Đại học Việt Nam xếp hạng thấp: Do chưa vận hành theo cơ chế thị trường
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, trong lần kiểm định của mạng lưới các trường đại học Asean (AUN) vừa qua, các chuyên gia nhận xét là đại học Việt Nam chưa quan tâm vận hành theo cơ chế thị trường, duy ý chí, dạy cái mình có và mình thích... Vậy nên chưa có sự ghi nhận của cộng đồng và thứ hạng thấp là tất yếu.
Ngày mai 11/4 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế” của các trường đại học Việt Nam.
Diễn giả chính là Bà Mandy Mok – Giám đốc điều hành Tổ chức xếp hạng QS Châu Á và GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN.
GS Nguyễn Hữu Đức cho biết, hội thảo tập trung vào các giải pháp nâng cao thứ hạng của các trường đại học trên các bảng xếp hạng quốc tế, tập trung vào một tiếp cận chất lượng đo đếm được, nhận diện được. Tôi đang có một số kết quả phân tích hiện trạng giáo dục đại học của Việt Nam và muốn được trình bày để thuyết phục các đồng nghiệp tự tin đầu tư cho công tác xếp hạng.
Cần khôi phục lòng tin với cộng đồng
Quy định về thông tin xếp hạng trường đại học đã được tranh luận góp ý rất nhiều của nhiều chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế trên diễn đàn báo chí vừa qua. Vậy quan điểm của GS như thế nào về xếp hạng đại học, có hình thức quá không?
Một chủ trương gì cũng có hai mặt của nó, nhưng xếp hạng nói chung, từ bóng đá, đến chỉ số hài lòng của người dân, rồi chỉ số đổi mới sáng tạo…, đang được áp dụng vào tất cả các lĩnh vực, đang có ý nghĩa đối sánh giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia và góp phần thúc đẩy sự phát triển, làm gia tăng các giá trị cần thiết. Xếp hạng đại học cũng vậy.
Ngoài việc đánh giá được một số chỉ số cơ bản, đặc trưng của giáo dục đại học, đối sánh mình với cộng đồng trong nước và thế giới, xếp hạng đại học còn xác nhận sự hiện diện của một trường đại học trong thực tại.
Trong thời đại thông tin số, nhất là trên bình diện quốc tế, một trường đại học không có tên trong bảng xếp hạng coi như không được thế giới biết đến và phụ huynh, người học coi như trường đó không có, không tồn tại và không đăng ký vào học trường đó.
Do đó, có thể nói xếp hạng đại học là một công cụ nhận diện đơn giản và hiệu quả. Ngày nay, xếp hạng đại học không chỉ là thông tin để phục vụ việc chọn trường nữa, mà rất nhiều quốc gia như Vương quốc Anh, Hà Lan, Nga, Malaixia… đã sử dụng kết quả xếp hạng để xây dựng chính sách phát triển và quyết định đầu tư.
Đối với Việt Nam ta, ý nghĩa còn nhiều hơn thế, nó giúp cho các trường đại học định hướng sự phát triển, thực hiện đầy đủ các chức năng của mình; là một chỉ số để thực hiện giải trình và đặc biệt trong thời điểm hiện nay, có thể giúp đại học tự khôi phục lòng tin với cộng đồng.
Nhưng hiện nay trên thế giới có rất nhiều bảng xếp hạng đại học và hầu như Việt Nam chưa bao giờ có tên trong các bảng xếp hạng này. Theo GS, Việt Nam cần phải đổi mới như thế nào và lựa chọn bảng xếp hạng nào để thực hiện cho phù hợp?
Đúng thế, theo thống kê hiện nay đang có 16 bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau. Mỗi bảng có một ưu tiên riêng, nhưng chung nhất, toàn diện nhất, được quan tâm nhiều nhất là 4 bảng xếp hạng: ARWU (từ 2003) của Trường Đại học giao thông Thượng hải, QS và Webo (từ 2004) và THE (từ 2010), trong đó theo thống kê của trang mạng Alexa, website của QS có sự quan tâm của cộng đồng cao nhất.
ARWU quan tâm nhiều đến các tiêu chí đánh giá các nghiên cứu trình độ cao (giải thưởng Nobel, bài báo trên Nature, Science…). THE hình như là văn hóa của châu Âu và các nước đang phát triển, họ quan tâm đến cả tài trợ của doanh nghiệp và cựu sinh viên cho các hoạt động nghiên cứu.
