Đại sứ Ted Osius: Tình thầy trò không có biên giới !
(Dân trí) - “Tôi nghĩ tình thầy trò luôn luôn là tình cảm mạnh mẽ và cái đó không có tính biên giới, tính quốc gia hay dân tộc gì cả…” – đó là chia sẻ của ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11.
Sáng nay 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond cùng 2 con đã tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám thắp hương nhằm tôn vinh nhà giáo - một lễ kỷ niệm văn hoá quan trọng nhất của Việt Nam.
Gia đình Ngài Đại sứ Ted Osius thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám sáng ngày 20-11 (ảnh: Trần Vương)
Sau khi thắp hương tại Văn Miếu, Đại sứ Ted Osius đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Dân trí về tình nghĩa thầy trò. Mở đầu buổi trò chuyện, ngài Đại sứ Ted Osius đọc câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” – đó là lý do tôi tới đây ngày hôm nay.
Cảm nhận của ông như thế nào khi đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11?
Tôi biết ở Việt Nam có sự tôn trọng vô cùng lớn dành cho các thầy cô giáo, cá nhân tôi cũng có sự tôn trọng, cảm xúc tương tự như vậy và tôi đến đây để bày tỏ sự tôn trọng của tôi.
Hiện nay con tôi cũng đã rất thích sách. Tôi hy vọng sau này, các con tôi cũng kính trọng, yêu mến các thầy cô giáo, hiểu được truyền thống tôn sư trọng đạo và sẽ được hưởng nền giáo dục tốt. Con tôi đã bắt đầu nói được tiếng Việt.
Ở Mỹ có ngày kỷ niệm nào với thầy cô giáo giống như ở Việt Nam không thưa ông?
Ở Mỹ cũng dành sự tôn trọng rất lớn với các thầy cô giáo nhưng mỗi nước có những truyền thống khác nhau. Ở Mỹ không có ngày Tết ta còn ở Việt Nam có ngày Tết ta. Ngày Tết truyền thống Việt Nam, ngày mùng 2 Tết là ngày mà mọi người bày tỏ sự kính trọng với các thầy cô giáo, ở Mỹ không có như vậy.
Tôi nhớ hồi tôi còn ở Việt Nam, hồi còn là giáo viên tiếng Anh, ngày mùng 2 Tết, có em học sinh đã mang quà đến tặng cho tôi thể hiện sự kính trọng. Cái này ở Mỹ không có nhưng không nghĩa là chúng ta khác nhau vì chúng ta đều có sự tôn trọng lớn dành cho các thầy cô giáo.
Ngài Đại sứ Ted Osius và người bạn đời cùng các con thắp hương tại Văn Miếu (Ảnh: Trần Vương)
Được biết, thời gian trước đây ở Việt Nam ông từng là giáo viên tiếng Anh, vậy kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất?
Không phải tôi dạy các bạn học sinh tiếng Anh và các bạn học sinh cũng dạy lại tôi, ví dụ như đưa tôi đi ăn ốc và uống bia ở hồ Trúc Bạch. Ngoài ra, họ dạy tôi nhiều điều khác.
Cách đây vài tuần, 4 người trong số 10 học sinh học tiếng Anh của tôi đã gặp lại nhau và ăn tối tại nhà riêng của tôi. Sau 20 năm họ đã lớn lên rất nhiều và đã thay đổi nhiều.
Trong thời gian ở Việt Nam, ông có nhận được món quà nào nhân ngày 20-11?
19 năm trước vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tôi đã nhận được quà của các em học sinh nhưng ngày hôm nay thì chưa. Và ngày hôm nay, món quà đối với tôi là chuyến đi thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám này, cùng thăm với tôi có cô Chung giáo viên tiếng Việt cho tôi nhưng tôi chưa tặng quà cô giáo (cười).
Trong cuộc đời của mình, người thầy nào mà ông nhớ nhất?
Tôi có nhiều người thầy tuyệt vời nhưng tôi có thể nói rằng, người thầy tuyệt vời nhất của tôi là người tôi gặp ở ĐH Harvard. Xét trên giấy tờ, người đó không phải là thầy giáo thực thụ mà chỉ là người bạn học đại học cùng phòng với tôi. Nhưng người đó đã dạy tôi giá trị của tài năng và dạy tôi phải biết khiêm tốn.
Sau 35 năm người đó vẫn là người bạn tốt của tôi. Mới đây anh ý và gia đình đã đến thăm tôi ở Việt Nam và họ nói rất yêu mến Việt Nam.
Ông nghĩ gì về tình thầy trò hiện nay?
Tôi nghĩ tình thầy trò luôn luôn là tình cảm mạnh mẽ và cái đó không có tính biên giới, tính quốc gia hay dân tộc gì cả. Ở trong nền văn hóa của Mỹ hay trong nền văn hóa của Việt Nam, tình thầy trò luôn là tình cảm mạnh mẽ. Tình thầy trò của tôi với học sinh cách đây 20 năm cho đến bây giờ nó vẫn rất mạnh mẽ.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Trong buổi trò chuyện với phóng viên ngài Đại sứ Ted Osius đã đọc câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
|
Hồng Hạnh (thực hiện)