TPHCM:

Đấm cô giáo, học sinh bị đuổi học

(Dân trí) - Bực tức vì bị cô giáo Vật lý bắt về chỗ ngồi, em Đ. Q.Ch (18 tuổi) học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức, TPHCM, trả thù bằng cách quay lại đấm vào mặt cô giáo. Học sinh này tỏ ra ăn năn nhưng vẫn bị đuổi học một năm.

Đấm cô giáo, học sinh bị đuổi học - 1
Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức, TPHCM.
 

Ngày 26/3/2010, cô Đ. T. Ng lên lớp 9A dạy bình thường. Trong lúc hướng dẫn các học sinh giải bài tập ở cuối lớp, khi cô quay lên thì bắt gặp Đ.Q. Ch vẫn chạy lên chạy xuống ngay lối đi giữa. Cô Ng liền gạt và nghiêm khắc yêu cầu em này vào chỗ ngồi.

 
Tuy nhiên, đến cuối giờ học thì bất ngờ Ch lao đến đấm mạnh vào mặt cô Ng khiến cô bất ngờ và bị choáng. Cú đánh mạnh làm cô Ng bị bầm ở vùng mắt và lung lay hai chiếc răng giả. Sau đó cô Ng phải nghỉ để vào bệnh viện Thủ Đức điều trị liên tiếp 5 ngày.
 
Ngay sau khi đánh cô, Ch cũng đã tỏ ra ăn năn, đã cùng mẹ đến nhận lỗi với cô giáo và trung tâm. Ch cho biết vì bực tức cô nên đã hành động nông nổi như thế.
 

Theo Ban giám hiệu trung tâm thì dù Ch học yếu nhưng trước đó chưa không phải là học sinh cá biệt hay có hành động quá mức nào. Được biết, giữa cô Ng và Ch trong suốt năm học không hề có mâu thuẫn gì.

 
Dù thế, trước hành vi vô lễ và bạo lực của Ch, ngày 12/4 hội đồng kỉ luật của Trung tâm đã quyết định ra hình thức kỉ luật cao nhất, đuổi học 1 năm đối với học sinh này.
 
Tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, một số các học sinh học đều có hoàn cảnh đặc biệt. Như trường hợp Ch cũng khá đặc biệt. Quê em ở Bình Thuận, nhưng ba mẹ ly dị từ lâu. Mẹ Ch dắt hai con vào TPHCM sinh sống và kết hôn với người khác.
 

Còn ở lớp 9A của Đ.Q. Ch, dù chỉ có 28 học sinh học vào buổi sáng nhưng đa phần là những học sinh từng bị đuổi học ở những trường công lập vì nhiều lí do. Phần lớn các em đều học yếu và hay nghỉ, bỏ học. Thỉnh thoảng cũng có va chạm với nhau nhưng không phải mang tính hệ thống.

 
Trước báo động về tình hình bạo lực học đường hiện nay, phía Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức cho biết đã có nhiều biện pháp để cố gắng hạn chế. Theo đó, các giám thị, giáo viên chủ nhiệm, trợ lí thanh niên… phối hợp và theo dõi những em có biểu hiện các biệt, tìm hiểu các mối quan hệ để ngăn ngừa kịp thời tình trạng bạo lực.
 
Thụy An - Hoài Lương