Những tiêu chí này chưa phù hợp lắm với số đông các trường đại học của châu Á và các khu vực đang phát triển. QS mặc dù ra đời sớm, nhưng đã có tầm nhìn chung, vừa bám chặt các tiêu chí cơ bản của xếp hạng đại học, vừa phản ánh được mối quan tâm của số đông các trường đại học, trong đó lấy hoạt động đào tạo và sự thừa nhận của cộng đồng đối với thương hiệu của một trường đại học vẫn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đành rằng, khi một trường đại học có kết quả hoạt động tốt thì nếu đăng ký tham gia xếp hạng nào cũng sẽ tốt (với thứ hạng khác nhau khoảng dăm chục bậc), nhưng trong hoàn cảnh của Việt Nam, bước đầu chúng ta nên tập trung tham gia một bảng xếp hạng là đã có thông tin để nhận diện rồi. Theo đó, theo tôi QS là một lựa chọn hợp lý.
Các bảng xếp hạng đại học phổ biến ở trên thế giới, trong đó 4 bảng xếp hạng QS, THE, Webo và ARWU có sự quan tâm cao nhất.
Đại học Việt Nam chưa quan tâm tới vận hành theo cơ chế thị trường
Giáo sư vừa nói, ông đang có một số kết quả phân tích hiện trạng giáo dục đại học của Việt Nam. GS có thể bật mí về nghiên cứu này?, phải chăng đó vẫn là điểm yếu cố hữu về năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế.
Tôi sẽ trở lại vấn đề nghiên cứu sau. Trước hết, tôi muốn nói về một số điều đơn giản hơn, dễ làm hơn mà các trường đại học chúng ta đang bỏ qua. Đó là vấn đề xây dựng mạng lưới các nhà tuyển dụng và học giả - các đối tác chiến lược để hỗ trợ và hợp tác với các trường.
Nguyên tắc chung của một bảng xếp hạng là chỉ đánh giá dựa trên số liệu 50% trọng số, còn 50% trọng số dành cho việc khảo sát ý kiến của cộng đồng. Để hỗ trợ điều này, các bảng xếp hạng thường đề nghị các trường cung cấp cơ sở dữ liệu về các nhà tuyển dụng và các nhà khoa học đối tác của trường để họ phát hành phiếu khảo sát trực tuyến.
Theo số liệu mà tôi được biết, ngay cả hai ĐHQG vẫn cung cấp không được đầy đủ, còn các ĐH Huế, Đà Nẵng và Trường ĐH Bách Khoa, Cần thơ… thì chưa cung cấp được. Trong các trường hợp đã cung cấp, sự lựa chọn, suy tôn mà các trường đại học Việt Nam nhận được qua phiếu khảo sát có tỉ lệ rất khiêm tốn.
Các bạn nước ngoài còn đặt nghi vấn với tôi là: chẳng lẽ các trường đại học không quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu này, không quan tâm đến việc xây dựng các đối tác chiến lược, thế thì làm sao biết để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội được.
Trong lần kiểm định của mạng lưới các trường đại học Asean (AUN) năm ngoái, các chuyên gia thậm chí còn nhận xét là đại học Việt Nam chưa quan tâm vận hành theo cơ chế thị trường, chưa quan tâm đến các bên liên quan, hoạt động độc lập, duy ý chí, dạy cái mình có và mình thích. Vậy nên chưa có sự chia sẻ, ủng hộ và ghi nhận của cộng đồng và thứ hạng thấp cũng là tất yếu.
Qua phân tích về thực trạng giáo dục Việt Nam, giáo sư có kỳ vọng Việt Nam sẽ có trường lọt vào tốp Châu Á?
Tôi đã phân tích và có cơ sở để đặt mục tiêu vào năm 2020 Việt Nam có hơn 10 trường đại học vào nhóm 400 đại học Châu Á (hiện nay mới có 6 trường), 1-2 trường vào nhóm 100 châu Á và nhóm 1000 thế giới.
Nói tốp 400 và 1000 các bạn có thể chưa hài lòng, nhưng cả châu Á có 11.900 và trên thế giới có hơn 28.000 trường đại học thì vào tốp như vậy đã thuộc nhóm khoảng 3% rồi. Với mức đầu tư như hiện nay mà có trường đại học như vậy đã là một nỗ lực lớn. Quyết tâm xa hơn, đến năm 2025 Việt Nam phải có vài trường vào nhóm 500 thế giới.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức và Bà Mandy Mok tại Hội thảo Phát triển giáo dục đại học Châu Á – Thái Bình dương năm 2017.
