Dân chủ trong trường học: Giáo viên đúng sai gì cũng... im!

(Dân trí) - Sự “thao túng” của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) trong vụ việc chấn động dư luận vừa qua làm nhiều người phải đặt ra câu hỏi về tính dân chủ trong trường học, nhất là việc bị chèn ép và sự im lặng của người thầy.

Mới đây, tại buổi làm việc Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến cách hành xử của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội ngoài vấn đề về đạo đức còn thể hiện tình trạng vi phạm dân chủ nghiêm trọng.

Lãnh đạo ngang nhiên "mượn danh" tập thể bảo vệ cái sai

Sự việc ở Trường Nam Trung Yên, khi phụ huynh học sinh yêu cầu làm rõ nguyên nhân con mình bị gãy chân, nhà trường đã “đáp trả” bằng kết quả khảo sát 100% giáo viên, nhân viên trong nhà trường trả lời... đúng với ý của hiệu trưởng.

Thông tin dối trá, bịa đặt nhưng thời điểm đó lãnh đạo nhà trường ngang nhiên cam đoan những điều trong báo cáo hoàn toàn đúng sự thật. Dường như hiệu trưởng thừa tự tin rằng sẽ không ai trong tập thể hàng trăm con người dưới sự quản lý của mình dám có tiếng nói khác - dù là là tiếng nói của sự thật.

Giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội trong buổi họp công bố cách chức hai lãnh đạo của trường (Ảnh: Mỹ Hà)
Giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội trong buổi họp công bố cách chức hai lãnh đạo của trường (Ảnh: Mỹ Hà)

Gần hai tháng sau, khi sự việc có những biến mới, nhiều giáo viên trong trường cùng lên tiếng phản đối ban giám hiệu, nhiều vấn đề vi phạm dân chủ đổ bể. Như nhiều giáo viên không tham gia điền vào phiếu khảo sát, thông tin cũng mập mờ khi nhiều người tưởng đó là phiếu phục vụ công tác đảm bảo an toàn trường học chứ không biết nó mang động cơ khác; rồi báo cáo của nhà trường nhân danh tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường...

Thêm thông tin từ nội bộ, liên quan đến sự việc ban giám hiệu chỉ gặp những người “thân thiết”, Hiệu phó nhà trường gặp một nhóm giáo viên “phe cánh” để vận động ký vào thư nhỏ xin minh oan và giữ lại cô hiệu trưởng. Còn những nhóm không “thân tín” thì bị bỏ qua, không được hỏi ý kiến.

Giáo viên sợ nói lên ý kiến

Phó Thủ tướng Võ Đức Đam cũng nhận cách hành xử của hiệu trưởng ở Nam Trung Yên có thể là cá biệt, nhưng ông cũng “gợi mở” cần phải đánh giá về hiện tượng vi phạm dân chủ trong trường học có phổ biến hay không.

Giáo viên đang rất thiếu tự do, dân chủ trong môi trường làm việc?
Giáo viên đang rất thiếu tự do, dân chủ trong môi trường làm việc?

Trên thực tế, việc trên nói dưới gật bất kể đúng sai không hề hiếm trong môi trường giáo dục. Giáo viên không dám nói khác, chứ chưa nói là nói trái ý của hiệu trưởng dẫn đến việc mọi người che giấu ý kiến, quan điểm của mình. Ở môi trường thiếu dân chủ, chỉ cần khác đi sẽ được lãnh đạo “quan tâm săn sóc”. Nhiều trường học trở thành một “ốc đảo” khép kín về thông tin lẫn tư duy phản biện.

Rất nhiều quy định, chủ trương tháo gỡ cho giáo viên đưa xuống trường học bị “tắc nghẽn” ở... ban giám hiệu, luật vua không qua nổi lệ làng. Như về giảm tải hồ sơ sổ sách, về không bắt buộc thi giáo viên giỏi rồi về không được giáo viên thu các loại tiền trường... chỉ nằm trên báo cáo. Giáo viên nào thuộc diện “hay ý kiến” thì càng dễ được “ưu tiên”.

Còn nhớ, cách đây hơn hai năm, Thông tư 30 đi vào trường học, giáo viên là người trực tiếp áp dụng Thông tư vào thực tiễn nhưng để lấy được ý kiến của họ khó hơn hái sao trên trời. Nhiều giáo viên không dám lên tiếng, hoặc nêu ý kiến khác suy nghĩ của mình hay nói thật thì yêu cầu phải giấu tên. Có không ít giáo viên bị quản lý “hỏi thăm” vì đóng góp ý kiến trên báo chí.

Trong rất nhiều cuộc họp ở trường học, khi hỏi giáo viên còn ý kiến gì không thì... tất cả im lặng, gật gù. Bởi họ hiểu đây chỉ là hỏi lấy lệ, ban giám hiệu, nhất là hiệu trưởng chốt thế nào thì sẽ như thế, nói khác sẽ rước họa vào thân. Những tiếng nói chỉ được xầm xì, bàn tán sau buổi họp.

Trong quá trình thực hiện các cuộc nghiên cứu so sánh giáo dục nước nhà với một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) đã thốt lên hai từ “tội nghiệp” với đội ngũ nhà giáo. Không chỉ là chuyện thu nhập mà đáng sợ nhất là họ không có tự do, tự chủ trong công việc của mình. Họ lao động dưới đủ “gọng” thanh tra kiểm tra từ Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn, bộ môn…

Giáo viên, bảo mẫu ở TPHCM trong buổi đối thoại với lãnh đạo
Giáo viên, bảo mẫu ở TPHCM trong buổi đối thoại với lãnh đạo

Khi thực hiện các cuộc khảo sát thực tế với giáo viên đến 4 - 5 lần, ông Trung và cộng sự đều ghi nhận câu trả lời như một văn bản soạn sẵn. Ít ai đề cập đến quan điểm, suy nghĩ cá nhân mà nghĩ một đằng, nói một nẻo. Chỉ lúc đã thân thiết, đi ăn uống với nhau thì họ... trải lòng thì mới thu được những ý kiến khác biệt nhưng xác thực, thật lòng hơn.

Điều này, rất khác với giáo viên ở môi trường giáo dục tiên tiến, họ đồng nhất trong suy nghĩ và lời nói.

Một nhà giáo dục làm việc tại một tổ chức nước ngoài ở TPHCM cũng đưa ra quan điểm rất nhiều vấn đề, đề án giáo dục đưa vào trường học không thu nhận được ý kiến góp ý chân thành từ giáo viên. Không đồng thuận, nghĩ khác nhưng giáo viên vẫn khen, vẫn gật... mà theo bà một phần vì thói quen ngại góp ý của người Việt nhưng lý do chính vẫn là môi trường giáo dục thiếu dân chủ, chưa chấp nhận những ý kiến trái chiều, ý kiến khác với tập thể.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)