Đào tạo ‘nhân tài’ ngay từ lớp 1

Con bé nhà chú út tôi năm nay tròn 6 tuổi, nghĩa là tháng 9 này nó vào lớp 1. Hai vợ chồng chú công việc ổn định, kinh tế dư dả, vậy mà chỉ đẻ mỗi đứa. Ông bà nội ngoại thuyết phục thế nào cũng kiên quyết không đẻ thêm với lý do, thà đẻ một đứa nuôi dạy thành người còn hơn nhiều con mà không lo được cho chúng nó đến nơi đến chốn.

Và cái việc lo "đến nơi đến chốn" được khởi động ngay từ thời điểm này. Đang học mẫu giáo nhưng tuần 2 buổi, em dâu tôi thuê một gia sư đến dạy chữ cho nó. Tháng sau, khi học sinh nghỉ hè sẽ là 5 buổi/tuần để bước vào năm học mới, con bé sẽ đọc thông viết thạo, không thể thua kém bất kỳ bạn nào trong lớp.

Nghe xong kế hoạch đào tạo "nhân tài" của em dâu, tôi phì cười: "Nó là trẻ con, học hành là cần thiết, nhưng anh nghĩ cháu cần có thời gian vui chơi với bạn bè. Suốt ngày ôm sách vở thế, anh lo cháu cận sớm và đâu phải cứ nhồi nhét là nó trở thành học sinh giỏi". Em dâu nhìn tôi cười: "Chúng nó bây giờ phải học, học, học. Không học là thua bạn bè ngay nên em phải rèn thành nếp từ bé kẻo sau này uốn không kịp".

Lần nào đến chơi, tôi cũng thấy con bé cắm mặt vào quyển vở, nắn nót từng hàng chữ. Thấy tôi, nó ngước cặp mắt vô hồn lên, miệng chào lí nhí rồi lại cúi xuống với từng con chữ. Tôi nhìn nó chỉ biết chép miệng. Gần 6 tuổi mà nhìn nó gầy tong teo, da xanh tái, áo quần lụng thụng, cân cả quần áo chắc nặng chưa đến 20 kg.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Cứ cái đà này không biết vào lớp 1 nó còn phải chịu thêm áp lực nào nữa. Mà nghe nói vợ chồng chú em cũng đã bỏ ra hơn một nghìn USD để chạy cho con vào một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội. Theo lời chú ấy thì phải vào những trường danh giá như thế thì mới có môi trường giáo dục đặc biệt, trẻ con mới phát huy tối đa những ưu điểm của mình.

Một lần sang Hà Lan công tác, tranh thủ ngày nghỉ, tôi ghé chơi nhà người bạn sống ở thành phố Den Haag, cách thủ đô Amsterdam hơn giờ chạy xe. Đang uống nước ngoài sân, cậu con trai học lớp 5 ra chào tôi rất to để đến trường. Tôi kéo cháu lại gần tranh thủ hỏi chuyện, cháu kể: Hôm nay cháu có 3 giờ học buổi sáng là đọc sách trong thư viện, tập kịch và… bơi.

Mỗi tuần có hai ngày chơi như vậy. Buổi chiều là giờ thể dục, bạn nào thích môn gì thì học môn đó. Mẹ cháu ngồi bên kể cho tôi nghe một chuyện khá thú vị: Hồi cháu lớp 1, một lần cô giáo cho 3 bài tập toán về nhà. Thấy cháu làm chưa đến 15 phút là xong, mẹ cháu yêu cầu làm thêm 5 bài nữa khó hơn rồi mới cho đi chơi. Sáng hôm sau, cô giáo gọi cháu lên bảng chữa bài về nhà.

Kiểm tra vở bài tập, cô rất ngạc nhiên khi cháu làm thêm những bài cô không giao, thế là cô gọi điện đến nhà mời mẹ cháu đến trường. Gặp phụ huynh, cô tỏ ra khá gay gắt khi cho rằng mẹ cháu đã "can thiệp" quá sâu vào việc giáo dục của nhà trường, rằng cô giao cho học sinh làm bao nhiêu bài tập đều có tính "mục đích" của nó. Thậm chí, cô còn nâng quan điểm, cho rằng mẹ cháu đã "phá hoại" nền giáo dục của họ và yêu cầu cam kết lần sau không được "tái phạm"…

Tôi không có ý so sánh nền giáo dục của mỗi quốc gia bởi xét về mục đích của giáo dục là như nhau, nhằm trang bị cho những chủ nhân tương lai của đất nước mọi kiến thức hoàn thiện nhất. Nhưng rõ ràng, phương pháp giáo dục đã có sự "vênh" nhau và tất nhiên, nếu có hậu quả xảy ra thì các em học sinh lĩnh đủ.

Còn bạn, bạn có thấy cần thiết phải nhồi nhét cho con hết mấy cuốn sách Tiếng Việt trước khi con bạn chuẩn bị vào lớp 1 không?

Theo Cảnh sát toàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm