“Đàn con đặc biệt” của cô giáo Hà thành ở miền sơn cước

(Dân trí) - “Các con đặc biệt lắm, con thì không nghe được, con lại chậm hiểu, con thì đi lại khó khăn… nhưng con nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời và luôn cố gắng học tập”, cô Dương Liên tâm sự.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội, Dương Liên (sinh năm 1987) cứ tưởng mình sẽ gắn bó, xây dựng sự nghiệp suốt đời ở đây nhưng cái duyên lại đưa chị đến với Lai Châu - nơi địa đầu Tổ quốc, xa xôi lắm nhưng cũng thân thiết lắm.

Cô giáo trẻ chia sẻ: “Lập gia đình tại Lai Châu với người chồng là cán bộ công chức nhà nước, có một cô công chúa nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu, tôi có lẽ là người hạnh phúc nhất, nhưng hạnh phúc hơn nữa khi tôi có một đàn con đến mấy chục đứa”.

Đàn con đặc biệt Dương Liên nhắc đến chính là những đứa trẻ khuyết tật - học trò của chị.


Cô giáo Dương Liên xuống thủ đô nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục trẻ khuyết tật năm học 2017-2018. (Ảnh: Lệ Thu)

Cô giáo Dương Liên xuống thủ đô nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục trẻ khuyết tật năm học 2017-2018. (Ảnh: Lệ Thu)

Khi Liên học lớp 12, nhà trường mời các bạn khuyết tật đến biểu diễn văn nghệ, Liên đã cảm phục rơi nước mắt. Lúc đó cô học trò đã nhen nhóm mơ ước sau này được trở thành một cô giáo dạy trẻ em khuyết tật.

Và không lâu sau đó, cô đã nhanh chóng đăng kí nguyện vọng đại học thi vào khoa Giáo dục đặc biệt. Sau bao nhiêu năm miệt mài học tập và rèn luyện, Liên đã thực hiện được ước mơ của mình - làm một cô giáo dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu.

Đàn con nhỏ đặc biệt của cô giáo Dương Liên chính là những học trò khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu.
Đàn con nhỏ đặc biệt của cô giáo Dương Liên chính là những học trò khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu.

Cô giáo trẻ tâm sự, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu mới được thành lập từ năm 2010 đến nay. Không nằm ngoại lệ khó khăn nhiều mặt của một tỉnh miền núi nghèo, sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật nơi đây gặp vô vàn khó khăn,

Để cải thiện cơ sở vật chất, Trung tâm đã nỗ lực xin tài trợ xây được 4 lớp học với các đồ dùng học tập cơ bản như: bút, sách, vở. Tuy vậy, dạy trẻ khuyết tật cần nhiều đồ dùng trực quan nên trung tâm không đủ kinh phí để đáp ứng được. Do đó, cô Liên cùng các giáo viên ở đây tự làm, tự sáng tạo đồ dùng học tập để phù hợp với bài dạy của mình.

Hơn nữa, các trẻ hầu hết là con em người dân tộc thiểu số. Bố mẹ các em không biết đến cụm từ “giáo dục đặc biệt”, không hiểu rằng rất cần sự phối hợp của gia đình với nhà trường trong dạy trẻ khuyết tật.

“Nếu mọi người có hỏi con cháu của anh chị học có tiến bộ không? Phụ huynh sẽ nói luôn là “không biết đâu”… Họ mang con đến trung tâm học với tiêu chí “Con tao có ăn, có mặc đầy đủ, có tiền mang về càng tốt”, ngoài ra vấn đề khác không biết.

Có trẻ 14 tuổi mới học kỹ năng cầm bút, có trẻ đến trung tâm chưa biết đánh răng như thế nào…
Có trẻ 14 tuổi mới học kỹ năng cầm bút, có trẻ đến trung tâm chưa biết đánh răng như thế nào…

Trách họ thế nào đây khi cái nghèo bám riết cuộc sống của người dân nơi dây, cơm không đủ ăn, quần áo không có để mặc. Họ không lo nổi cho con mà lại đẻ nhiều con, huống chi những đứa con đấy còn không lành lặn, không chăn được con trâu giúp bố mẹ… Bởi vậy, chỉ cần có chỗ nuôi nó tốt hơn thì bố mẹ đâu nghĩ ngợi gì nhiều, còn chuyện học hành, “cô giáo cho nó biết được cái chữ thì tốt cho nó thôi”. Vậy nên các cô giáo dạy được những kiến thức, kỹ năng năng gì thì sau hơn 2 tháng trẻ về nhà nghỉ hè gần như rơi vãi gần hết”, cô giáo Liên tâm sự.

Cô giáo Dương Liên tận tình hướng dẫn học trò những kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt thường ngày.
Cô giáo Dương Liên tận tình hướng dẫn học trò những kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt thường ngày.

