Bạn đọc viết:
Đánh giá con qua điểm số: Xin đừng làm tổn thương con trẻ!
(Dân trí) - Xung quanh chúng ta là những đứa trẻ vẫn luôn đặt nhiệm vụ học tập lên hàng đầu. Phụ huynh vẫn mang nặng tư tưởng đánh giá năng lực của con thông qua điểm số, thành tích. Tôi cũng đã từng là một đứa trẻ bị bố mẹ so sánh điểm số với bạn bè và áp lực trong tôi lớn vô cùng.
Tôi vẫn nhớ như in năm học lớp 1 với cách đánh giá, xếp loại hàng tháng ngày xưa. Tháng đầu tiên tôi hớn hở về khoa bố mẹ vị thứ 2 của mình trong lớp và được thưởng một chiếc cặp mới tinh. Đó là món quà quý giá nhất mà bất cứ đứa trẻ nào cũng ao ước, khao khát trong giai đoạn đất nước chuyển mình đầy khó khăn đầu những năm 90.
Thế rồi, tháng thứ hai tôi tụt xuống vị thứ 9. Và “phần thưởng” lần này là một trận đòn vào mông. Trận đòn ấy lại không đau bằng lời khẳng định của bố tôi: “Đứng thứ 9 là đội trên đầu 8 cái ghế của 8 đứa!”. Câu nói có phần mỉa mai, đay nghiến ấy đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh tôi.
Bố tôi rất thương con nhưng lại cực kỳ nghiêm khắc trong việc học hành của con. Cũng như bao bậc phụ huynh khác, niềm mong mỏi con học hành giỏi giang, thành đạt luôn chiếm ngự tâm trí. Và sự so sánh thành tích theo kiểu “con nhà người ta” là lẽ tất nhiên.
Nhưng bố tôi đâu có biết con mình đã phải vất vả, nhọc nhằn học tập thế nào để luôn là niềm tự hào của gia đình. Sự tổn thương sau những lời chê bai của bố cứ âm ỉ mãi trong tôi. Sự mặc cảm, tự ti khi bị đem so sánh với chúng bạn đứng vị thứ cao hơn luôn nhen nhóm trong tôi.
Và dần dà, giữa bố con tôi có một khoảng cách vô hình ngăn cách từ lúc nào chẳng biết. Từ sâu trong tâm khảm của mình, tôi vẫn luôn ao ước “giá như bố mình là bố bạn A, bạn B,… không quá coi trọng điểm số, thành tích” để tôi có thể hồn nhiên lớn lên như bao đứa trẻ khác.
Giờ đã trưởng thành, chín chắn hơn xưa rất nhiều, tôi biết thương bố hơn và thấu hiểu tấm lòng của bố mẹ muốn con nên người. Nhưng mỗi khi đối diện với vết thương lòng ngày xưa, lòng tôi vẫn đau âm ỉ.
Bởi vậy, mong rằng mỗi phụ huynh khi đối diện với điểm số của con trẻ, đừng quá đề cao thành tích để rồi những lời so sánh, chê bai, miệt thị vô tình tuôn ra dội thêm áp lực lên đôi vai của trẻ!
Hàng năm, vào mùa tuyển sinh đại học, có biết bao thí sinh thấp thỏm lo âu với kết quả thi và nguyện vọng xét tuyển đại học của mình. Rồi sẽ có vô số sĩ tử bước tiếp trong niềm vinh quang tiến vào cổng trường đại học nhưng cũng không ít bạn trẻ đành ngậm ngùi xếp lại giấc mơ đại học.
Trượt đại học đã là một nỗi đau không nhỏ trong lòng các con. Xin bố mẹ đừng khoét thêm niềm đau ấy bằng những lời chất vấn, dằn vặt, mỉa mai của mình. Ngay cả tiếng thở dài bố mẹ vô tình buông ra thôi cũng đủ làm đôi vai trẻ chùng xuống và cõi lòng nặng trĩu ưu sầu…
Mỗi đứa trẻ sở hữu một năng lực có hạn, không có cơ sở nào để chúng ta ép buộc con phải giỏi đều tất cả các môn, xuất chúng ở mọi lĩnh vực, thành công ở mọi thời điểm. Đồng hành cùng con để khơi dậy tiềm năng của trẻ là niềm hạnh phúc của bố mẹ. Và càng đáng quý hơn nữa nếu bố mẹ biết nâng đỡ trẻ đứng dậy sau vấp ngã bằng tình yêu thương và sự sẻ chia, đồng cảm.
Mọi thành tích, điểm số vẫn chỉ là “chiếc áo” tạm thời khoác lên người con trong thời khắc này, khoảnh khắc kia. Xin đừng bao giờ ép trẻ phải mặc chiếc áo quá rộng so với năng lực cá nhân!
Nguyễn Ngọc
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!