Đắk Nông sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Ngày 5/9, hơn 185.000 học sinh tỉnh Đắk Nông bước vào năm học mới 2023-2024. Dù có nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục Đắk Nông vẫn đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Đắk Nông sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024 - 1
Năm học mới, tỉnh Đắk Nông có hơn 185.000 học sinh các cấp (Ảnh: Đặng Dương).

Bảo đảm cơ sở vật chất để dạy và học

Để chuẩn bị cho năm học mới, thầy và trò trường THPT Chu Văn An (TP Gia Nghĩa) đã thực hiện tổng vệ sinh trường lớp, sắp xếp lại bàn ghế, cải tạo cảnh quan sân trường, lớp học để tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho ngày khai giảng.

Em Nguyễn Thị Mai Linh, lớp 11A7, chia sẻ: "Nghỉ hè lâu nên em và các bạn rất hào hứng đi học lại. Em cũng xây dựng một kế hoạch học tập phù hợp để đạt kết quả tốt hơn năm lớp 10".

Năm học 2023-2024, trường THPT Chu Văn An có trên 1.000 học sinh các khối lớp. Để sẵn sàng cho năm học mới, nhà trường đã huy động giáo viên và học sinh tham gia vệ sinh trường lớp, xây dựng các không gian xanh mát, tạo tâm lý hứng khởi cho thầy và trò.

Không chỉ trường THPT Chu Văn An, thầy trò ở tất cả cơ sở giáo dục khác đều tiến hành tổng vệ sinh trường lớp. Trong đó, các trường mầm non tổ chức cho giáo viên làm đồ dùng, vẽ trang trí phòng học.

Bà Hà Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi (TP Gia Nghĩa), cho biết năm học 2022-2023, trường thiếu các phòng chức năng, gây ảnh hưởng đến việc triển khai một số nhiệm vụ. Năm học 2023-2024, số lượng học sinh của trường tăng nhanh nên số lượng phòng học cũ không đáp ứng đủ nhu cầu.

Từ các nguồn vốn khác nhau, trường Mầm non Họa Mi đã được đầu tư trên 6 tỷ đồng xây mới 3 phòng học và 3 phòng chức năng. Đây cũng là điều kiện để năm học mới trường duy trì và nâng cao các điều kiện của trường đạt chuẩn quốc gia.

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Gia Nghĩa cho biết bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình với quy mô trường, lớp đạt chuẩn, bảo đảm tỷ lệ số phòng học/lớp học theo quy định, góp phần giảm tỷ lệ phòng học bán kiên cố.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 359 cơ sở giáo dục. Chuẩn bị cho năm học mới, toàn ngành được đầu tư trên 329 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường học là trên 262 tỷ đồng.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục cũng thực hiện các gói thầu mua sách, vở cho học sinh dân tộc thiểu số, mua sắm thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến…

Nâng cao chất lượng giảng dạy trong điều kiện thiếu giáo viên

Một trong những khó khăn lớn của ngành giáo dục là thiếu giáo viên. Trong năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Nông tuyển dụng mới 176 biên chế giáo viên và nhân viên, nhờ đó toàn ngành hiện có 11.018 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Đắk Nông sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024 - 2
Hiện tại số lượng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập còn thiếu 1.027 người (Ảnh: Đặng Dương).

Hiện tại, số lượng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập còn thiếu 1.027 người, trong đó số giáo viên thiếu 606 người, số nhân viên thiếu 421 người.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, UBND tỉnh Đắk nông đã chỉ đạo chỉ đạo Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở các cấp học, bậc học.

Trong đó, ngành giáo dục xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên dư thừa cục bộ và xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu hiệu quả, phù hợp. Ngoài ra, các đơn vị ưu tiên sắp xếp, bố trí giáo viên cho những khối lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở GD&ĐT cũng đã có những giải pháp phù hợp để thực hiện như bồi dưỡng giáo viên tiểu học (dạy môn chung) dạy cả những môn như giáo dục thể chất, phân môn công nghệ trong môn tin học và công nghệ, tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên học văn bằng 2 sư phạm về chuyên ngành ngoại ngữ, tin học…

Các địa phương phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giao bổ sung số lượng người làm việc để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Bên cạnh khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên, toàn ngành cũng tập trung nâng cao trình độ, chuẩn hóa cho đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài hình thức đào tạo nâng chuẩn, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp các mô-đun của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đắk Nông sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024 - 3
Lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông tặng hoa chúc mừng trường THPT Lương Thế Vinh trước thềm năm học mới (Ảnh: Đặng Dương).

Thống kê đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo từng cấp học theo Luật Giáo dục 2019 của Giáo dục mầm non là 81,6%, bậc tiểu học đạt 87,6%, bậc THCS đạt 90,4% và bậc THPT đạt 100%.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, cùng với sự chuẩn bị về mọi mặt của ngành giáo dục, thời gian qua đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn như tặng sách vở, quần áo, xe đạp... Đây là động lực để học sinh khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Tính tới thời điểm hiện tại, tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã hoàn tất cho công tác chuẩn bị năm học mới để đón học sinh tựu trường vào ngày 6/9. Trước đó, ngày 21/8, học sinh khối lớp 1 cũng đã tựu trường và bắt đầu năm học mới với "Tuần 0".