Đào tạo POHE: Giải pháp nhân lực cho doanh nghiệp
Nhằm khuyến khích xây dựng và chia sẻ thực tiễn hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức "Diễn đàn đối tác hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trong đào tạo POHE".
PGS.TS. Vũ Văn Liết - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đánh giá việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường mà còn của chính các doanh nghiệp.
Lao động dư thừa - doanh nghiệp vẫn kêu thiếu
Với cơ cấu dân số trẻ, số người thuộc độ tuổi lao động chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu dân số, Việt Nam có một thế mạnh rất lớn để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên lợi thế và tiềm năng của lực lượng lao động. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy trình độ và cơ cấu lao động ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Về mặt tổng thể, hiện trạng dư nguồn cung lao động vẫn rất phổ biến. Đồng thời, sự thiếu hụt của lực lượng lao động trình độ cao, được đào tạo bài bản và có chuyên môn vững vàng cũng gây nên nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nguồn lao chất lượng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc tập đoàn Tâm Hoàng Việt cho biết: Hiện doanh nghiệp của ông hàng năm cần tuyển dụng hơn 100 nhân viên nhưng đối tượng là sinh viên mới ra trường chỉ tuyển được khoảng 20 em. Bởi đa số sinh viên khi ra trường còn chưa biết mình phải làm gì và thiếu rất nhiều các kỹ năng làm việc cần thiết.
Điều này một mặt là do khoảng cách giữa đào đạo tại nhà trường và nhu cầu doanh nghiệp còn quá lớn, mặt khác do các trường đại học còn thiếu liên kết chặt chẽ đối với các doanh nghiệp, chưa nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Đào tạo POHE - lợi ích song hành
Trong khi các cơ quan quản lý giáo dục còn đang loay hoay với bài toàn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của các cơ sở tuyển dụng lao động thì đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE) là giải pháp được coi là hiệu quả đáp ứng được lợi ích của cả doanh nghiệp và nhà trường.
TS. Trần Thị Minh Hằng - Phó Trưởng khoa Nông học, Điều phối viên của Dự án POHE 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Đào tạo POHE là phương pháp áp dụng cách tiếp cận tích hợp giữa đào tạo kiến thức với rèn luyện kỹ năng và gắn liền với thực tiễn lấy sinh viên làm trung tâm, theo đó thị trường lao động sẽ tham gia trưc tiếp vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ nối tiếp và tìm hiểu, tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho chính cơ sở của mình.
Với việc tham gia vào đào tạo sinh viên, doanh nghiệp sẽ được cung cấp nguồn nhân lực lao động theo thời vụ, được nhà trường tư vấn về lĩnh vực chuyên môn cũng như có cơ hội tuyển dụng nhân sự cps năng lực tốt, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại khi mới tuyển dụng những sinh viên này.
Ông Đàm Quang Thắng – Tổng giám đốc Agricare Việt Nam đánh giá đây là phương pháp tốt cần nhân rộng và triển khai rộng rãi trên cả nước và phải sự vào cuộc cũng như ủng hộ mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp vì điều này không chỉ phục vụ cho sự nghiệp đào tạo mà còn phục vụ cho lợi ích của chính doanh nghiệp sau này.
Theo Báo Diễn Đàn doanh nghiệp