An Giang:

Đào tạo 4 nghề trọng điểm để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trường Cao đẳng nghề An Giang đang đầu tư đào tạo 4 nhóm nghề trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh nhà và đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

Ngày 18/12, Trường Cao đẳng nghề An Giang tổ chức chương trình Tư vấn hướng nghiệp và nhu cầu nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đào tạo 4 nghề trọng điểm để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập - 1

Cao đẳng nghề An Giang tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (Ảnh: CTV).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của tỉnh nhà, nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp, các trường đào tạo của Đức để xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận thực tế sản xuất và tiệm cận các nước tiên tiến.

Trường còn liên kết với nhiều đơn vị dịch vụ để tiến tới đưa sinh viên đi các nước khác làm việc dưới hình thức tu nghiệp sinh, hiện đang đặt mục tiêu vào các nước Đức, Nhật, Hàn Quốc…

Dù Cao đẳng Nghề An Giang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cấp hơn 50 mã ngành đào tạo nhưng hiện nhà trường đang đầu tư vào 4 nghề trọng điểm là công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cơ điện tử và điện lạnh.

Đây là 4 nhóm nghề có nhu cầu nhân lực rất cao trong thời điểm hiện tại, không chỉ cho nhu cầu nhân lực trong tỉnh mà còn của cả khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, các khu đô thị lớn như TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Đào tạo 4 nghề trọng điểm để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập - 2

An Giang đẩy mạnh đào tạo 4 nghề trọng điểm (Ảnh: CTV).

Tham dự chương trình, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM, chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực, khẳng định: "Toàn bộ An Giang và đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu hụt nguồn nhân lực lớn".

Thiếu hụt ở đây là thiếu nhân lực đã trải qua đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật, tài chính ngân hàng và các ngành nghề kỹ thuật cao.

Theo ông, sau Covid-19, kinh tế đang phục hồi, nhu cầu nhân lực để phục vụ sản xuất tăng cao và nổi bật lên nghịch lý là lao động không có nghề thì thiếu việc làm, nhiều người thất nghiệp; trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu nhân lực có trình độ và kỹ năng phù hợp.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: "Nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp đang tăng, hiện đang chiếm tỷ lệ hơn 50%. Nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp đang giảm dần, nhu cầu lao động không có nghề thì đang triệt tiêu, tiến tới là không còn".

Đào tạo 4 nghề trọng điểm để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập - 3

Liên kết với các trường đại học quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến (Ảnh: CTV).

Ông cũng dự báo các ngành nghề sẽ chiếm tỷ trọng cao trong nhu cầu nhân lực tương lai là cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ ô tô, điện- điện tử, công nghệ hàn, xây dựng công nghệ cao, đồ họa, du lịch tâm linh, nhà vườn, công nghệ sinh học, thú y, chăm sóc sức khỏe…

Do đó, ông đánh giá cao chủ trương tập trung đào tạo 4 nhóm nghề trọng điểm của An Giang, gắn rất sát với nhu cầu nhân lực quốc tế, trong nước, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và tỉnh nhà.

Ông Tuấn cho rằng: "Lao động sắp tới phải tiến đến cạnh tranh cùng quốc tế. Thời kỳ của các em trẻ hiện nay là thời kỳ công dân toàn cầu, thời kỳ lao động làm sao có kiến thức, năng lực cạnh tranh được với lao động quốc tế".

Cũng tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, trong 3 năm gần đây, tình hình học sinh chuyển sang học nghề bắt đầu phát triển, các trường nghề thu hút khá nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp THCS.

Trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2021, mỗi năm có hơn 3.000 học sinh theo học nghề. Đến năm học 2022-2023 tăng lên 5.000 học sinh.

Theo ông Khánh, loại hình đào tạo kết hợp giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDTX) phù hợp với các em học sinh không có điều kiện lên trung học phổ thông (THPT).

Đào tạo 4 nghề trọng điểm để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập - 4

An Giang tổ chức hướng nghiệp cho học sinh (Ảnh: CTV).

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang nói: "Các em thi không đậu trường công hoặc không đủ điều kiện kinh tế có thể chuyển sang học nghề. Các em nỗ lực 3 năm, khi ra trường vừa có bằng tốt nghiệp GDTX, vừa có bằng tốt nghiệp nghề".

"Chương trình GDTX 7 môn cơ bản với chương trình tinh giản hơn THPT (10 môn) nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản. Sau khi học nghề xong, các em muốn học lên đại học thì bằng GDTX vẫn có giá trị pháp lý như bằng chính quy", ông Khánh cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang cũng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, nhà trường đang chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang tín chỉ để người học thuận tiện hơn. Đồng thời, Cao đẳng Nghề An Giang tập trung đào tạo liên thông trung cấp, cao đẳng, lên đại học nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao trình độ của nhân lực.

Ông Hải cho biết, học sinh tốt nghiệp THCS có thể bắt đầu học nghề. Các em có lợi thế là được nhà nước hỗ trợ kinh phí học nghề. Em nào muốn liên thông lên cao đẳng thì chỉ cần học chương trình THPT 4 môn. Em nào muốn học lên đại học thì học chương trình văn hóa GDTX 7 môn tại Trung tâm GDTX Châu Thành. Đồng thời, trường cũng liên kết với nhiều trường đại học tại An Giang và TPHCM để thuận lợi cho học sinh học liên thông lên đại học.