Mặc dù trẻ khiếm thính được phát hiện từ nhỏ nhưng phải đến 7-8 tuổi, bố mẹ mới đưa các con vào trung tâm. Có bố mẹ muốn trẻ ở nhà để giúp gia đình. Thậm chí, có cháu học đến lớp 7-8 mà không biết chữ nào thì gia đình mới đưa vào trung tâm…

Cô Liên chia sẻ: “Vậy nên rất khó khăn cho thầy cô khi bắt đầu can thiệp dạy trẻ. Có trẻ 14 tuổi mới học kỹ năng cầm bút, có trẻ đến trung tâm chưa biết đánh răng như thế nào, không biết đi vệ sinh trong bồn cầu, không hiểu tiếng phổ thông…

Rất nhiều khó khăn chồng chất, có thời điểm, 1 cô dạy 18 trẻ một lớp nên có lúc thật sự không biết là chúng tôi có dạy hiệu quả đến mức nào nữa”.

Khó khăn là vậy nhưng những thầy cô ở miền sơn cước vẫn tận tâm, nhiệt huyết và cống hiến không ngừng. Điều kiện để đi học nâng cao trình độ hạn chế, ngoài kiến thức vốn có, cô Liên thường xuyên làm bạn với anh “Google” để giải quyết khó khăn; có lúc lại học lỏm mấy đứa bạn giáo viên tỉnh khác.

Cô Liên kể rằng, khó khăn lớn các thầy cô nơi đây cũng chính là vượt qua được chính mình: “Có những lúc bế tắc, cô trò học không hiệu quả, những lúc không thể hiểu được ý nghĩ, hành vi của trẻ… những lúc strees đó chỉ muốn bỏ nghề, buông xuôi, nhưng những ánh mắt ngây thơ, những tiếng cười đùa giòn tan của các bạn ý mặc dù vừa bị cô mắng lại thức tỉnh một cô giáo như tôi, tự nhủ “bình tĩnh lại sẽ có cách giải quyết…” . Thế là cô - trò lại dắt tay nhau qua những khó khăn”.

Khó khăn thì còn nhiều nhưng trong khó khăn cô giáo 8X lại thấy thầy nghị lực hơn, trò nghị lực hơn. Đấy có lẽ cũng chính là thuận lợi.

Cô trò luôn nắm tay nhau cùng cố gắng nên có những bạn cũng đã biết đọc chữ sau 2 năm học tập, có bạn ra học được trường học phổ thông bên ngoài và được các cô giáo khen rất cố gắng, có bạn tiến bộ nhiều trong các kỹ năng, có bạn đã thành thợ cắt tóc rất chuyên nghiệp sau khi học hết lớp 5, còn có những bạn đã lập gia đình và quay lại mời các cô, biết cảm ơn các cô… Còn niềm vui nào to hơn, nguồn động viên nào lớn hơn khi các con của mình phát triển.

Hạnh phúc lớn của cô Dương Liên chính là công tác giáo dục trẻ đặc biệt ở trung tâm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, lãnh đạo Sở và sự đồng lòng, đoàn kết của ban giám đốc và toàn thể các thầy cô trong trung tâm.

“Nhiều khi giáo viên như chúng tôi không cần quà to - quà nhỏ, chỉ cần một lời động viên nhỏ đã tiếp thêm sức mạnh lớn để vượt qua khó khăn rồi.

Thật vậy đấy, có những khi phụ huynh đến đón con về và đưa con lên lại cho cô ít quà của nhà: 2 cái bánh. Rồi thì có phụ huynh đùm quà rất kỹ - mở ra là 3 quả trứng gà (không có để ăn nhưng dành để biếu cô). Ấm lòng lắm, chỉ cần như vậy - nơi đây đã chính thức là quê hương thứ hai của tôi từ bao giờ”, cô Liên xúc động kể lại.

Với những nỗ lực, cống hiến không ngừng, cô Dương Liên vinh dự giành nhiều danh hiệu trong công tác: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2016 kèm giấy khen của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2017 kèm giấy khen của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu 2018. Vừa qua, cô Liên cũng là 1 trong 48 giáo viên tiêu biểu toàn quốc được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì cống hiến xuất sắc trong giáo dục trẻ đặc biệt.

Cô giáo trẻ nhiều lần đạt các danh hiệu nhờ thành tích trong công tác, giảng dạy.
Cô giáo trẻ nhiều lần đạt các danh hiệu nhờ thành tích trong công tác, giảng dạy.

Với cô giáo Dương Liên, nghề giáo luôn là một nghề cao quý và “nghề giáo dục trẻ đặc biệt” có lẽ sẽ được quan tâm hơn chút vì nó còn non trẻ, còn nhiều mảnh ghép cần được hoàn thiện.

“Nghề dạy trẻ đặc biệt này là một nghề vinh quang, do đó để trở thành một người thầy giáo chân chính, tôi cũng như đồng nghiệp của mình luôn phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình và phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức.

Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai đặc biệt của đất nước. Một nghề nghiệp mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò.

Dù qua bao tháng năm miệt mài trên từng trang giáo án nhưng chúng tôi vẫn tự hào, lạc quan, luôn có niềm tin yêu vào cuộc sống, vào nghề giáo này”, cô giáo trẻ chia sẻ.

Lệ Thu