giảng viên và chuyên gia đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh sau đại học, trong đó chất lượng đầu ra của học viên được xem là kênh quảng bá tốt nhất cho các trường. Đồng thời, các trường đại học phải đẩy nhanh tự chủ, nhất là tự chủ học phí để giúp việc tuyển sinh ở các địa phương dễ dàng hơn, cơ sở vật chất được nâng cao.
Các chuyên gia đề xuất các giải pháp thu hút tuyển sinh sau đại học
Theo ông Dương Minh Quang, hầu hết đại học tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD-ĐT với hình thức phải thi tuyển, rất khó. Trong khi đó, một số trường đại học lớn ở Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan xét tuyển hồ sơ qua đăng ký trực tuyến và phỏng vấn. Các trường ở Anh, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển không yêu cầu thi mà xét tuyển dựa trên hồ sơ. Chưa kể các trường đại học nước ngoài có nhiều chính sách hỗ trợ chi phí học và sinh hoạt với nhiều đãi ngộ trong khi chính sách ở các trường trong nước chưa hấp dẫn.
TS Hà Trọng Thà, trường ĐH An ninh nhân dân cũng chỉ ra sự cạnh tranh khá gắt khi nhiều trường ĐH khác tràn vào liên kết từ tỉnh, xuống huyện để mở lớp cao học. Do đó, các trường như trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cũng phải thay đổi nguồn tiếp cận đến với người học. Tuy nhiên không nên hạ thấp đầu vào vì nếu giảm chất lượng thì còn gì là thương hiệu, uy tín của trường nữa.
TS Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Sau đại học của trường ĐH Khoa học xã họi và nhân văn TPHCM cũng cho rằng, không thể đánh đổi số lượng tuyển sinh lấy chất lượng đào tạo. Đầu vào của tuyển sinh sau đại học cần được xác định trước hết từ những sinh viên đã tốt nghiệp ở trường.
Ông Thắng đề xuất, quá trình học cũng phải thay đổi, tăng tính gắn kết giữa học viên với trường, khoa trong nghiên cứu khoa học. Hiện nay, học viên vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc, làm việc với giảng viên nhiều. Đồng thời, chương trình đào tạo sau đại học cũng được đề xuất được cập nhật liên tục so với thị trường lao động, theo kịp sự biến đổi xã hội.
Lê Phương