Chúng tôi nghĩ, mục tiêu như vậy quả là còn khiêm tốn, nhưng liệu có khả thi không, thưa GS?
Trong CSDL của tổ chức QS, ngoài 6 trường đã nêu ở trên, họ còn liệt kê một số trường đại học năng động và có tiềm năng là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH FPT, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, theo thống kê thì ta vẫn còn nhiều trường có năng lực nghiên cứu tốt hơn nữa như Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Học viện Bưu chính Viễn thông… Gần đây, hàng năm mỗi trường đều công bố được xấp xỉ 100 bài báo trong CSDL Scopus cả rồi.
Phải cố gắng “vốn hóa” được tri thức ngay trong khuôn viên đại học
Theo GS các trường đại học phải thực hiện giải pháp nào để tiến tới mục tiêu đó?
Tại hội thảo, tôi muốn nghe thêm ý kiến của chuyên gia đến từ tổ chức QS về gợi ý và một số kinh nghiệm của các nước. Tuy nhiên, cũng có thể đoán nhận được không thể không có giải pháp quan trọng đầu tiên là đầu tư mục tiêu của Nhà nước. Dự án đầu tư này, ngoài việc đầu tư thúc đẩy nghiên cứu, còn cần tích hợp với đề án đào tạo tiến sĩ đang có.
Bộ GD&ĐT cần có sự kết hợp với Bộ KH&CN để ưu tiên sự ủng hộ của Quỹ Nafosted cho mục tiêu này của các trường đại học hoặc mở thêm một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia mới nữa. Tất nhiên, tham gia đề án này không phải là tất cả. Các trường có tiềm năng và đã sẵn sàng cần làm đề án để được xét chọn đầu tư. Và khi có đầu tư tập trung như vậy, mục tiêu đã nêu ở trên có thể đẩy lên nhanh hơn.
Đối với các trường đại học, cần quan tâm đến các giải pháp có tính chất nguyên tắc và bắt buộc để nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ. Như đã nói ở trên, được tự chủ cao nhưng phải vận hành các hoạt động của nhà trường theo cơ chế thị trường, hướng đến sự quan tâm của thị trường và các nhà tuyển dụng.
Cụ thể, như khuyến cáo của tổ chức QS, phải xác lập được mạng lưới chiến lược các nhà tuyển dụng và các học giả. Hệ thống này phải được đồng hành với chất lượng của nhà trường, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của nhà trường.
Để Việt Nam “lọt” tốp như GS nói thì phải có thay đổi căn bản, táo bạo hơn nữa hoặc cần một cú hích mạnh thì mới thay đổi được. Theo GS đó là giải pháp nào?
Phải thừa nhận rằng, Việt Nam ta có đủ điều kiện để xây dựng được các đại học tốt, nhưng hiện nay nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đang rất phân bố thiếu tập trung và thực hiện chưa hoàn toàn đúng chức năng.
Đành rằng, các đại học đang hướng tới mục tiêu và định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phải cố gắng “vốn hóa” được tri thức ngay trong khuôn viên đại học của mình, nhưng nói cho cùng và so với các cơ sở nghiên cứu khác thì nghiên cứu khoa học ở các trường đại học vẫn thiên về hàn lâm hơn. Còn ở các viện nghiên cứu khác, không ai phủ nhận vai trò nghiên cứu cơ bản, nhưng chức năng chính nên thiên về nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản phẩm.
Trong thực tế hiện nay, chưa ai quan tâm đến điều này, nên về mặt hệ thống và lý thuyết chúng ta đã có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhưng các thành tố của hệ sinh thái đó đang vận hành sai chức năng.
Trong trường hợp này, trên tinh thần đổi mới, sắp xếp lại các tổ chức, bộ máy mà Nhà nước đang phát động, thiết nghĩ nên khởi động lại ý tưởng đã có từ vài chục năm trước về việc tích hợp các nghiên cứu cơ bản vào các trường đại học.
Chí ít, phải huy động, điều động hoặc/và tích hợp các hoạt động của các nhà khoa học cơ bản có năng lực ở các viện nghiên cứu vào việc đào tạo và xây dựng thương hiệu của các đại học Việt Nam. Sự di chuyển này vừa phát huy được hiệu quả của từng các nhân các nhà khoa học và sức mạnh của hệ thống, tránh trùng lặp và dàn trải.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh